'Hậu phương' 1,4 tỷ dân của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Ngày 11/7, Zhuo Peihui nhận ra biên lợi nhuận của mặt hàng đồ gỗ nội thất mà ông bán qua Mỹ trong 13 năm qua sắp bốc hơi. Đó là bởi những chiếc ngăn kéo tủ quần áo, bàn ăn... do hơn 100 công nhân tại nhà máy đặt ở Quảng Đông sản xuất, đã bị liệt vào danh sách đánh thuế mới nhất của ông Donald Trump.
Ông Trump đánh cược rằng biện pháp đánh thuế lên hàng loạt mặt hàng công nghiệp của Trung Quốc sẽ khiến nước này chấm những những hành vi thương mại mà Mỹ cho là không công bằng. Tuy nhiên, Trung Quốc có ít nhất một chiến lược mạnh mẽ, giúp hạn chế sự tuột dốc của doanh thu. Đó chính là thị trường nội địa 1,4 tỷ dân, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh và chịu chi nhiều hơn người Mỹ.
Trung Quốc đã xuất khẩu được 29,2 tỷ USD đồ nội thất vào Mỹ trong năm ngoái. Theo Deutsche Bank AG, gói đánh thuế 200 tỷ USD của ông Trump sẽ tác động lớn nhất đến ngành công nghiệp này. Đồ nội thất sẽ phải đối mặt với mức thuế 10% hoặc thậm chí đến 25%. Tình cảnh buộc Zhuo và các doanh nghiệp khác trong ngành tìm cách bán hàng ở gần nhà hơn.
"Mặc dù với chúng tôi thị trường trong nước là mới mẻ và cạnh tranh khốc liệt nhưng ít nhất ở đây có nhu cầu. Thị trường này rất lớn, khách hàng đang sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm tốt", ông Zhuo nói.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dường như ngày càng xấu đi. Các công ty Trung Quốc kinh doanh mọi thứ, từ túi xách, thực phẩm tươi sống đến đèn Giáng Sinh đang nỗ lực kích cầu tiêu thụ nội địa.
Người tiêu dùng trẻ tại Trung Quốc ngày càng mê hải sản. Ảnh: Bloomberg |
Nhà máy của Tianhe Aquatic đặt tại Chiết Giang. Nơi đây, hơn 1.000 công nhân chế biến 10.000 tấn thủy sản mỗi năm, bao gồm tôm càng xanh, mực, phi lê cá và hải sản khác để bán cho Mỹ, châu Âu và Australia.
Nhiều sản phẩm của nhà máy đang đối mặt với dự luật áp thuế mới của Mỹ. Gần 200 mặt hàng được nhắm đến, gồm hơn chục loại hải sản, sẽ có hiệu lực sau khi vòng tham vấn cộng đồng kết thúc vào ngày 6/9 tới.
Tuy nhiên, may mắn cho Tianhe Aquatic ở chỗ, thế hệ trẻ Trung Quốc ngày càng mê tôm cua. Nhu cầu tiêu thụ của những người thuộc độ tuổi 20 - 30 tại các đô thị đã giúp ngành tôm nước này tăng 83% vào năm ngoái, bất chấp sản lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm.
"Người tiêu dùng Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm và chuộng các loại thức ăn phổ biến ở Âu Mỹ như một nét sành điệu. Chúng tôi có thể bỏ thị trường Mỹ nếu chúng tôi muốn", Doris Chen - Đại diện bán hàng của Tianhe Aquatic tuyên bố.
China Resources Holdings là một doanh nghiệp nhà nước, đang sở hữu 3.000 siêu thị. Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm đỏ Jumbo nhập từ Argentina trong hệ thống này tăng 20%. Nguyên nhân bởi nhu cầu nội địa tăng và các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc với kế hoạch bán lại vào Mỹ, nay chuyển hướng bán ngay tại nội địa.
Ngay cả trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sức tiêu dùng ngày càng tăng của người Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp vốn chỉ chuyên xuất khẩu phải chú ý. Tiêu thụ hộ gia đình chiếm hơn 39% GDP của Trung Quốc trong năm 2016 và 2017. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2005. “Cuộc chiến thương mại sẽ làm nổi bật sự thay đổi này”, Iris Pang - Chuyên gia kinh tế của ING Bank NV (Hong Kong) nhận xét.
Tất nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn một khoảng cách với Mỹ. Năm ngoái, tiêu dùng cá nhân chiếm 70% GDP của Mỹ. Chính vì thế, thay đổi tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng cá nhân vào nền kinh tế đang là một phần quan trọng trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của ông Tập Cận Bình.
Thách thức ở chỗ, không phải lúc nào cũng dễ để khách hàng Trung Quốc bắt chước thói quen tiêu dùng của người Mỹ. SDIC Zhonglu Fruit Juice chiếm khoảng 20% trong số 654.000 tấn táo Trung Quốc xuất khẩu năm 2017. Khách hàng của họ gồm Coca-Cola, Nestlé và Kraft Heinz. Hầu hết sản lượng xuất qua Mỹ, trong khi danh sách đánh thuế mới bao gồm tất cả loại nước ép.
"Chúng tôi đang nghiên cứu và tung ra các sản phẩm mới để kích cầu tiêu thụ nước trái cây ở Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ đang thúc đẩy chúng tôi nhanh chóng cơ cấu lại thị trường và sản phẩm", SDIC Zhonglu Fruit Juice đưa ra một tuyên bố gần đây.
Một thách thức khác là nhiều người Trung Quốc vẫn nghĩ thương hiệu nội địa đồng nghĩa chất lượng kém. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Fielding Chen của Bloomberg cho rằng, các công ty xuất khẩu sang Mỹ có nhiều lợi thế. "Nếu anh xuất khẩu được sang Mỹ thì có nghĩa hàng của anh chất lượng tốt. Điều này sẽ tốt cho việc phát triển thị trường nội địa", ông nói.
Hiện tại, Zhuo Peihui đã bán đồ nội thất thông qua cửa hàng trực tuyến và đang xây dựng cửa hàng thực. Doanh số nội địa hiện chiếm 20% của công ty ông. “Thị trường này mang lại hy vọng và cơ hội cho các nhà sản xuất để đạt được lợi nhuận lớn", ông nói.
Theo VnExpress.net