Kết hợp tuyên truyền và xử phạt
Cần xử phạt nghiêm
Ông Nguyễn Văn Huyên |
Câu chuyện thu phí sử dụng đường bộ điện tử không dừng tại các trạm BOT không phải là vấn đề mới. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ để thu phí tự động không dừng thì tại Việt Nam vẫn luôn xảy ra các vụ việc né trạm thu phí, dùng tiền lẻ trả phí gây ách tắc giao thông.
Mới đây, tại Phú Thọ, cánh tài xế đã chọn cách lưu thông trên tuyến đê Hữu Thao song song với Quốc lộ 32 để tránh trạm thu phí BOT Tam Nông (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ). Tình trạng mỗi ngày có hàng trăm lượt xe di chuyển trên tuyến đê Hữu Thao trong một thời gian dài khiến tuyến đê xung yếu này sụt lún, hư hỏng nặng.
Nhằm giải quyết tình trạng này, nhiều biện pháp đã được đưa ra, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cuối tháng 2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 06/CT-TTg yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng, chỉ rõ việc triển khai hệ thống thu phí vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về quản lý, vận hành hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng; chưa xây dựng lộ trình cụ thể để chuyển sang thu phí tự động đối với từng trạm; việc triển khai đầu tư các trạm thu phí còn thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông…
Ngay sau khi có Chỉ thị 06, Bộ GTVT đã phát đi thông điệp quyết tâm dán tem thu phí tự động (thẻ E-Tag) trên 100% phương tiện xe cơ giới và năm 2019 sẽ thực hiện việc thu phí không dừng tại tất cả trạm thu phí đường bộ.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Tổng giám đốc Công ty TNHH VETC (đơn vị cung cấp giải pháp thu phí tự động không dừng) - cho biết, mục tiêu của Bộ GTVT là vậy, song dù đã vận hành thương mại 17 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, nhưng đến nay VETC mới dán thẻ E-Tag được khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ôtô trong cả nước.
Còn hơn 2 triệu ôtô chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng |
Ông Hà nhận định, dù việc dán thẻ E-Tag đã được triển khai tại các trạm đăng kiểm, trạm thu giá cũng như lưu động, đến tận cơ quan, đơn vị dán miễn phí nhưng số xe dán thẻ không tăng nhiều. Doanh thu từ các làn thu phí tự động chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu. Do đó, ông Hà đề xuất cần có chế tài xử lý với các chủ xe không dán thẻ E-Tag. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp cưỡng chế dán thẻ E-Tag giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Chỉ khi kết hợp giải pháp tuyên truyền với chế tài xử phạt thì mới đạt được mục tiêu.
Lộ trình cưỡng chế, xử phạt
Theo lộ trình của Bộ GTVT, đến cuối năm 2018, toàn bộ trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1 phải thu tự động, mục tiêu đến năm 2019 sẽ triển khai trên toàn quốc. Bên cạnh việc thúc đẩy chủ đầu tư các dự án BOT nhanh chóng triển khai thu phí tự động, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các garage ôtô, nhà sản xuất xe để mỗi xe vừa mới sản xuất, bán ra là đã có dán thẻ E-Tag, người sử dụng nạp tiền là có thể đi qua trạm.
Dù đã vận hành thương mại 17 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, nhưng đến nay, VETC mới dán thẻ E-Tag được khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ôtô trong cả nước. |
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam lo ngại, khi tăng số làn xe thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT mà chưa cưỡng chế chủ xe dán thẻ sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện chỉ đi vào làn một dừng, gây ùn tắc.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xây dựng lộ trình để cưỡng chế việc dán thẻ đối với chủ phương tiện. Dự kiến đến hết tháng 12-2018, toàn bộ xe ôtô phải dán thẻ. Việc này phải bổ sung vào Thông tư 49/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Cùng với giải pháp cưỡng chế, Tổng cục sẽ phối hợp với Sở GTVT các địa phương, các hiệp hội vận tải tổ chức dán thẻ đến từng phương tiện.
Thu phí tự động không dừng đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới |
Trước đó, tại các cuộc họp về việc thu phí tự động qua trạm thu phí, người đứng đầu Bộ GTVT đã nhiều lần khẳng định: “Người dân đang rất trông chờ thu phí tự động để bảo đảm công bằng khi có thiết bị giám sát và người dân được giám sát. Bà con nhìn thấy tận mắt một xe đi qua thu được bao nhiêu, một ngày thu được bao tiền”.
Thu phí không dừng tại các trạm BOT là chủ trương đúng đắn nhằm giảm ùn tắc, tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chí phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì mặt đường khu vực trạm thu phí, đồng thời tránh được thất thoát. Ngày 14-12-2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí không dừng áp dụng cho 28 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14. Hình thức này đã chính thức được đưa vào triển khai từ tháng 6-2017. Bộ GTVT chỉ định liên danh Công ty CP Tasco - Công ty TNHH thu phí tự động VETC là chủ đầu tư của dự án theo hình thức BOO. |
Song Nguyễn
-
Chính thức đề xuất chỉ thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
-
Thay đổi nhiều quy định trong thực hiện thu phí tự động không dừng
-
Bộ GTVT nói về việc Tập đoàn Đèo Cả làm thu phí không dừng
-
Bộ GTVT đang "châm chước" cho những trạm BOT chậm thu phí không dừng
-
Bộ trưởng GTVT “chốt” hạn cuối thu phí tự động
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường