Hơn 3.000 tỷ đồng/1 km metro gây “choáng” và sự “vô can” của người thẩm định dự án BOT(!?)
Đầu tư đường sắt "khủng" cho Trung Quốc hưởng lợi?
Bộ GTVT muốn làm đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng Ảnh: Cafeland |
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha, vốn đầu tư là 100.000 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan không tán thành kế hoạch xây dựng dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 100.000 tỷ đồng. Lý giải cho quan điểm của mình, bà Phạm Chi Lan đưa ra ba lý do.
Thứ nhất, dự án này tốn quá nhiều tiền của bởi 100.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư này dù có huy động ở đâu thì rốt cục dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả.
Thứ hai là việc tốn kém chi phí của người dân như thế nhưng hưởng lợi sẽ là ai?, bà Lan đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ nghi ngờ rằng kết nối tuyến đường sắt này có vẻ đang theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam, Trung Quốc sang cảng Hải Phòng.
Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
"Vậy, Việt Nam có cần bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?", bà Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.
Điều thứ ba, theo bà Lan, nếu tính về góc độ kinh tế, sử dụng 100.000 tỷ đồng này đầu tư vào việc gì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam? Nếu về giao thông, tại sao không đầu tư về giao thông cho miền Nam, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TP.HCM với Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng về dự án nói trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng: Trong việc phát triển chiến lược “Vành đai - con đường” của Trung Quốc, họ đã đề cập đến vấn đề này. Họ muốn có 2 con đường, thứ nhất là Lào Cai - Hải Phòng để kết nối với Quảng Tây, Vân Nam của họ; thứ 2 là con đường từ Quảng Ninh đi xuống phía nam.
Hà Nội: “Choáng váng” vì hơn 3.000 tỷ đồng làm 1km đường sắt đô thị
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, giai đoạn 1 |
Tiếp tục là một dự án giao thông gây chú ý, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Quốc hội mới đây có nội dung: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt vào tháng 11/2008. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao, khổ đường sắt đôi 1.435 mm.
Dự án có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, sử dụng là ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 - 2015 và đưa vào khai thác năm 2017, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thể khởi động.
Báo cáo nhấn mạnh việc Hà Nội báo cáo Thủ tướng tổng mức đầu tư xin phê duyệt điều chỉnh tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng, tăng 16.123 tỷ đồng (tăng 82%) so với ban đầu, tổng chi phí đầu tư của dự án điều chỉnh là 143 triệu USD/km.
Nguyên nhân là thay đổi quy mô đầu tư (tăng 1.801 tỷ đồng), tỷ giá tăng quy đổi (2.235 tỷ đồng), giá nguyên liệu - vật tư - nhân công - thiết bị - trượt giá (tăng 6.762 tỷ đồng), những thay đổi chế độ chính sách - chi phí quản lý (tăng 5.323 tỷ đồng).
Lào Cai sắp xây dựng sân bay mới gần 6.000 tỷ đồng
hối cảnh CHK Sa Pa - Lào Cai vừa được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch xây dựng |
Một thông tin cũng nhận được đông đảo sự quan tâm của người dân cả nước là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Sa Pa - Lào Cai , với công suất 3 triệu khách/năm. Với tổng mức đầu tư 5.900 tỷ đồng, sân bay này được xây dựng ngay tại cửa ngõ hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết đến năm 2030, Cảng hàng không Sa Pa (CHK) được quy hoạch là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự, xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất xây dựng CHK Sa Pa với công suất 2,5 - 3 triệu khách/năm, tổng mức đầu tư dự án dự kiến lên tới 5.900 tỷ đồng.
Hình thức đầu tư CHK Sa Pa được UBND tỉnh Lào Cai đề xuất là kết hợp giữa ngân sách nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công và hình thức đối tác công-tư (PPP). Lào Cai đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng khu bay và đường trục vào CHK.
Trong đề xuất này, Lào Cai cho biết sẽ chi hơn 910 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam sẽ chi gần 132 tỷ đồng để đầu tư các công trình quản lý bay và hơn 1.770 tỷ đồng sẽ đầu tư theo hình thức BOT.
Năm nhà đầu tư Thái vừa “thâu tóm” toàn diện nước sạch Sông Đuống?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) |
Tại Hà Nội, một dự án đang là tâm điểm chú ý của người dân là Nhà máy nước mặt Sông Đuống . Phiên thảo luận tại hội trường về Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm tới các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc đang bị “thả nổi”, trong đó nước sạch Sông Đuống là vấn đề trọng tâm.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho hay: “Liên quan đến vấn đề nước sạch, sáng nay tôi nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống.”.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh để phục vụ nhân dân hay họ chỉ thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt là rủi ro cho nhân dân.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) thì nêu quan điểm: “Kinh doanh nước sạch không thấy trong danh mục kinh doanh có điều kiện. Đề nghị xem có nằm trong danh mục kinh doanh thực phẩm hay không, nếu không thì đề nghị đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.”.
Bất cập: BOT “vỡ trận”, người thẩm định dự án vẫn… “vô can” (!?)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Nói về trách nhiệm tại các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 19/11 đã có phát biểu đáng chú ý.
Đại biểu này quan tâm tới việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án và cho rằng là rất cần thiết, tuy nhiên phải tính tới các thành viên của Hội đồng, ngoài quyền lợi phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên.
“Khi các dự án được thẩm duyệt kém hiệu quả do yếu tố chủ quan, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước và nhân dân thì người thẩm định lại “bình an vô sự”. Quyền lợi thì được hưởng, khi có sự cố thì không có trách nhiệm , nhất là trách nhiệm của người đứng đầu hội đồng. Thực tế đã không ít những dự án đã gây thiệt hại cho nhà nước mà người thẩm định lại vô can.” - ông Hòa nêu quan điểm.
Vị đại biểu đề nghị làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án trong đó cân nhắc trường hợp Hội đồng thẩm định thuê hay để cho cơ quan quản lý Nhà nước thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của Hội đồng. Các dự án không nhất thiết phải thuê tư vấn để hỗ trợ để làm tăng chi phí thẩm định vì đã có Hội đồng thẩm định.
Câu chuyện bất ngờ giữa TS Nguyễn Đình Cung và nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với chuyên gia về lo lắng chuyện doanh nhân tìm thẻ xanh ở nước ngoài |
Tại Hội nghị đánh giá lại 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp (1999) do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 18/11, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM chia sẻ sự lo lắng của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp gỡ mới đây về việc doanh nhân Việt tìm thẻ xanh ở nước ngoài.
Theo ông Cung kể lại: “Hôm thứ Bảy vừa rồi (ngày 16/11), tôi có làm việc với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
“Bác (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng-PV) rất trăn trở về chuyện tần suất thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Bác về đời thường rồi nhưng nghe rất nhiều chuyện, có kể lại và mong muốn trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt trong chiến lược sắp tới, phải nêu bật được vai trò của kinh tế tư nhân, phải có thiết chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh”, nguyên Viện trưởng, Viện CIEM Nguyễn Đình Cung nói.
Ông Cung nói về những trăn trở của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp: “Khu vực kinh tế tư nhân của ta, sau 20 năm (1999 đến nay - PV) có nhiều thành tựu nhưng có 2 điểm mới: một là có những tập đoàn tư nhân xuất hiện và hai là nhiều doanh nhân tìm thẻ xanh ở nước ngoài”.
“Đó là nguồn lực của ta, trí tuệ của ta, ta phải giữ lại, khuyến khích họ và làm họ lớn lên. Đây không phải tôi nói mà bác Dũng nói với tôi”, ông Cung thuật lại.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 24/11: Việt Nam tăng nhập khẩu hàng điện tử Trung Quốc
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11