Hai "cuộc sống khác" bên trong khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên
Cột cờ Bàn Môn Điếm cao 160m tại làng Kijong, Triều Tiên. (Nguồn: Flickr) |
Trong thập niên 1980, chính quyền Hàn Quốc cho xây dựng một cột cờ cao 98,4 m ở Taesung và treo lá cờ Hàn Quốc nặng 130 kg. Chính quyền Triều Tiên đáp trả bằng cách xây dựng cột cờ Bàn Môn Điếm cao 160 m tại làng Kijung với lá cờ Triều Tiên nặng 270 kg tung bay cách đường biên giới chỉ 1,2 km. Sự kiện này còn được gọi tên là Cuộc chiến cột cờ.
Khu Bảo an hỗn hợp liên Triều (JSA), được biết đến nhiều hơn với cái tên Bàn Môn Điếm (Panmunjom) là một phần của khu DMZ. Panmunjom là một ngôi làng nhỏ, chỉ cách Seoul về phía bắc 55 km và nằm trên biên giới giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, cụ thể là nằm ở khu vực nhạy cảm nhất trong DMZ liên Triều, đóng vai trò vùng đệm, không thuộc sở hữu của bên nào và trở thành khu vực an ninh chung cho cả hai miền.
Mặc dù được gọi là khu vực phi quân sự nhưng nơi đây không có dân thường sinh sống, thay vào đó là sự hiện diện dày đặc của binh lính hai nước ngày đêm làm nhiệm vụ canh gác chặt chẽ.
Theo thỏa thuận năm 1953, hai miền Triều Tiên xây dựng hai ngôi làng dân sự trong DMZ như biểu tượng của hòa bình. Cả hai đều nằm cách JSA gần 2km và được đặt tên là Tự do (Taesung) ở phía Nam và Hòa bình (Kijong) ở phía Bắc. Những thập niên sau chiến tranh, Taesung và Kijong trở thành điểm chính trong cuộc chiến tuyên truyền giữa hai miền, với cả hai đều được đầu tư như mô hình kiểu mẫu nhằm tôn vinh những gì tốt đẹp của hệ thống chính trị mỗi phía.
Làng Hòa bình hiu hắt
Ngôi làng Kijong được xây dựng từ những năm 1950 và do quân đội Triều Tiên quản lý. Kijong nằm cách cách thành phố Gaeseong của Triều Tiên chỉ 10km. Nhìn từ trạm kiểm soát trên đỉnh cao, bao quanh ngôi làng là những cánh đồng tươi tốt, rộng mênh mông và có thể thấy rõ kể cả khi đứng ở bên biên giới Hàn Quốc.
Nhìn qua, những tòa nhà cao tầng được sơn màu rực rỡ và các tòa nhà dân sinh thấp tầng màu pastel là công trình chủ đạo xuất hiện ở quanh ngôi làng này. Ngôi làng còn là nơi xây dựng những tòa nhà, trước đây làm nơi ký kết thoả thuận đình chiến, đến nay gọi là Bảo tàng hòa bình Triều Tiên (do Bình Nhưỡng quản lý). Ngoài ra, nơi đây còn có cột cờ cao 160m, được chính phủ Triều Tiên dựng một cách có chủ ý, để trở thành một trong những cột cờ cao nhất thế giới.
Cũng như chính đất nước Triều Tiên, những gì về ngôi làng này vẫn là một điều khá bí ẩn. Theo chính phủ Triều Tiên, nơi này gồm trang trại tập thể với 200 gia đình, trường học và bệnh viện. Người ta thi thoảng vẫn bắt gặp nông dân tại đây ra đồng làm việc, hoặc người dân dọn cỏ, tỉa cây ở những khu vực trung tâm của làng.
