Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Ba không thể chết vì Covy!”

19:34 | 14/07/2021

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong câu chuyện kể, anh Lê Văn Dũng (một thợ làm khóa và sửa chữa giày dép ở Paris) cứ lặp đi lặp lại mấy câu đó bằng một giọng cảm thán vẫn còn đặc chất Nam bộ dù anh đã xa nơi đấy 40 năm có lẻ rồi. Tôi cứ ngồi im nghe anh lặp lại, anh nói, anh kể…

- Ba phải sống! Ba không thể chết được! Làm sao ba có thể chết được hả con?

Paris chiều cuối tuần nhưng khá vắng xe cộ bởi là chiều đầu tiên của kỳ nghỉ hè nên dân tình đã tranh thủ khẩn trương khăn gói rời thủ đô. Đi nghỉ hè tháng 7, 8 hàng năm đã trở thành luật lệ của dân Pháp cho nên ai cũng chờ mong ngày này. Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 đạt được trên 60% tiêm cả hai mũi đối với người lớn, trẻ em từ 12 tuổi đã được tiêm, vì vậy chính phủ bỏ lệnh giãn cách xã hội, mọi hoạt động, dịch vụ, kinh doanh trong trong cả nước được trở lại bình thường. Kỳ nghỉ hè của dân Pháp sau hơn một năm bị “nhốt” trong nhà, trong khu vực được thực thi.

“Ba không thể chết vì Covy!”
Anh Dũng - người tự vượt qua Covid ở nhà tại Paris

Do có việc đột xuất nên chúng tôi đến chỗ hẹn với anh trễ hơn 20 phút. Gần 8 giờ tối, nhưng mùa hè, hôm nay trời lại nắng từ sáng sớm cho nên cứ như là buổi trưa, các nét rõ mồn một. Ngồi trong xe đang tìm chỗ đậu tôi đã nhìn thấy một người đàn ông bên chiếc bàn của quán “Biển Nắng” đặt cho khách ngoài hiên. Cặp mắt to, hiền lành, gương mặt tròn phúc hậu, làn da rám nắng khỏe khoắn và hầu như nếp nhăn không có trên gương mặt, thêm nữa anh vận áo chemis sọc nhí màu đỏ khiến tôi thật khó đoán tuổi anh.

Theo lời anh kể, anh sinh năm 1954 tại một miền quê Cà Cưu. Từ thị xã Cà Mau phải đi đò 1 ngày, tới rừng U Minh, sau đó mướn xuồng ba lá đến quê là 100 km đi nguyên ngày, từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới đến. Làng của anh nghèo lắm, cả làng chỉ trừ có ba má anh là biết đọc còn lại mù chữ hết, kể cả anh và anh chị em trong nhà. Trẻ con ham chơi bời, dù là ở quê thì cũng luôn có ham muốn khám phá thế giới xung quanh. Lân la với mấy lái buôn từ chợ Cà Mau về mua cá đánh bắt của ba mẹ, xin được cho ké xuồng ra thị xã chơi, chấp nhận nấu cơm, làm các việc trong nhà cho gia chủ. Người lái buôn tốt bụng quí mến sự lanh lợi của đứa trẻ cho theo cùng ra thị xã thăm thú mà không bắt làm việc nhà, lại còn cho con mình đưa đi chơi.

Mọi cái đều mới lạ làm cho cậu bé quê mùa càng ngỡ ngàng, mắt chữ O mồm chữ A liên tục thể hiện trên gương mặt cháy sạm nắng, lem luốc. Đang mót tiểu, thấy có bảng đề “Cấm đái” thế là cu con chẳng thèm hỏi bạn dẫn đường hành động ngay và luôn giải thoát “nỗi buồn”. Chưa kịp sảng khoái với việc thải từ trong cơ thể một lượng nước độc lớn thì bị những cái bạt tai tới tấp nhào đến cho một trận te tua, lúc đó cu cậu mới hiểu đang đắc tội đái vào nơi cấm đái. Việc không biết đọc trở thành có tội, mới có tý tuổi đầu mà cu cậu cảm thấy xấu hổ, xót xa cho cái sự dốt của mình.

Ngang qua một trường học, nhìn vào lớp thấy những cậu bé, cô bé cùng trang lứa với mình ngồi trên những bàn học sinh được làm từ những thanh tre, tấm gỗ bào nhẵn thín, cậu rơm rớm nước mắt vì tủi thân và thèm thuồng được ngồi ở vị trí đó. Trở về cái xóm nghèo, trong ngôi nhà sặc mùi cá, cậu năn nỉ ba má cho được tới trường bằng được. Do học trễ nhưng nhờ sự kiên trì, chịu khó, ngày thì phụ việc nhặt cá từ lưới cho ba mẹ, tối đến cứ chong đèn dầu mà học, ngủ gục, lửa nhém cả tóc, tỉnh dậy, vục mặt vào nước lạnh rồi lại học tiếp để cuối cùng nhận được bằng tú tài toàn phần. Thương cho những con người cùng cảnh ngộ mình, cậu bé đã mang con chữ về xóa nạn mù chữ cho 5000 trẻ em và người lớn trong cái xóm nghèo này.

Thế rồi những ngày sau giải phóng, quê anh là cửa ngõ của hải phận quốc tế, chỉ vù một cái trên con tàu có gắn máy “đuôi tôm” là trong ngày đã tới địa phận Thái Lan. Thanh niên trai tráng làng anh đa phần trong đội nhóm “tổ chức vượt biên”. Móc nối với cán bộ công an, ra giá là xong. Anh tham gia công việc ấy đến năm 1979, khi đưa người anh trai đến đất Thái Lan, định quay về thì anh trai nhất định bắt em mình đi cùng, đến mức sợ em trai bỏ trốn nên đã cho uống thuốc ngủ, trói nghiến tay chân vứt lên bờ tị nạn. Giận anh trai nên không theo anh xin tị nạn qua Mỹ mà xin qua Pháp.

Con trai anh Dũng làm nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Paris. Mùa dịch nên công việc hàng ngày là chăm sóc những bệnh nhân nhiễm Covid. Bản thân con trai anh sau hơn một năm giữ gìn cuối cùng cũng nhiễm virus từ những bệnh nhân của mình và nghiễm nhiên là người truyền virus cho ba mẹ ở nhà vào tháng 4/2021.

Virus biến chủng Anh làm cho những cơn ho nhiều hơn, rũ rượi muốn vỡ tung cả lồng ngực, họng rát đau như xát ớt, nhiệt độ lúc nào cũng trên 38, 39 độ, người mệt, đau nhức, nhấc đôi chân lên cũng khó khăn. Anh có bệnh huyết áp cao, bác sĩ đến nhà khám khẳng định anh có đi viện hay ở nhà thì cũng chết. Anh cương quyết trả lời bác sĩ, tôi sẽ không chết, làm ơn ông chỉ cho tôi uống thuốc gì và phải ăn uống như thế nào?

Vợ và con anh bị nhẹ, chứng kiến những cơn ho, những cơn thở gấp, những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt trong khi tay chân thì run cầm cập, nỗi ám ảnh ảnh sẽ ra đi bất cứ lúc nào trong mắt họ, anh như đọc được hết. Anh cố thều thào: “Cả nhà đừng buồn, đừng sợ ba chết, ba không chết đâu, ba muốn sống với gia đình, ba không muốn chết và ba sẽ không chết. Rồi đến ngày giờ ba cũng sẽ phải chết nhưng bây giờ ba không chết vì Covid đâu!”.

“Ba không thể chết vì Covy!”
Anh Dũng và tác giả bút ký - chị Cù Thu Hương

Con trai ngạc nhiên cự lại: “Ba bị bệnh Covid, mà sao ba nói ngon lành thế?”. “Ừ, ba nói thật mà con, ba không sợ đâu, sóng biển còn không nhấn chìm được ba trên cái con xuồng ba lá mỏng manh khi ba vượt biên, ma quỉ gọi ba cũng không sợ, thì cái con Covid này ba cũng không ngán, rồi con sẽ thấy, ba sẽ sống, ba muốn sống, ba còn yêu cuộc sống lắm, ba mới có 68 tuổi thôi!”.

Tôi bị cuốn theo câu chuyện trong từng câu, từng từ chậm rãi của anh, quên cả dùng món mà nhà hàng đã bày ra. Anh vừa kể, vừa mô tả bằng các biểu cảm trên khuôn mặt, giọng nói lúc trầm, lúc bổng nhưng rất rõ ràng, ấm áp của người miền nam Nam bộ.

Ngày đầu tiên tôi mệt rã rời, tay chân như không bám vào cơ thể nữa, không cách gì nhấc lên được, với cái ly nước còn với mãi mà chẳng tới được, hệ thần kinh vận động từ trung tâm não gần như không điều khiển được vùng hoạt động thần kinh ngoại biên. Tôi như trong trạng bất động chỉ có duy nhất một nơi làm việc đó là vùng não nhắc nhở tôi phải cố, phải vượt qua, không được chết, phải sống! Tôi cố ăn, tôi nghiền hết tất cả hỗn hợp thịt, rau, gạo thành cháo để mà húp, miệng đắng ngắt nhưng tôi vẫn cố nuốt, tối thiểu mỗi lần là một chén cháo, một ngày tôi húp được tới 6 chén cháo.

Nhiệt độ lên cao, người cứ khô như bị vắt hết từng giọt nước, nóng bỏng vùng ngực, phải bù nước ngay. Tôi uống, tôi uống liên tục, một ngày 2 lít nước trắng và 1 lít nước hoa quả tôi tự xay ra, thanh lọc cơ thể đến mức nước tiểu tôi đi ra trắng trong như nước. Cảm giác lạnh toàn thân bên ngoài, như bị sốt rét, bên trong thì lại nóng như gặp than, nhưng tôi kiên quyết không đắp chăn, cứ chịu lạnh bên ngoài để cho hơi nóng bên trong cơ thể thoát ra, cho phổi không bị hấp hơi để từng nang phổi được thở.

Biết rằng phổi cần phải trao đổi oxy trong lành mà trong phòng cả ngày thì làm gì có oxy sạch, cứ đến 12h đêm tôi lại bảo vợ mở cửa cho tôi vịn bám từng bước đi xuống cái vườn cây của toà nhà. Chân tôi đã không còn bén được đất, nhưng tôi không nản, đi ba bước tôi cũng đi. Gùi theo lưng một cái ghế gấp nhỏ, cứ đi được 3 bước tôi lại đặt ghế ra ngồi nghỉ, tôi liên tục hít thật sâu khí trời qua mũi, thở thật dài qua miệng, tôi muốn hai lá phổi phải được lấp đầy bởi luồng oxy sạch thì làm gì con virus nào xâm phạm được. Tôi hà hít, lấy tay vuốt không khí buổi đêm mát lạnh thoa lên mặt, lên cổ, một cảm giác khoan khoái đưa tôi trở về sự sống. Suốt cả tiếng đồng hồ trong đêm tôi cứ một mình vừa đi và nghỉ như thế từ ngày thứ nhất phát hiện ra nhiễm virus corona.

Những ngày thứ 2, thứ 3, thứ 4 nặng thêm rất nhiều. Bác sĩ Tây vẫn tiếp tục nhắc lại điệp khúc khẳng định tôi không qua khỏi. Mặc kệ tôi không quan tâm đến lời nói của ông ta, tôi vẫn thực hiện ăn 6 chén cháo một ngày, ngoài ra ăn được cái gì thì ăn, uống 2 lít nước lọc và một lít nước hoa quả thật đầy đủ, hít thở khí trời, vận động và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Cứ đều đặn như thế, trong không gian tĩnh lặng, đêm nào tôi cũng vác ghế trên vai, đi bộ mỏi chân là lại kê ghế ngồi nghỉ, hít thở trong khuôn viên cây cối của tòa nhà chung cư. Con trai thuê hai bình oxy một bình chạy điện, một bình chạy gaz cho chắc ăn để phòng khi mất điện thì có bình chạy gaz dự trữ, vì trong lúc lên cơn ngạt thở thì bắt buộc phải có bình oxy để thở. Không đi bệnh viện thì đặt y tá của trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân đến nhà chăm sóc 24/24, lúc bệnh tật thì không được tiếc tiền. Y tá thay phiên túc trực đo huyết áp, đo nhịp tim, kiểm tra lượng oxy trong máu.

Đến ngày thứ 5 con trai ở nhà đo huyết áp cho tôi, trên màn hình hiện lên chỉ số 114-115, nó thảng thốt kêu lên: “Huyết áp của ba tốt quá rồi, trở lại bình thường rồi, ba không chết đâu! Chu cha! Một phép màu diệu kỳ!”. Người bác sĩ điều trị gọi điện tới, không tin ở điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi. Những gì kinh khủng nhất, hãi hùng nhất mà cơ thể tôi vừa trải trong 4 ngày đã qua, tôi đã không còn sốt, đã hết những cơn lạnh cóng bên ngoài mà bên trong nóng rực như đốt, các đợt ho cũng giảm dần, huyết áp, nhịp tim trở lại mức trung bình. Ngoài 6 chén cháo húp tôi còn ăn được thêm nhiều thứ khác, hai tay tôi đã nhấc được và cử động dễ dàng nhưng chỉ có đôi chân thì vẫn khó bảo, nó cứ đơ ra một cách sống sượng. Tôi trở nên yếu ớt vì tổng quan sức khỏe giảm tới 80%, đôi chân không nhấc được, thị lực chỉ nhìn thấy tầm 20%.

Thị lực giảm tôi không sợ bằng đôi chân không đi được do vậy tôi ưu tiên luyện chân trước. Trong tâm trí phải quyết đi được, phải quay trở về như xưa, tôi đã tập đi dưới nhà trong ngày không phải một tiếng nữa mà tăng dần lên hai tiếng, rồi ba tiếng. Sáng sớm khi vợ con còn ngủ ngon, tôi thức dậy từ 6 giờ sáng, vẫn khoác cái ghế gập trên vai, khe khẽ sập cửa và tụt xuống nhà. Tôi đã đi vòng quanh không biết bao nhiêu bước mỗi ngày ở cái khu vườn cây quanh nhà này, cái ghế gập của tôi mòn chân chạm từng mét đất nơi đây. Chiều tối khi tất cả yên vị ngồi xem tivi thì tôi lại vẫn chiếc ghế trên vai, cần mẫn từng bước như một con rùa chăm chỉ qua từng gốc cây… Xuất thân từ sông nước, nên tôi ưa vận động, mới chỉ cách đây 5 năm, một mình tôi đã đánh bay 15 thanh niên choai choai quanh khu vực định xông vào cướp túi đồ của tôi. Thế mà chỉ có mấy ngày nhiễm Covid-19 tôi đã không còn có thể nhấc nổi đôi chân, đánh vào không trung dăm cái còn khó khăn. Những năm tháng mạo hiểm và khốn khó đã tạo cho tôi sự lì lợm, gan góc.

