Khi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp đi những điều tốt đẹp
Một câu chuyện thật buồn mà tôi đọc được trên Dân trí sáng ngày 14/7: Đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số người "gom hàng" trong siêu thị đưa ra ngoài bán.
Nguyên nhân là các mặt hàng rau, củ quả, gạo, thịt, trứng, sữa của hệ thống siêu thị hiện vẫn chưa điều chỉnh tăng giá so với trước giãn cách xã hội. Trong khi đó, nhu cầu mua hàng của người dân lại tăng cao.
Việc giá hàng hóa siêu thị giữ nguyên hoặc giảm là nhằm mục đích cùng chính quyền TPHCM chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo cho người dân an tâm chống dịch.
Thế nhưng, một số cá nhân lại lợi dụng tình hình để trục lợi. Họ trục lợi trên chính sách nhân văn của Nhà nước và trục lợi trên sự khó khăn của đồng bào. Sự trục lợi đó, chẳng những làm con người ta trở nên xấu xí đi mà còn tạo gánh nặng lên công cuộc chống dịch chung của TPHCM và cả nước.
Tôi không rõ những người cố vào siêu thị mua rẻ để bán đắt cho người dân, họ có thực sự túng quẫn đến mức phải làm như vậy hay không. Có thể, họ khó khăn thực sự và thấy rằng, điều họ làm không vi phạm pháp luật, thậm chí còn coi là "cửa sáng", là lối thoát hiểm để kiếm thêm thu nhập giữa thời kỳ dịch dã?
Và rồi tôi lại nhớ đến câu chuyện "cái chân đau" mà cố nhà văn Nam Cao từng đề cập: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất..." .
Covid-19 hoành hành đã khiến hàng triệu người dân rơi vào tình cảnh hụt thu, thất nghiệp. Rồi họ cũng phải tìm cách "xoay" cho chính bản thân và gia đình họ. Nên, thật không dễ dàng để yêu cầu những người vốn đã khó khăn và khổ sở phải sống cao thượng hơn, đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Nhưng, sống đàng hoàng liệu có quá khó hay không? Tôi vẫn thấy rất nhiều hình ảnh đẹp về người dân TPHCM nhường cơm sẻ áo cho nhau trong cơn khốn khó. Tôi cũng thấy cả những người dân nghèo trên cả nước, họ cũng chắt chiu từng chút một nào bầu bí, lương thực để gửi cho TPHCM.
Vì, dẫu chưa thể giúp người khác thoát khỏi "nghèo khó" nhưng chỉ cần kéo ai đó vượt qua được cơn "ngặt", điều đó cũng đã quá đẹp đẽ, tuyệt vời.
"Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" dù là trước đây hay bây giờ, dù là ở hoàn cảnh nào của đất nước, cũng là truyền thống rất nhân văn, rất con người.
Được biết, hiện hàng loạt siêu thị trên địa bàn TPHCM đã tổ chức bán hàng lưu động. Người dân đã có thể mua được thịt, cá, rau củ... ngay ở vỉa hè thậm chí là trong khu phong tỏa.
Có siêu thị còn kết hợp với Hội Phụ nữ của quận để triển khai mô hình "đi chợ giùm" người dân. Cụ thể, siêu thị sẽ gom đơn theo phiếu đăng ký của người dân và giao hàng tại điểm cố định vào ngày hôm sau. Nhân viên bán hàng đều mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch.
Với những nỗ lực này, mong rằng, những đồng bào ở TPHCM, ở phương Nam sẽ sớm vượt qua dịch Covid-19 một cách an toàn. Đừng để lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp đi những điều tốt đẹp.
Theo Dân trí
-
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Đề xuất vinh danh 58 bộ sách, cuốn sách
-
Hơn 60 quốc gia tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 tại Hà Nội
-
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tại Kon Tum
-
Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa
-
[Chùm ảnh] Cận cảnh Tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cà Mau