Hơn 200 doanh nghiệp chung tay hành động chống rác thải nhựa
Toàn cảnh hội nghị |
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây... Trong đó, nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1000 cơ sở sản xuất các mặt hàng tiêu dùng.
Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng đều sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy để phục vụ nhu cầu khách hàng; tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân hủy được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ rất phổ biến.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Qua nắm bắt tại một số chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố, khối lượng rác thải từ ni lông và rác thải có nguồn gốc từ nhựa là rất lớn. Đặc biệt là tại các chợ dân sinh tình hình sử dụng túi ni lông vô cùng phổ biến, còn ở các các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại rác thải có nguồn gốc từ nhựa thường là sản phẩm đã được bao gói, đóng gói sẵn từ khâu sản xuất, phân phối bán buôn ra thị trường”.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan: “Nhận thức được tầm quan trọng của rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, hiện một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên địa bàn thành phố đã thực hiện sản xuất, sử dụng túi tự hủy sinh học, các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh thay thế cho việc sử dụng túi ni lông và các vật dụng từ nhựa khó phân hủy”.
Tuy nhiên, các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa có giá thành rẻ, tiện lợi và nhiều ưu điểm khác nên được sản xuất khối lượng rất lớn, phân phối rộng khắp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó gây phát thải túi ni lông và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa ra môi trường ngày càng tăng.
Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đầu tư công nghệ để chuyển đổi các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường, chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tiêu dùng chuyển đổi từ túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần sang túi ni lông dễ phân hủy.
Bà Trần Thị Phương Lan chỉ rõ: “Việc chuyển đổi từ sử dụng các sản phẩm túi ni lông khó phân hủy sang túi ni lông thân thiện môi trường của các doanh nghiệp phân phối tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn do giá thành của túi ni lông thân thiện với môi trường đắt gấp nhiều lần so với túi ni lông khó phân hủy. Mặt khác, doanh nghiệp sản xuất cũng có tâm lý e ngại khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vào thời gian đầu khi mà việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc”.
Trước mắt, đã có hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng. Cùng với đó các đơn vị phân phối tiêu dùng phải có giải pháp tiến tới thay thế 100% các sản phẩm thân thiện môi trường phục vụ nhu cầu người dân, đồng thời kết hợp với các nhà cung cấp dần thay thế các sản phẩm bao gói, màng bọc thân thiện với môi trường khi cung cấp vào siêu thị, cửa hàng, tiến tới sau năm 2020 chỉ nhập vào bán các sản phẩm có bao gói thân thiện môi trường.
Phát động “Phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa” |
“Hãy cứu biển” - Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi |
Chung tay chống rác thải nhựa góp phần làm cho thế giới sạch hơn |
Quang Hưng
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại