Về làng Hậu Ái gặp nghệ nhân cuối cùng làm đèn Trung thu truyền thống tại Hà Nội
Làm nghề bằng cả tâm huyết
Làng Hậu Ái từng là ngôi làng nổi tiếng về làm đồ chơi trung thu truyền thống, hiện nay chỉ còn gia đình bà Tuyến còn theo nghề. Chia sẻ về câu chuyện này, bà cho biết, trước những năm 90, hầu như nhà nào cũng có các loại đèn cùng một bộ ông tiến sĩ giấy có hai ông múa gậy đứng hai bên.
"Thời đó, cả gia đình nhà tôi phải tập trung để làm, với số lượng vài nghìn chiếc. Tuy nhiên, từ năm 90 trở lại đây, đồ chơi dân gian dần bị sao nhãng, các loại đồ chơi tre nứa, giấy màu bị suy giảm đi nhiều, người ta dần chuyển hướng thích những đồ chơi ngoại nhập." - Bà Tuyến bùi ngùi tâm sự.
Bà Tuyến vót từng sợi nan, sợi tre để tạo hình chiếc đèn trung thu |
Kể về quá trình hơn 40 năm làm nghề, bà chia sẻ: "Khi xưa, tại đây phải có đến 20 hộ gia đình chuyên làm đồ chơi dân gian, nhưng vì thời thế, không bán được nên dần dần nghề này mai một đi hết. Còn bản thân tôi, tiếc nghề 3 đời truyền thống của dòng họ, vừa là cái duyên muốn giữ gìn món nghề này."
"Làm cái này cũng theo thời vụ, cho nên tôi cũng không bắt ép các con, các cháu phải theo. Cuối tuần giúp đỡ mẹ còn trong tuần mọi người cũng có công việc riêng." - Bà chia sẻ lý do thường tự làm các đèn truyền thống.
Vừa trò chuyện, vừa thấy đầu ngón tay của bà Tuyến dán những chiếc băng dính đen, để giải thích cho điều này, bà bảo: "Sử dụng băng dính đen vì nó mềm mà vẫn bảo vệ được bàn tay, không mất đi sự linh hoạt khi cầm nắm tre, nứa. Bởi, cảm giác tay rất quan trọng."
"Đặc điểm của nghề này là "chơi đùa" với tre, nứa. Cho nên, bảo vệ tay để không bị xước khi làm là rất quan trọng. Nếu không sẽ bị dằn tre, dằn nứa đâm vào tay." - Bà vừa chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, vừa tỉ mẩn vót từng sợi tre, sợi nứa.
Đầu ngón tay của bà Tuyến được bảo vệ bởi những chiếc băng dính đen |
Khung những chiếc đèn Trung thu được hình thành qua bàn tay khéo léo của bà Tuyến |
Đèn ông sao, đèn chim công, đèn thỏ, đèn con cá là những sản phẩm thủ công cần nhiều thời gian và công sức tuy nhiên giá thành của chúng lại rất thấp. Giá của mỗi món đồ chơi giao động từ 30.000 - 60.000 đồng/sản phẩm. Đèn ông sao tuỳ kích cỡ có giá từ 30.000 - 200.000/ chiếc, đèn con cá, đèn con tôm có giá từ 30.000 - 35.000 đồng/chiếc, 1 bộ ông tiến sĩ giấy gồm 1 tướng và 2 quân, giá bộ to là 60.000 đồng và bộ nhỏ là 50.000 đồng/bộ.
Mong muốn gìn giữ nghề truyền thống
Gắn bó với nghề đã hơn 40 năm, với gia đình bà Tuyến việc làm ra những đồ chơi Trung thu không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là gìn giữ nét văn hóa của làng dần bị mai một. Mỗi dịp Trung thu đến, các cấp chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để gia đình bà Tuyến tiếp tục giữ nghề truyền thống.
“Nói chung gia đình tôi lấy công làm lãi, chứ lợi nhuận không thể sống được. Suốt mấy chục năm qua chưa khi nào tôi bỏ nghề do nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền và nhân dân trong xã, thôn. Chính quyền và đại diện các ban ngành đoàn thể xã thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình tôi giữ nghề. Gần đây, nhiều trường học ở khu vực nội thành Hà Nội cũng đã tổ chức các đoàn đưa các em nhỏ đến đây để tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu và học cách làm đèn trung thu truyền thống”.
Mặc dù hiện nay có rất nhiều loại đồ chơi Trung thu được bày bán trên thị trường, nhưng có một món đồ chơi vẫn luôn hiện diện trong những ngày trăng tròn tháng Tám, đó chính là chiếc đèn ông sao |
Ngoài những loại đèn cổ truyền, bà Tuyến còn sáng tạo thêm các loại đèn mới như đèn con công, con cá, con tôm… |
"Hàng năm, Đoàn thanh niên của thôn luôn tổ chức phá cỗ Trung thu, đèn trung thu đều được mua để ủng hộ gia đình tôi. Đó như lời nhắc nhở thế hệ sau nên gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, giúp các cháu yêu thích, tìm hiểu và học hỏi về nghề truyền thống của làng". - Bà Tuyến chia sẻ.
Dù là đồ chơi dân gian nhưng hiện nay đã được cải tiến với rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng đẹp mà vẫn giữ được nét truyền thống |
Mỗi dịp trung thu, theo lời mời của ban tổ chức, bà Tuyến đến các địa điểm như Bảo tàng Dân tộc học, phố đi bộ hồ Gươm, phố Mã Mây, Hàng Đào, Hàng Mã,... để giới thiệu về giá trị cũng như cách làm đồ thủ công truyền thống trong đời sống người Việt.
"Tôi luôn mong muốn hình ảnh chiếc đèn ông sao truyền thống tồn tại trong trí nhớ của trẻ em. Chính các cháu sẽ là những người gìn giữ nét đẹp văn hóa dân gian cho đời sau" - bà Tuyến trải lòng.
Hằng Nga - Diễm Hằng
-
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Thúc đẩy dòng chảy văn hóa sáng tạo Thủ đô
-
Cơ hội xem những bộ phim tài liệu về phát triển bền vững
-
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam miễn phí vé cho khách tham quan
-
Phẩm cách người Hà Nội - dòng mạch ngầm chảy mãi
-
Bài cuối: Động lực để phát triển lên tầm cao mới