Hy vọng sống cho bệnh nhân ung thư
PV: Thưa ông, thật vui mừng khi công trình của nhà nghiên cứu Tasuku Honjo được giải Nobel y học năm 2018.
GS.TS Tạ Thành Văn |
GS.TS Tạ Thành Văn: Thực ra đối với những học trò chúng tôi hay cộng đồng khoa học Nhật Bản, việc thầy Tasuku Honjo được giải thưởng Nobel không có gì bất ngờ. Bởi với cách làm việc khoa học, trí tuệ và đặc biệt thầy có trí nhớ siêu phàm mà chúng tôi vẫn nói vui “thầy là siêu nhân”, giới khoa học đã nhận định chắc chắn thầy sẽ được giải Nobel.
Tôi kể một chuyện để cho mọi người hình dung được trí tuệ của thầy như thế nào. Thầy vừa làm nghiên cứu vừa là Trưởng khoa Y của Đại học Kyoto. Tuy bận bịu với công việc nhưng thầy nhớ chính xác công việc từng con người và tiến độ đến đâu. Nhiều khi tôi đang làm việc trên máy tính, thầy bước vào rất nhẹ nhàng vỗ vai hỏi kết quả. Thầy nắm rất rõ những gì các học trò của mình đang làm… Đối với nghiên cứu sinh chúng tôi, thầy thực sự là người có trí tuệ siêu phàm nhưng gần gũi và nhẹ nhàng. Giải Nobel của thầy Honjo là giải Nobel thứ 27 mà đất nước “mặt trời mọc” nhận được.
PV: Cơ duyên nào đã giúp ông trở thành học trò của nhà nghiên cứu Tasuku Honjo?
GS.TS Tạ Thành Văn: Trước năm 2000, từ khi là thực tập sinh sau tiến sĩ ở Mỹ, tôi đã biết tới thầy Honjo. Thời điểm đó, tôi thường xuyên cập nhật và đọc các công trình nghiên cứu trên các tạp chí y học thế giới, nên được biết về những phát minh đặc biệt quan trọng của thầy trong ngành miễn dịch học phân tử. Sau đó, tôi đã viết thư bày tỏ mong muốn được làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của thầy và rất may thầy đã đồng ý nhận tôi sau những lần trao đổi cụ thể. Kết thúc khóa thực tập sau tiến sĩ ở Mỹ, tôi đã đến Nhật Bản ngay để làm việc trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Honjo từ tháng 4/2001 đến tháng 10/2003. Khoảng thời gian gần 3 năm này vô cùng vất vả, áp lực lớn, nhưng đổi lại vô cùng ý nghĩa vì tôi đã có những đóng góp vào công trình khoa học lớn.
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 164.000 trường hợp mới mắc bệnh ung thư, tỷ lệ mới mắc là 151,4 người/100.000 dân; hơn 114.000 ca tử vong do ung thư, tỷ lệ tử vong là 104,4 người/100.000 dân. Có tới 60% người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị khó khăn và tốn kém. |
Thời điểm đó, phòng thí nghiệm của thầy Honjo có tới hơn 30 nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ. Tất cả chúng tôi có chung một áp lực lớn, làm việc bất kể ngày đêm. Phòng thí nghiệm chưa bao giờ tắt đèn bởi lúc nào cũng có người làm việc. Thế nhưng, làm khoa học thì trên 90% là thất bại, kể cả khi có tư duy và logic đúng đắn. Thành công đôi khi đến thật bất ngờ. Có những thời điểm kết quả không như mong đợi, tôi cảm thấy thất vọng, buồn bã khủng khiếp, áp lực đè nặng vì danh dự cá nhân.
PV: Thưa ông, áp lực lớn nhất thường ở hoàn cảnh nào?
