Israel ban bố tình trạng chiến tranh
Ô tô bốc cháy tại Ashkelon, Israel sau đòn tập kích rocket của Hamas (Ảnh: Reuters). |
"Hamas đã phạm sai lầm nghiêm trọng vào sáng nay và bắt đầu cuộc chiến chống lại Nhà nước Israel. Các binh sĩ IDF (Lực lượng phòng vệ Israel) đang chiến đấu với kẻ thù tại tất cả các địa điểm xâm nhập", ông Gallant nói ngày 7/10 trong tuyên bố do văn phòng của ông cung cấp.
Sau 3,5 giờ kể từ khi vụ tấn công bắt đầu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lần đầu lên tiếng: "Chúng ta đã bước vào chiến tranh và chúng ta sẽ thắng".
Quân đội Israel trước đó cũng đã ban bố tình trạng "sẵn sàng cho chiến tranh" sau khi Hamas phóng loạt tên lửa từ Dải Gaza và điều chiến binh xâm nhập Israel từ đường biển, đường bộ và đường không (nhiều khả năng là bằng dù lượn). Đáp trả, IDF đã phát động chiến dịch "Kiếm Sắt".
Binh sĩ Israel trên đường về phía nam đất nước (Ảnh: AP). |
Hàng chục máy bay chiến đấu Israel đã không kích vào các địa điểm của Hamas - tổ chức bị Israel coi là khủng bố - tại Dải Gaza. Israel dự kiến gọi nhập ngũ hàng chục nghìn quân nhân dự bị.
Người phát ngôn của IDF, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, cho biết hơn 2.200 quả rocket đã bắn vào Israel kể từ 6h30 ngày 7/10, ít hơn so với con số 5.000 quả rocket mà phía Hamas tuyên bố.
Vụ tấn công bất ngờ hôm 7/10 là đợt bùng phát bạo lực nghiêm trọng nhất ở khu vực đầy biến động này kể từ sau lần Israel và Hamas đụng độ đẫm máu kéo dài 10 ngày vào năm 2021.
"Chúng tôi bị nhốt trong phòng an toàn và không biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng nổ… Rõ ràng là điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến ở Gaza", Shaike Shaked, một công dân Israel 70 tuổi, cho biết.
Hamas tuyên bố bắn 5.000 quả rocket mở màn chiến dịch về Israel, trong khi phía Israel ước tính chỉ có 2.200 quả (Ảnh: AP). |
Times of Israel dẫn thông tin từ các bệnh viện cho biết gần 200 người đã bị thương trong cuộc tấn công. Ít nhất 6 người được xác nhận đã chết và ít nhất 20 người đang nguy kịch. Một số bệnh viện kêu gọi người dân đi hiến máu.
Yakov Shabtai, Cảnh sát trưởng Israel, cho biết trong một video rằng các cảnh sát nước này đang ở "chế độ chiến tranh" và rằng khắp miền nam đất nước này đang có "21 điểm nóng".
Kể từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza - dải đất rộng 42km2 - vào năm 2007, nơi này đã xảy ra 4 cuộc chiến và một số xung đột nhỏ hơn, gây thiệt hại nặng nề cho 2,3 triệu người dân Gaza.
Một chiếc máy ủi phá hàng rào ngăn cách giữa Dải Gaza và Israel hôm 7/10 (Ảnh: Reuters). |
Phía Hamas luôn cảnh báo sẽ đáp trả Israel vào thời gian và địa điểm do họ quyết định. Nhưng thời điểm cuộc tấn công mới nhất đã khiến cả người Israel và Palestine hoàn toàn bất ngờ.
Hamas và Israel vừa đàm phán thỏa thuận ngừng bắn do Qatar, Ai Cập và Liên Hợp Quốc làm trung gian sau 3 tuần bạo lực và bất ổn tại hàng rào ngăn cách hai bên.
Lực lượng an ninh Israel thường có thể phát hiện trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Hamas. Việc Hamas có thể tấn công quy mô lớn từ nhiều hướng khác nhau mà dường như tình báo Israel không biết, chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Người Palestine hiện nay chủ yếu sống tại Dải Gaza và Bờ Tây (Đồ họa: BBC). |
Mở màn cho chiến dịch tấn công vào sáng nay, Mohammad Deif, một chỉ huy quân sự cấp cao của Hamas, gửi đi thông điệp kêu gọi người dân Palestine ở mọi nơi đứng lên chiến đấu trong "chiến dịch Bão Al-Aqsa".
"Đây là ngày bắt đầu trận đánh vĩ đại để chấm dứt sự chiếm đóng cuối cùng trên Trái Đất", Deif nói.
Cho tới nay, một số nước và tổ chức phương Tây đã lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Josep Borrell, Cao ủy EU về chính sách ngoại giao và an ninh, kêu gọi "cảnh bạo lực tồi tệ phải chấm dứt ngay lập tức" vì "chủ nghĩa khủng bố và bạo lực không giải quyết được gì cả".
Anh, Đức và Italy... cũng có tuyên bố lên án vụ tấn công và khẳng định Israel có quyền tự vệ.
Theo Dân trí
Israel muốn biến khí đốt tự nhiên thành vũ khí ngoại giao Vào hôm 4/8, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Israel đề xuất phân bổ thêm trữ lượng khí đốt tự nhiên trong nước vào việc xuất khẩu, trong bối cảnh mối quan tâm đến hoạt động thăm dò ngoài khơi trỗi dậy trở lại. Bên cạnh đó, Israel cũng tranh luận về việc tiếp tục sử dụng khí đốt cho mục đích tiêu thụ nội địa. |
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga