Khí đốt đường ống và LNG của Nga cạnh tranh nhau thị phần châu Á - Kỳ II
Nhiên liệu LNG
Úc cũng là nhà cung cấp LNG chính cho Nhật Bản. Trong cơ cấu nhập khẩu LNG của quốc gia này năm 2020, Úc chiếm 39,1% thị phần, tương đương 29,1 triệu tấn. Xuất khẩu LNG của Nga vào Nhật Bản đạt 6,14 triệu tấn, giảm 4% so với năm 2019. Mặc dù đã vượt Mỹ về xuất khẩu LNG sang Nhật Bản, song Nga còn thua xa nguồn cung từ các nước ASEAN (16,8 triệu tấn) và từ các quốc gia Trung Đông (12,2 triệu tấn) tại thị trường này. Các chuyên gia Nga nhận định, thế giới không ghi nhận hiện tượng dư thừa nguồn cung LNG tại thời điểm hiện tại. Tuy châu Á có nhu cầu về LNG cao hơn các khu vực khác trên thế giới và sự cạnh tranh không quá gay gắt, LNG của Nga chưa thể chiếm lĩnh thị phần đáng kể tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Trung Quốc đang bắt tay vào chiến lược giảm phát thải khí CO2 nên cần nhiều khí đốt hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có chính sách tương tự. Tại Ấn Độ, nhu cầu năng lượng vẫn còn rất lớn tại một số địa phương chưa được điện khí hóa. Do đó mà quốc gia này luôn cần nhập khẩu LNG. Và trong trường hợp này, Qatar là nhà cung cấp có lợi thế lớn nhất vì có vị trí địa lý gần nhất với Ấn Độ. Mặt khác, thị trường tiêu thụ khí đốt của Ấn Độ sẽ tiếp tục mở rộng. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu LNG của Ấn Độ sẽ chiếm 25% tổng nhu cầu LNG toàn cầu đến năm 2040. Sản lượng LNG tiêu thụ của Ấn Độ sẽ tăng lên 48 triệu tấn/năm vào năm 2030. Qatar đang cung cấp 60% tổng lượng nhập khẩu LNG của Ấn Độ và nhà cung cấp này sẽ nỗ lực tăng thị phần của mình trong tương lai tại thị trường đông dân này. Đối với Nga, nguồn cung 2,85 triệu tấn/năm trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Gazprom và Chính phủ Ấn Độ sẽ chỉ bắt đầu từ năm 2022. Ngoài ra còn có biên bản ghi nhớ cung cấp năng lượng từ dự án Arctic LNG 2 giữa Novatek và công ty năng lượng H-Energy Global (Ấn Độ). Tuy nhiên, khối lượng và thời gian giao hàng vẫn chưa được các bên công bố.
Một trong những quốc gia tiêu thụ LNG nhiều nhất khu vực Đông Á là Hàn Quốc. Tính đến cuối năm 2020, sản lượng nhập khẩu LNG của nước này đã giảm 13,9% so với năm 2019, xuống còn 35,08 triệu tấn. Sự suy giảm như vậy xuất phát chủ yếu từ những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc và giới doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng cường tiêu thụ LNG, chủ yếu nhằm phục vụ chính sách chuyển đổi năng lượng. Tính đến hết năm 2020, Qatar vẫn là nhà cung cấp LNG lớn nhất cho Hàn Quốc với sản lượng 9,08 triệu tấn. Trong khi đó, Nga xuất khẩu 2 triệu tấn LNG cho thị trường này.