GS.TS Tạ Thành Văn: Những vấn đề khoa học nóng, có tính chất đột phá thì không phải nhóm nghiên cứu nào, nhà khoa học nào cũng có thể tìm ra mặc dù đầu tư rất nhiều trí tuệ và tài chính. Khi làm việc tại những phòng thí nghiệm danh tiếng, chúng tôi phải chạy đua với các nhóm khác nhau trên thế giới một cách gay gắt về mọi mặt. Có khi chỉ chậm một chút thôi là mất đi một khoản tiền khổng lồ kèm theo công sức và thời gian mà không thu được gì ngoài “kinh nghiệm”, nhất là khi nhóm khác công bố kết quả trước. Tương tự, các hãng chạy đua với nhau để đưa ra thị trường sản phẩm mới nhưng không phải hãng nào cũng thành công và không phải sản phẩm nào cũng được thị trường chấp nhận.
GS.TS Tạ Thành Văn và thầy Tasuku |
PV: Ông có thể giới thiệu ngắn gọn về công trình nghiên cứu được giải Nobel của thầy Tasuku Honjo?
GS.TS Tạ Thành Văn: Đây là liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư. Liệu pháp này chia thành 2 hướng: Một là kích hoạt các hệ thống tế bào có thẩm quyền miễn dịch hoạt động mạnh hơn ngay tại khối u để các tế bào có khả năng nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư. Hai là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ung thư ra ngoài cơ thể, sau đó nhân lên, biệt hóa trong những điều kiện đặc biệt trước khi truyền lại vào cơ thể bệnh nhân để tiêu diệt tế bào ung thư. Hai hướng này có chung cơ sở khoa học là tăng cường chức năng của các tế bào có thẩm quyền miễn dịch nhưng cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, giải thưởng của thầy Honjo theo hướng thứ nhất.
PV: Được biết, theo hướng thứ hai, ông và nhóm cộng sự Trường Đại học Y đã thử nghiệm lâm sàng trên người từ cuối năm ngoái?
GS.TS Tạ Thành Văn: Vâng, từ năm 2013, chúng tôi đã có ý tưởng thực hiện. Sau đó, qua một thời gian khá dài hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, đến cuối năm 2017, Bộ Y tế mới chính thức đồng ý cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người Việt Nam tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K. Tới nay, chúng tôi đã điều trị được gần 20 bệnh nhân.
PV: Tại sao ông lại chọn hướng điều trị thứ hai mà không phải hướng thứ nhất mà người thầy đáng kính Tasuku Honjo đã nghiên cứu?
GS.TS Tạ Thành Văn: Hướng của Giáo sư Honjo là tạo ra thuốc kháng thể kháng PD1 điều trị cho nhóm bệnh nhân ung thư khối đặc có bộc lộ kháng nguyên PD-L1. Thuốc này hiện đã được sử dụng tại Việt Nam. Còn hướng của chúng tôi là điều trị cho từng cá thể bệnh nhân, tế bào miễn dịch của bệnh nhân nào sẽ được phân lập, nhân lên và biệt hóa với số lượng lớn rồi truyền lại cho chính bệnh nhân đó. Tôi nghĩ hướng thứ hai phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Bệnh nhân điều trị ung thư tại Bệnh viện K |
PV: Liệu pháp miễn dịch trị liệu ung thư theo hướng thứ hai được thực hiện theo quy trình như thế nào, thưa ông?
GS.TS Tạ Thành Văn: Với liệu pháp này, chúng tôi lấy khoảng 10 - 30 ml máu ngoại vi của bệnh nhân ung thư để phân lập các tế bào miễn dịch, nuôi cấy và hoạt hóa các chức năng chuyên biệt của các tế bào này trong môi trường đặc biệt. Từ 10 - 30 ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên, biệt hóa được vài tỉ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh, đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư. Một liệu trình điều trị như vậy thực hiện trong 3 tháng, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Các tế bào miễn dịch chuyên biệt này sẽ giúp cơ thể người bệnh tăng cường sức đề kháng, tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể mình. Nói nôm na là tế bào miễn dịch trong cơ thể chưa biệt hóa như một “tân binh”. Chúng tôi sẽ mang những “tân binh” đó ra ngoài huấn luyện, đào tạo thành “chiến sĩ đặc nhiệm” rồi đưa vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.
Qua một thời gian khá dài hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, đến cuối năm 2017, Bộ Y tế mới chính thức đồng ý cho phép thử nghiệm lâm sàng trên người Việt Nam tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K. Tới nay, đã có 20 bệnh nhân được điều trị theo liệu pháp miễn dịch. |
PV: Với 20 bệnh nhân ung thư thử nghiệm lâm sàng, ông đánh giá hiệu quả như thế nào và có thể đưa hướng điều trị này vào điều trị chính thức ở Việt Nam được không?
GS.TS Tạ Thành Văn: Dự kiến nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng sẽ được tiến hành trong 3 năm. Sau đó, chúng tôi sẽ tổng kết, thông qua hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá để kết luận xem liệu pháp này có được áp dụng rộng rãi hay không. Đây là một liệu pháp hỗ trợ điều trị ung thư áp dụng cho bệnh nhân từ giai đoạn 3 trở đi. Liệu pháp này có thể được tiến hành kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích để tăng cường hơn nữa hiệu quả diệt tế bào ung thư. Kết quả ban đầu cho thấy, triệu chứng lâm sàng bệnh nhân được cải thiện khá tốt. Vì liệu pháp điều trị theo y học cá thể nên có những bệnh nhân đáp ứng rất tốt, song có những bệnh nhân đáp ứng kém hơn.
Còn tại cơ sở chuyển giao công nghệ cho chúng tôi ở Nhật Bản, với hơn 10.000 lượt điều trị bằng phương pháp này cho thấy, tỷ lệ đáp ứng và cải thiện là 55 - 60%, tức là bệnh nhân ăn được, ngủ được, đi lại được và không đau. Tỷ lệ khối u nhỏ đi hoặc biến mất là 3%. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhắm đến mục tiêu là cải thiện triệu chứng lâm sàng, tăng chất lượng cuộc sống đối với những bệnh nhân ung thư nặng, giai đoạn cuối. Hiện vẫn còn khoảng 40% đáp ứng chưa như mong muốn, bởi tùy thuộc vào đặc tính của từng cá thể riêng lẻ.
PV: Theo ông, so với các phương pháp điều trị ung thư khác, thế mạnh thực sự của liệu pháp này là gì?
GS.TS Tạ Thành Văn: Đây là một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư khá hiệu quả nhằm tăng cường khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch của bệnh nhân. Điều đặc biệt là cho đến nay, liệu pháp này chưa phát hiện ra tác dụng phụ nào đáng kể vì điều trị tự thân. Cũng chính vì các ưu điểm như vậy, theo đánh giá của giới khoa học, miễn dịch trị liệu mang tính chất đột phá của ngành ung thư, miễn dịch. Nếu bệnh nhân ở những giai đoạn sớm, chúng tôi vẫn khuyến cáo theo các phương pháp truyền thống, sau đó kết hợp với liệu pháp miễn dịch, kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều.
PV: Thưa ông, những bệnh ung thư nào có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch?
GS.TS Tạ Thành Văn: Chỉ trừ ung thư máu, liệu pháp này có thể được dùng điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư mô đặc, gồm: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng...
PV: Chi phí điều trị theo liệu pháp miễn dịch có cao không, thưa ông?
GS.TS Tạ Thành Văn: Hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng nên chúng tôi chưa tính được đầy đủ các khoản chi phí mà bệnh nhân cần phải chi trả nếu được đưa ra điều trị rộng rãi. Tuy nhiên, tổng chi phí chắc chắn sẽ rẻ hơn nhiều so với ở Nhật Bản và các nước khác.
PV: Cảm ơn giáo sư vì cuộc trò chuyện này!
PGS.TS Lê Văn Quảng - Phó giám đốc Bệnh viện K: Liệu pháp miễn dịch trị liệu có triển vọng lớn Sau khi giải Nobel y học về liệu pháp miễn dịch trị liệu được công bố, Bệnh viện K đã tổ chức họp báo, thông tin thêm về phương pháp này, đặc biệt nhấn mạnh đến kết quả điều trị đối với các bệnh nhân thử nghiệm lâm sàng. Phương thức điều trị miễn dịch này đã được áp dụng tại Bệnh viện K và một số cơ sở chuyên khoa ung thư trên cả nước trong những năm gần đây. Tại Bệnh viện K đã có hàng chục bệnh nhân được áp dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư. Điều đặc biệt là hầu hết các bệnh nhân điều trị theo liệu pháp miễn dịch tại Bệnh viện K sau quá trình điều trị cho kết quả bước đầu khả quan. Cách đây 4 năm, Bệnh viện K đã tham gia thử nghiệm đa lâm sàng quốc tế với 4 loại thuốc điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch. Từ cuối năm 2017, được sự cho phép của Bộ Y tế, Bệnh viện K chính thức áp dụng phương pháp điều trị ung thư này điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có chỉ định điều trị theo phương thức này mà tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn ung thư và đặc điểm khối u. Thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch điều trị ung thư được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (di căn), với các loại ung thư: hắc tố, ung thư phổi, đường tiết niệu, thận, bàng quang, đầu cổ, gan, phụ khoa… Ví dụ điển hình: Một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối điều trị liệu pháp miễn dịch có kết quả khá tốt. Trước kia, bệnh nhân tiên lượng sống chỉ 4 - 5 tháng, tuy nhiên sau 3 đợt điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, bệnh nhân đã duy trì cuộc sống đến thời điểm này hơn 1 năm và vẫn đang được tiếp tục điều trị. Một bệnh nhân bị ung thư vòm họng cũng đã điều trị thuốc trúng đích nhưng không hiệu quả đã được dùng liệu pháp miễn dịch. Sau 2 chu kỳ dùng thuốc miễn dịch, bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt, khối u vùng cổ đang giảm. Ở Việt Nam, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017 và đang được sử dụng ở một số bệnh viện. Tuy nhiên, chi phí cho một chu kỳ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch khá lớn, khoảng 60 - 120 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Một chu kỳ điều trị của bệnh nhân kéo dài khoảng 21 ngày. Các thuốc ức chế chốt kiểm miễn dịch đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới, cố gắng mở rộng chỉ định điều trị đối với nhiều loại ung thư khác nhau, nhiều giai đoạn bệnh khác nhau, từ giai đoạn khu trú tại chỗ đến giai đoạn di căn, từ sử dụng đơn độc đến kết hợp nhiều thuốc miễn dịch với nhau, hoặc kết hợp giữa điều trị miễn dịch với các phương pháp truyền thống như hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên cần thêm thời gian để các nghiên cứu lâm sàng kết thúc và kết quả của các nghiên cứu được công bố. |
Tú Anh
2.400 phụ nữ Việt chết vì ung thư cổ tử cung mỗi năm |
Bệnh viện K thay huyết tương cứu bệnh nhân ung thư |
Kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể để tấn công ung thư |
-
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư đang điều trị
-
4 lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
-
Vắc-xin COVID-19 và bệnh nhân ung thư
-
Bệnh nhân ung thư nên tái khám như thế nào trong tình hình dịch Covid-19?
-
Tác động của dịch Covid-19 đối với bệnh nhân mắc ung thư và các bệnh lý truyền nhiễm khác
-
Máy lọc nước nóng lạnh Karofi: Nâng tầm tiện nghi cho gia đình Việt
-
Người trẻ đua nhau làm việc tự do vào ban đêm: Năng động hay hại sức khỏe?
-
Khám bệnh và tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Bình
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu
-
Long Châu nỗ lực từng ngày để hoàn thiện, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh
- Tử vi ngày 21/10/2024: Tuổi Sửu trải nghiệm mới mẻ, tuổi Hợi tinh thần lạc quan