Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hồi giáo - bài toán khó của Châu Âu

17:00 | 17/02/2015

6,943 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với vụ khủng bố Paris, tính chất vấn đề còn cho thấy sự việc mỗi lúc càng thêm phức tạp, bởi thực tế rằng thành phần khủng bố đang trà trộn trong cộng đồng Hồi giáo châu Âu. Thật nan giải trong việc kiểm soát các đối tượng này. Sự kiện thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo tại Paris đã dẫn đến nhiều câu hỏi cần được giải thích, trong đó có vấn đề Hồi giáo tại Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Năng lượng Mới số 391

Bức tranh phức tạp

Với vụ khủng bố Paris, tính chất vấn đề còn cho thấy sự việc mỗi lúc càng thêm phức tạp, bởi thực tế rằng thành phần khủng bố đang trà trộn trong cộng đồng Hồi giáo châu Âu. Thật nan giải trong việc kiểm soát các đối tượng này. Đây là một di sản lịch sử. Việc người Hồi giáo đến châu Âu là hệ quả của chương trình tuyển dụng công nhân sau Thế chiến thứ hai. Sau nhiều năm, họ bắt đầu định cư ở quê hương mới. Hiện tại, người Hồi giáo là thành phần di dân đông nhất Tây Âu, trong đó có Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Anh…

Theo bài viết trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs của Robert S. Leiken - Giám đốc Chương trình an ninh quốc gia và di trú thuộc Trung tâm Nixon, hiện có khoảng 15-20 triệu người Hồi giáo đang sống tại châu Âu, chiếm 4-5% dân số (người Hồi giáo tại Mỹ dưới 3 triệu, chiếm không đến 2% dân số). Pháp là nước có đông người  Hồi giáo nhất châu Âu, chiếm 7-10% dân số; theo sau là Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Italia. Theo tốc độ nhập cư và tỷ lệ sinh hiện tại, cộng đồng Hồi giáo châu Âu có thể tăng gấp đôi vào trước năm 2025. Thành phần di dân Hồi giáo châu Âu còn có một đặc điểm: Người Hồi giáo gốc Algeria sống đông ở Pháp, Morocco ở Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức, Pakistan ở Anh...

Các nguyên thủ thế giới tham gia cuộc tuần hành lên án khủng bố tại Paris ngày 11/1/2015

Vấn đề Hồi giáo nói riêng và chính sách nhập cư nói chung luôn là chủ đề thời sự, thể hiện đặc biệt rõ trong các mùa bầu cử. Năm 2002, chính trị gia Hà Lan Pim Fortuyn bị ám sát chết bởi ông chủ trương hạn chế nhập cư. Tại Pháp, cộng đồng Hồi giáo đã xuống đường khi Chính phủ Paris cấm đội khăn choàng (Hồi giáo) trong học đường; và tại Anh, phe Bảo thủ từng ủng hộ phe Công đảng trong việc thắt chặt luật nhập cư và chương trình đoàn tụ gia đình trong cộng đồng di dân Hồi giáo…  

Để có thể thấy mức độ nhạy cảm của yếu tố Hồi giáo trong đời sống chính trị cũng như xã hội châu Âu, thử xem trường hợp Hà Lan. Không chỉ vụ ám sát Pim Fortuyn, nhà làm phim Theo van Gogh cũng bị giết và bị cắt cổ sau khi thực hiện một bộ phim tài liệu “báng bổ Hồi giáo” vào năm 2004. Vấn đề Hồi giáo tại Hà Lan trở nên phức tạp đến mức tiểu thuyết gia - nhà bình luận chính trị Leon de Winter đã gọi đó là “bom hẹn giờ”. Vụ giết Theo van Gogh đã làm chấn động Hà Lan không chỉ bởi ông là hậu duệ họa sĩ Vincent van Gogh (thần tượng văn hóa của Hà Lan) mà tên sát thủ - Mohammed Bouyeri - là thế hệ di dân thứ hai sống tại Hà Lan, thuộc gia đình gốc Morocco.

Đây là chi tiết đáng lưu ý bởi Bouyeri ít nhiều hấp thụ văn hóa phương Tây (luôn có thái độ đối lập nhất quán với lối “khủng bố liều chết” phi nhân tính) và bản thân hắn là kẻ có trình độ đại học. Vậy mà Bouyeri cuối cùng đi theo nhóm Hofstad, nơi từng hoạch định ám sát nhiều chính trị gia Hà Lan, tấn công nhà máy hạt nhân duy nhất của Hà Lan cũng như dự tính tiến hành loạt khủng bố tại châu Âu. Tình báo châu Âu cho biết, Hofstad có quan hệ với nhóm Chiến binh Hồi giáo Morocco, nơi thực hiện vụ khủng bố Madrid năm 2004 và vụ tấn công Casablanca năm 2003. Trong thực tế, châu Âu vốn không xa lạ với hoạt động khủng bố. Lịch sử châu Âu từng chứng kiến các vụ quậy phá của những nhóm như Baader-Meinhof tại Đức, Action Directe tại Pháp hoặc Red Brigades tại Italia. Tuy nhiên, Hofstad cũng như tất cả nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan hiện thời không thể so sánh với (hầu hết) các nhóm quá khứ, bởi Hồi giáo cực đoan chưa bao giờ có luận điểm đấu tranh nào mang tính xã hội cũng như tinh thần đại đồng. Đó là sự khác biệt phân minh giữa khủng bố và đấu tranh chính nghĩa.

Làm thế nào để “hiểu” được khủng bố?

Điều nguy hiểm là Al-Qaeda đã thực hiện thành công nhiều chiến dịch “tẩy não” trong cộng đồng Hồi giáo châu Âu. Theo Cơ quan An ninh - Tình báo Hà Lan (AIVD), Al-Qaeda đang “bám rễ vào xã hội Hà Lan” bằng cách tuyển thanh niên Hồi giáo thuộc thế hệ di dân thứ hai - thứ ba. AIVD đã tịch thu được nhiều băng hình, theo dõi diễn đàn trực tuyến hội thảo về “thánh chiến”… của một số thanh niên Hồi giáo Hà Lan lẫn Pháp trong đó có anh em Kouachi tham gia vụ thảm sát Charlie Hebdo.

Vấn đề Hồi giáo tại Pháp còn có nhiều yếu tố xã hội phức tạp

Tại giáo đường ở Finsbury (London), giáo sĩ chột Abu Hamsa al-Masri từng thuyết trình luận điểm “thánh chiến” (cho đến khi bị bắt năm 2004). “Các bạn đâu cần đi đâu xa” - Abu Hamsa al-Masri nói, nhấn mạnh rằng “kẻ thù” không phải ở Trung Đông mà là “đang ở ngay đây”. Tính chất cực đoan của hình thái tuyên truyền khủng bố thể hiện ở chỗ kẻ liều chết luôn được tô vẽ như người hùng, chẳng hạn Asif Hanif (quốc tịch Anh), tên ôm bom liều chết tại Tel-Aviv vào năm 2003. Cuộc chiến này đúng là quá phức tạp. Luật thời Chiến tranh lạnh nên được đổi lại - theo Roger Cressey, chuyên gia chống khủng bố, cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Hoa Kỳ. “Khi đương đầu Liên Xô, chúng ta biết khả năng chúng ta như thế nào dù có thể chưa rõ động thái của họ. Trong khi đó, động cơ Al-Qaeda rất rõ ràng nhưng chúng ta không biết đích xác khả năng tấn công của chúng như thế nào”.

Không thể chống một kẻ thù nếu người ta không hiểu rõ chúng. Đó là cách mà nhiều học giả châu Âu tiếp tục mổ xẻ vấn đề nhạy cảm Hồi giáo trong xã hội châu Âu. Tác giả Pháp Olivier Roy gọi hiện tượng xáo trộn trong cộng đồng Hồi giáo châu Âu là “chủ nghĩa cực đoan kiểu mới” trong đó giới trẻ Hồi giáo châu Âu muốn chống lại các chuẩn mực văn minh phương Tây. Ở đây cần mở ngoặc. Với Hồi giáo, thế giới chia làm hai phần: Thế giới của Hồi giáo (Dar al-Islam) và thế giới của dị giáo (Dar al-Harb).

Với tư tưởng này - được phát triển bởi Sayyed Qutb, cha đẻ của một số nhóm jihad hiện đại (“thánh chiến”), thành phần Hồi giáo cực đoan ấp ủ sứ mạng: Khôi phục vương quốc Hồi giáo; thống nhất thế giới Hồi giáo thành một quốc gia duy nhất; và giành lại ánh sáng huy hoàng Hồi giáo. Để thực hiện lý tưởng này, hai khái niệm quan trọng hình thành, được xem như là tiêu chí hành động: Chống lại “sự hèn hạ” của các nước trong cộng đồng Hồi giáo liên minh với phương Tây và ngăn ảnh hưởng phương Tây thâm nhập vào thế giới Hồi giáo. Vì vậy, theo họ, các thành viên của những nhóm phản kháng không phải là khủng bố mà là những người lính phục vụ cho Allah. Và quân thù thì có mặt mọi nơi, nên các chiến sĩ nguyện tử vì đạo này không chỉ đấu tranh trong phạm vi lãnh thổ mình mà còn lan rộng đến khối Arập và thế giới Hồi giáo, những nơi mà các chính phủ đang trong tình trạng thối rữa và nền văn hóa đang hấp hối bởi nhiều chứng bệnh lây nhiễm từ phương Tây.

Lý thuyết “chủ nghĩa cực đoan kiểu mới” của Olivier Roy có thể không sai, ở vài trường hợp cụ thể: Có ai ngờ Ahmed Omar Saeed Sheikh - người Anh gốc Pakistan, kẻ chủ mưu sát hại nhà báo Daniel Pearl - không phải là kẻ đầu đường xó chợ mà từng học tại Trường kinh tế London! Rõ ràng, vấn đề trình độ học vấn chưa đủ để lý giải sự việc. Tuy nhiên, có một chi tiết mà tờ The Economist đưa ra rất cần được tham khảo: Chính sách dành cho người nhập cư cũng như phân cách giàu nghèo giữa cộng đồng Hồi giáo và người bản địa không phải không quan trọng.

Trong tất cả cộng đồng tôn giáo ở châu Âu, Hồi giáo là người ít khả năng có nhà riêng nhất, ít khả năng có nghề nghiệp chuyên môn nhất; ít khả năng kiếm được việc làm nhất… Chỉ 48% người Hồi giáo Anh là có nghề kiếm sống trong năm 2001; so với 65% dân Công giáo, 67% dân Hindu và 75% thành phần không tôn giáo. Vấn đề nằm sâu xa ở chính sách đối với người di cư, đặc biệt tại Pháp. Hầu hết cư dân Clichy-sous-Bois và các vùng lân cận là thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai của thành phần di dân từ các thuộc địa cũ của Pháp. Khu Seine-Saint-Denis có mức độ tập trung dân gốc Arập nhiều nhất Pháp (khoảng 30%). Thập niên 60 của thế kỷ trước, theo sau sự cai trị Pháp ở Algeria, khoảng một triệu người Arập và dân Berber từ Bắc Phi (chủ yếu Hồi giáo) đã di cư đến Pháp và sống tập trung tại ngoại ô Paris.

Nói một cách rộng hơn, chính phủ Paris đang gánh cái di sản thực dân của lịch sử đế quốc Pháp. Cần nhắc lại, người di cư từng là chủ đề chính trị của một số đảng cực hữu, trong đó có đảng Mặt trận quốc gia của Jean-Marie Le Pen hoặc Phong trào cách mạng quốc gia (MNR) của Bruno Mégret. Họ tin rằng văn hóa phi phương Tây của dân di cư khiến nền tảng văn hóa truyền thống Pháp bị ảnh hưởng và lung lay (trong cuộc bầu cử khu vực năm 2004, MNR từng nêu khẩu hiệu “Hãy nói “không” với làn sóng Hồi giáo hóa”.

Do đó, một chính sách khác hơn cho cộng đồng Hồi giáo cũng có thể là giải pháp (song song thắt chặt an ninh và tăng cường tình báo) giúp ngăn chặn nguy cơ khủng bố đối với các quốc gia châu Âu.

M.Kim