“Khai tử” NXB kém chất lượng
>> “Alo” là có giấy phép...!
Trước những sai sót ngày càng nhiều và nghiêm trọng của sách liên kết giữa NXB và đơn vị liên kết xảy ra thời gian qua, vấn đề cấp bách đặt ra là những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. TS Quách Thu Nguyệt, người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực xuất bản chia sẻ với PetroTimes rằng, cần có một loạt các giải pháp mang tính tổng thể và đồng bộ.
TS Quách Thu Nguyệt
Theo TS, chuyện sách sai phạm không chỉ đơn thuần là lỗi của đơn vị liên kết, mà trước tiên chính là trách nhiệm của NXB; họ đã buông lỏng quản lý, không kiểm soát được cả đầu vào lẫn đầu ra mới để những ấn bản xấu “lọt lưới” và xuất hiện trên thị trường. TS cũng cho biết, một chủ thể khác cũng không thể “vô can”, đó là các cơ quan quản lý nhà nước, gồm: cơ quan chủ quản của nhà xuất bản, cơ quan quản lý ngành xuất bản và Cục xuất bản.
Về nguyên tắc trong hoạt động xuất bản thì kế hoạch đề tài, kế hoạch sản xuất hàng năm của từng NXB đều được các cơ quan kể trên góp ý, chấp nhận và phê duyệt. vì thế, “nếu như việc giám sát, điều chỉnh kế hoạch đề tài của năm, 6 tháng, quí được các cơ quan này quản lý chặt chẻ sẽ góp phần hạn chế những kẽ hở “chết người” gây hậu quả nghiêm trong như những gì đã diễn ra thời gian qua” – TS Quách Thu Nguyệt nói.
"Như vậy, rõ ràng là muốn lành mạnh thị trường xuất bản, khắc phục những “vấn nạn” của hoạt động liên kết xuất bản thì cần có những giải pháp kết hợp" - TS Thu Nguyệt chia sẻ.
Với NXB, cần chọn lựa đối tác liên kết để hợp tác, thận trọng trong khâu tiếp nhận bản thảo, sau khi thẩm định sơ bộ, phải biết dứt khoát “nói không” với các bản thảo kém chất lượng, xa chức năng. Đồng thời, thiết lập qui trình xuất bản và kiểm soát chặt chẻ từ khâu thẩm định, biên tập, đọc duyệt, kí bản in cuối cùng bao gồm ruột, bìa trước khi đối tác liên kết chuyển sang nhà in, đọc lưu chiểu trước khi cho phép phát hành.
Đặ biệt là việc tăng cường tay nghề, kỹ năng và bản lĩnh biên tập cho đội ngũ biên tập viên thông qua các khóa đào tạo chính qui, ngắn ngày, các sinh hoạt nghiệp vụ biên tập. Thực hiện các chính sách thưởng, phạt trong nhân viên khi các ấn phẩm đoạt giải thưởng hoặc có sai phạm…
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẻ khâu đăng kí kế hoạch đề tài, hậu kiểm sau lưu chiểu, kiểm tra việc vận dụng và thực thi các văn bản luật, dưới luật của các nhà xuất bản, cần tăng cường hỗ trợ giúp các nhà xuất bản vượt qua những khó khăn và thách thức phát triển của ngành để tự lực, tồn tại và phát triển bền vững.
TS Thu Nguyệt đã chỉ ra một thực tại rằng, nhiều NXB đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn vốn để đầu tư bản thảo; cơ sở vật chất, nhà xưởng xuống cấp, lạc hậu; đội ngũ biên tập và nguồn nhân lực mỏng…, NXB rất cần sự tiếp sức từ cơ quan chủ quản bằng việc bổ sung hoặc tái cấp vốn sản xuất; hỗ trợ một phần lương cho lãnh đạo, nhân viên; tài trợ các chương trình sách đặt hàng, trợ giá….
Ở vai trò của Cục Xuất bản thì cần sắp xếp, qui hoạch lại các NXB theo hướng “quí hồ tinh bất quí hồ đa”, sáp nhập hoặc khai tử NXB hoạt động không hiệu quả.
Mặt khác, cần có những chính sách ứng xử công bằng với các công ty sách tư nhân, thực hiện tổng điều tra thống kê số lượng các đơn vị liên kết xuất bản trong cả nước, lập kế hoạch quản lý và đưa các đơn vị này vào các sinh hoạt ngành như các Hội nghị sơ tổng kết 6 tháng, năm, các sinh hoạt chính trị, chuyên đề mang tính nghề nghiệp…
TS Thu Nguyệt giải thích: “Việc đưa các công ty sách tư nhân gắn với sinh hoạt chung của ngành giúp các đơn vị này tiếp cận với các chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật của ngành, từ đó hình thành và nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp. Đây chính là cách thức để quản lý hiệu quả sự phát triển ngành, ngăn chặn và tiết giảm những tiêu cực có thể phát sinh như đã xảy ra trong quá khứ và hiện nay”.
Cuối cùng là vai trò của Hội xuất bản Việt Nam. TS cho biết, hoạt động Hội xuất bản càng thực chất, thiết thực và hiệu quả sẽ giúp cho ngành xuất bản ngày càng phát triển lành mạnh, tích cực, đóng góp vào sự phát triển giáo dục và tri thức cho nước nhà.
Trúc Vân ghi