Có thể thấy rằng, các thị trường LNG chủ chốt của Nga tại khu vực châu Á sẽ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối thủ cạnh tranh chính là các nhà cung cấp từ Úc, Qatar và Mỹ. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), trong năm 2020, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 49 triệu tấn LNG cho thị trường châu Á. Vào năm 2021, EIA thông báo rằng, công suất xuất khẩu LNG trong thời gian cao điểm của nước này có thể đạt 10,8 tỷ m3/ngày. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa rõ xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tăng trưởng như thế nào trong vòng 5 năm tới vì có nhiều điểm không phù hợp với chính sách khử carbon, vốn đã được Tổng thống Mỹ Biden cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Úc ghi nhận sản lượng xuất khẩu LNG đạt 78 triệu tấn trong năm 2020 và được dự báo sẽ tăng lên 80 triệu tấn trong năm nay. Đồng thời, cả Chính phủ Úc và các công ty dầu khí tại Úc đều chưa có thông báo nào về gia tăng quy mô lớn nguồn cung cho các nước châu Á. Ngược lại, theo nguồn tin từ Reuters, đại diện ngành công nghiệp khí đốt của Úc cho biết, chính sách đầu tư mạnh vào tiềm năng xuất khẩu LNG của nước này trong thập kỷ vừa qua đã khiến phần lớn nguồn tài nguyên có lợi nhất phục vụ các thị trường bên ngoài, trong khi người tiêu dùng Úc lại thiếu khí đốt giá rẻ. Hầu hết nguồn cung khí đốt cho người tiêu dùng Úc đến từ các mỏ khí khó thu hồi với giá cả đắt hơn.
Tại Qatar, doanh số kinh doanh LNG của nước này liên tục tăng trong những năm gần đây. Trong năm 2020, Chính phủ Qatar thông báo bắt đầu chương trình gia tăng công suất hóa lỏng khí từ 77 triệu tấn/năm lên 110 triệu tấn/năm vào năm 2026 và tăng lên 126 triệu tấn vào năm 2027. Nếu cục diện tại các thị trường châu Á không có nhiều biến động, phần lớn sản lượng LNG của Qatar sẽ được giao đến các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Do đó, các nhà cung cấp LNG của Nga nên cảnh giác với sự cạnh tranh, chủ yếu đến từ Qatar, phần còn lại đến từ các nhà cung cấp của Mỹ và Úc.
Tổng cục Hải quan liên bang Nga cho biết, sản lượng LNG của Nga trong năm 2020 đạt 30,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 30,3 triệu tấn. Theo Phó Thủ tướng Alexander Novak, xuất khẩu LNG của Nga trong năm 2021 và 2022 sẽ ở mức 30,3 triệu tấn, sau đó sẽ tăng lên 37,8 triệu tấn vào năm 2023. Với việc chương trình dài hạn về phát triển sản xuất LNG được thông qua, sản lượng LNG hàng năm của Nga được dự báo sẽ đạt 140 triệu tấn vào năm 2035, chiếm 20% thị trường LNG toàn cầu.
Nhu cầu tiêu thụ LNG tại khu vực châu Á-TBD sẽ tăng trong ngắn hạn. Trong điều kiện đó, nguồn cung LNG của Nga có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần tại khu vực này hơn là thị trường châu u. Các nhà đầu tư đã công bố ít nhất 9 dự án sản xuất LNG mới tại Nga với tổng công suất 9,5 triệu tấn. Các công ty của Nga cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các dự án LNG. Việc triển khai hiệu quả các dự án LNG hứa hẹn sẽ hỗ trợ xuất khẩu năng lượng sang các nước châu Á-TBD đang có nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng. Cần lưu ý rằng, vào tháng 3/2021, Bộ trưởng Tài nguyên LB Nga Dmitry Kobylin đã đề xuất Chính phủ cấm bốc xếp hàng hóa (bao gồm các sản phẩm dầu mỏ) giữa hai tàu vận tải trong các vùng biển của Nga. Mục đích của sáng kiến này là đảm bảo giảm thiểu tai nạn trong quá trình bốc xếp hàng hóa từ tàu này sang tàu khác và bảo đảm an toàn môi trường trong quá trình vận tải. Dự thảo luật sẽ được trình lên Duma quốc gia xem xét trước ngày 24/06.
Tuy nhiên, có thể sẽ xuất hiện ngoại lệ đối với nhiên liệu LNG. Trong cuộc họp về gia tăng hoạt động đầu tư do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì, Chủ tịch tập đoàn Novatek Leonid Mikhelson đã đề xuất chế độ ngoại lệ đối với vận chuyển nhiên liệu LNG từ tàu vận tải này sang tàu vận tải khác. Đề xuất này được Tổng thống lưu ý và bảo lưu. Điều này có nghĩa, phía Nga sẽ có những cơ chế riêng để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường LNG tại Đông Á.
Viễn Đông
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc