Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hình tượng mãng xà trên Cửu đỉnh

07:00 | 27/01/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Huế là kinh đô cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Trải qua 143 năm (1802-1945), vương triều Nguyễn đã để lại nhiều công trình văn hóa có giá trị trên vùng đất Phú Xuân (cố đô Huế ngày nay). Một trong những công trình tiêu biểu trong tổng thể các giá trị văn hóa mà vương triều Nguyễn để lại chính là Cửu đỉnh (9 cái đỉnh lớn).

Đó là một công trình đồ sộ được đặt trong đại nội Huế. Đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn rất nguyên vẹn được đặt trước Hiển Lâm các, đối diện với Thế miếu. Cửu đỉnh là một cuộc triển lãm những tác phẩm mỹ thuật rất tinh tế của những nghệ nhân tài hoa, là biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất của đất nước và ước mơ triều đại mãi vững bền, hùng mạnh. Tất cả 153 mảng hình trên Cửu đỉnh là 153 bức chạm độc lập, hoàn chỉnh, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng nước ta, giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học hồi đầu thế kỷ XIX.

Mỗi đỉnh khắc 17 hình ảnh khác nhau không trùng lắp và có chú thích bằng chữ Hán, mỗi họa tiết không chỉ đơn thuần là những đường nét chạm khắc tinh tế mà đó còn là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cửu đỉnh được coi là bách khoa thư về cuộc sống con người Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Cửu Đỉnh là di sản văn hóa quý hiếm, có giá trị nhiều mặt của văn hóa Huế nói riêng, cả nước nói chung. Đó còn là sản phẩm thể hiện đỉnh cao trong nghệ thuật đúc đồng của nước ta ở thế kỷ XIX.

Hình mãng xà được khắc trên Huyền đỉnh

Cửu đỉnh được đặt tên theo miếu hiệu của các vua triều Nguyễn, mỗi đỉnh ứng với một vị vua: Cao Đỉnh là miếu hiệu của vua Gia Long, được đặt ở chính giữa, tiếp đó là Nhân đỉnh (Minh Mạng), Chương Đỉnh (Thiệu Trị), Anh đỉnh (Tự Đức), Nghị đỉnh (Kiến Phúc), Thuần Đỉnh (Đồng khánh), Tuyên đỉnh (Khải Định). Riêng Dụ đỉnh và Huyền đỉnh chưa kịp có miếu hiệu của vị vua nào thì triều Nguyễn đã sụp đổ.

Sách “Đại Nam thực lục” chép: “Trên Huyền đỉnh, khắc các hình: mưa, cầu vồng, núi Hoành Sơn, sông Tiền Hậu Giang, sông Thao, núi Thúc Thu, con ngựa, con cà cuống, con mãng xà, hoa lan 5 lá, quả vải, cây bông, sâm nam, cây sơn, cây tỏi, cái xe, ống phun lửa, đều 17 loại”. Chúng ta thấy rằng, Huyền đỉnh cũng như tám đỉnh khác đều khắc rất đa dạng về thiên nhiên đất nước với những hình ảnh tượng trưng cho từng vùng miền cũng như những điểm chung của cả nước. Đặc biệt, trên Huyền đỉnh có khắc hình ảnh con mãng xà (rắn) được thể hiện rất sinh động. Như ta đã biết, rắn là một trong 12 con giáp theo quan niệm địa chi của người phương Đông. Việc được khắc hình ảnh trên Huyền đỉnh cũng đã cho thấy con vật này có một vai trò quan trọng bởi 153 họa tiết được khắc trên Cửu đỉnh đều là những hình ảnh đặc trưng.

Trong bài viết “Những họa tiết trên Cửu đỉnh”, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu đã lý giải việc mãng xà được chọn để khắc trên Huyền đỉnh như sau: “Mãng xà, tức con rắn to, thuộc bộ có vảy. Nhiều sách chép là mãng vương xà (vua của loài rắn), theo quan niệm dân gian, rắn là vị thần (thần Lốt) ở miền sông nước. Mãng xà lớn nhất trong loài rắn nên gọi là vương xà; mắt nó tròn, mùa xuân và mùa đông ở trên cạn, mùa hạ và mùa thu ngâm mình dưới nước. Ở Việt Nam, những tỉnh có vùng bán sơn địa, nhiều sình lầy, đầm hồ, mãng xà thường ẩn cư. Thịt mãng xà có nhiều chất bổ, xương của nó được bào chế để làm thuốc chữa trị tê thấp, gân cốt, rất hiệu quả. Rắn (tỵ) được xếp đứng thứ sáu trong địa chi 12 con giáp”. Đó là những nguyên nhân để vua Minh Mạng chọn hình tượng con mãng xà lớn để khắc lên Huyền đỉnh.

Nhưng việc chọn hình ảnh mãng xà để khắc lên Huyền đỉnh cũng là một ngụ ý rất thâm sâu của vua Minh Mạng, bởi chính loài rắn đã có một chỗ đứng trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn mà cụ thể là với vua Gia Long - vị vua đầu tiên của vương triều Nguyễn đồng thời là cha đẻ của vua Minh Mạng. Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đã đánh đổ được nhà Tây Sơn để lập ra một vương triều thống nhất (triều Nguyễn). Nhưng ngược lại lịch sử để thấy rằng, ngôi vị mà Gia Long dành được cũng phải đánh đổi bằng nhiều hiểm nguy. Nguyễn Ánh đã nhiều lần bị quân Tây Sơn truy kích, có lúc tưởng như không thể vượt qua nổi, phải bôn ba hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng mới giành được chiến thắng.

Huyền đỉnh (ngoài cùng bên phải) trong Cửu đỉnh có khắc hình mãng xà

Đặc biệt, trong những ngày bôn ba để chống lại sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã được rắn thần trợ giúp. Đó là khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy kích phải chạy đến mãi vùng biển Hà Tiên - Phú Quốc. Khi bị truy đuổi, Nguyễn Ánh và những người tùy tùng phải đi thuyền nhỏ ra Hà Tiên, Phú Quốc, trong đêm tối không trông thấy gì, tự nhiên có đàn rắn cõng thuyền vượt bể đi tới Hà Tiên. Sách “Đại Nam thực lục” đã chép sự kiện này như sau: “Năm 1782, vua đến Hà Tiên, đi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy rõ, ở gầm thuyền hình như có vật gì đội, tang tảng sáng nhìn ra thì đó là một đàn rắn. Người đi theo đều lấy làm sợ. Vua giục cứ đi, một lát thì đàn rắn đi mất”.

Có lẽ vua Minh Mạng đã dựa vào việc vua cha được rắn thần giúp đỡ trong những ngày gian khó mà cho chọn hình tượng con mãng xà để khắc lên Cửu đỉnh. Đó còn thể hiện được tinh thần dù là một người đứng trên tất cả để cai trị thiên hạ nhưng Minh Mạng vẫn không quên công ơn của vua cha cũng như những điều đã giúp vua cha vượt qua khó khăn. Sự tưởng nhớ đó thể hiện vua Minh Mạng là một vị vua có hiếu, luôn tưởng nhớ đến công ơn của vua cha.

Việc cho khắc hình ảnh con mãng xà trên Cửu đỉnh cũng là sự tri ân của vua Minh Mạng đối với thần rắn đã giúp vua Gia Long trong những ngày mà số phận của vương triều Nguyễn đứng giữa làn danh giới mỏng manh tồn tại hay không tồn tại. Dù sự kiện rắn thần hiện lên giúp đỡ Gia Long có hay không nhưng đối với vua Minh Mạng thì việc đó không quan trọng. Trong một thời điểm loạn lạc như vậy, bất cứ sự giúp đỡ nào cũng là điều mà nhà vua không thể bỏ qua.

Trong quan niệm của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, hình tượng con rắn không được thân thiện như những con vật khác. Nhiều người thường xem rắn là con vật nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy mà khi thấy rắn là người ta chỉ muốn đánh chết nên dân gian có câu: “Đánh rắn là phải đánh dập đầu”, hoặc khi nói đến một người không tốt, có tâm địa hiểm ác, người ta lại nói: “Khẩu phật tâm xà”... Sự kỳ thị của nhân gian đối với loài rắn là như vậy nhưng rắn vẫn chi phối nhiều trong đời sống xã hội như dùng rắn ngâm rượu hay dùng rắn để chữa bệnh.

Với vua Minh Mạng, rắn là ân nhân của vương triều Nguyễn. Việc chọn mãng xà để khắc lên Huyển đỉnh trong Cửu đỉnh đã thể hiện vị trí quan trọng của loài vật này bởi có rất nhiều loài vật khác được dân gian có quan niệm tốt hơn nhiều nhưng loài rắn vẫn được chọn để đại diện cho những tinh túy nhất. Chuyện hình tượng mãng xà được khắc trên Cửu đỉnh là một điều làm cho nhiều người hiếu kỳ muốn khám phá. Qua đó để ta thấy được rằng, loài rắn cũng có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống cộng đồng của người Việt. Chúng ta sắp bước sang năm Quý tỵ, điều đó càng làm cho hình tượng mãng xà trên Cửu đỉnh thú vị hơn và để hiểu sâu hơn về sự tri ân của triều Nguyễn đối với loài rắn.

Nguyên Cao