Phải tập, phải tập thôi, cứ từ từ nhưng phải liên tục và không được gục ngã. Năm cái hít đất là thở hắt ra, mặt tái xanh, đến ngày hôm sau đã là 10 cái, rồi 15 cái, rồi 50 cái, rồi 100 cái… tôi đã không còn thấy mệt nữa. Đi bộ trở thành một thói quen của tôi, giờ đây việc đi 10 km đến nơi mua phụ tùng cho cái xe bị hư, quay trở về 10 km đối với tôi là chuyện nhỏ, tôi cứ tranh thủ được đi bộ lúc nào là đi lúc đó, cái xe hơi bị hư phụ tùng cả tháng mà tôi cứ kệ để đi bộ đến chỗ làm… thị lực của tôi giờ đã lên được 80%, còn đôi chân đã trở về được 60%”.

Câu chuyện anh vừa kể đến đó thì cũng là lúc anh vừa kết thúc bát lẩu dê với bún thứ ba, nhìn anh ngon lành vét từng cọng bún cuối cùng trên bát vào miệng, tôi mới chợt nhận ra là bát bún của tôi vẫn còn nguyên. Thấy tôi ngồi ngây ra nghe chuyện mà chẳng đụng bát đĩa, anh hiền lành tủm tỉm cười chốt lại:

“Muốn chiến thắng được con Covid-19 này thì điều trước tiên phải có sức khỏe nên em phải ăn thật nhiều, đồng thời rèn luyện thể thao không ngừng nghỉ. Điều thứ hai là phải tin vào bản thân là mình sẽ thắng, mình phải thắng, điều đó cho em thêm nghị lực và lòng dũng cảm vượt qua tình huống gian nan nhất. Điều thứ ba là thực hiện chế độ ăn, uống, thở, tập, thuốc men đúng như chỉ dẫn của bác sĩ…”.

Biết tôi là tác giả cuốn truyện ký “Paris + 14” viết về đại dịch Covid-19, anh khẩn khoản đề nghị tôi viết lại thật tỉ mỉ câu chuyện anh vừa trải qua, những ngày mà ranh giới giữa cái sống và cái chết vẫn còn mới toanh đây để giúp ích cho mọi người thêm những kinh nghiệm quý báu mà dũng cảm vượt qua vòng kim cô của con virus quái thai ác nghiệt này.

Vừa mến mộ vì nghị lực phi thường của anh và biết anh rất chăm đọc sách, ngay sáng hôm sau tôi đến thăm nơi làm việc của anh và tặng anh cuốn sách đầu tay của tôi viết về những ngày đầu đại dịch khủng khiếp này. Xưởng làm việc của anh nằm ở phía tây bắc của Paris, nơi tập trung dân lao động nhập cư từ nhiều quốc gia chậm phát triển. Gặp anh trong khuôn viên rộng chừng 80 m2, bên ngoài là nơi tiếp nhận đơn hàng, bên trong là những máy móc, dụng cụ để anh thực hiện các đơn hàng của khách. Nơi này anh đã gắn bó gần 40 năm kể từ khi đặt chân lên đất Pháp. Công việc quen thuộc đến mức cầm mỗi cái chìa khóa mẫu lên là anh biết được giá thành làm là bao nhiêu ngay lập tức, hay những đôi giày đã mòn vẹt đế chỉ trong chốc lát được thay bằng cái đế khác mới tinh tươm… Anh - một người thợ tận tụy với công việc của mình.

Ra về tôi cứ nhớ mãi mấy câu này của anh: “Mình muốn người khác thương yêu mình thì trước hết mình phải thương yêu họ, mình muốn được tấm chân tình đến với mình, thì trước hết mình phải chân tình, mình phải sống thật lòng thì mới mong người khác thật lòng với mình… cũng như cuộc sống này, nếu ta biết trân quí, biết nâng niu, thì nó sẽ mang đến cho ta hạnh phúc. Anh nghĩ rằng sẽ rất nhiều người có suy nghĩ và triết lý sống giống như anh”.

Bút ký của Cù Thu Hương

(Paris 11/07/2021)