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc thì lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng Kijong là “ngôi làng ma không có người ở” và nơi này được xây dựng vì mục đích tuyên truyền, các tòa nhà nơi đây chỉ là vỏ bê tông và bên trong không có cửa sổ hay nội thất. Những người dân ở làng này có thể là quân lính, hoặc nhân viên bảo trì đến quét dọn đường. Tất cả đều là nỗ lực của chính quyền Triều Tiên để bảo vệ hình ảnh về một cuộc sống không có thực bên trong ngôi làng này.
Khung cảnh ngôi làng Kijong, nhìn từ phía làng Taesung. (Nguồn: AP) |
Hàn Quốc xây làng Taesung cách ngôi làng Kijong chỉ 440m. Hai làng này cách nhau chỉ một cánh đồng. Taesung giống như mọi ngôi làng bình thường khác: có dân cư sinh sống và dân cư ở đây chủ yếu những nông dân chất phác, sống bằng nghề trồng lúa.
188 nhân khẩu tại ngôi làng này phải chịu những hạn chế nghiêm ngặt, từ bỏ nhiều sự tự do và dịch vụ mà những người dân Hàn Quốc khác coi là đương nhiên. Hàng ngày, mỗi khi ra đồng làm việc, họ đều được những binh lính Hàn Quốc kiểm tra mìn dưới đất và hộ tống đi làm. Một dòng suối chạy qua những đồng lúa trở thành ranh giới tự nhiên giữa hai miền. Chỉ cần lỡ chân, họ có thể bước sang lãnh thổ Triều Tiên và có thể bị mất mạng bất cứ lúc nào.
Để đảm bảo an toàn, dân trong làng phải tuân thủ lệnh giới nghiêm vào ban đêm và là đối tượng bị quân đội có vũ trang đi kiểm tra tại nhà riêng hàng đêm. Họ cũng phải đi qua các trạm kiểm soát mỗi khi ra hoặc vào làng.
Taesung không có phòng tập thể thao, không có bệnh viện, siêu thị hay nhà hàng. Giả sử một ai đó trong làng muốn đặt món ăn tại nhà hàng, người giao hàng chỉ được phép mang đồ đến trạm kiểm soát quân sự nằm ngoài cùng DMZ. Người trong làng phải ra tận trạm kiểm soát để mang đồ về nhà.
Tuy nhiên, mỗi hộ gia đình trong làng Taesung được cấp khoảng 7ha đất để làm nông nghiệp. Hiện mức thu nhập từ trồng trọt của họ so với mức thu nhập nhà nông ở Hàn Quốc là rất cao, khoảng 80.000 USD/ năm. Hơn nữa, họ còn được miễn thuế và miễn nghĩa vụ quân sự bởi ngôi làng nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc. Đây được coi là những “phần thưởng” để người dân tiếp tục bám trụ tại tại ngôi làng này.
…nhưng không kém phần hiện đại
Trong vài tuần qua, dân làng bắt đầu nhận thêm một số ưu đãi mới cho việc chấp nhận sống trước họng pháo. Nhà mạng điện thoại di động hàng đầu Hàn Quốc KT Corp vừa lắp đặt mạng 5G tốc độ siêu cao tại Taesung, biến làng thành một trong những khu dân cư đầu tiên trên cả nước được lắp đặt mạng không dây thế hệ mới nhất.
Khi Hàn Quốc đang nỗ lực xây dựng một trong những mạng 5G toàn quốc đầu tiên trên thế giới, Taesung là địa điểm cài đặt hấp dẫn vì Hàn Quốc có thể thể hiện sức mạnh công nghệ cao với nước láng giềng và cả thế giới.
Trước khi có 5G, nông dân phải yêu cầu binh sĩ hộ tống đến hồ chứa cách đó 1,5 km để sử dụng máy bơm nước. Giờ đây, họ có thể kích hoạt máy bơm từ nhà thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Cũng với ứng dụng này, họ có thể điều khiển các vòi phun nước trong ruộng đậu. Trong nhiều năm, phụ nữ muốn tham gia các lớp học yoga nhưng không có người hướng dẫn nào đến. Giờ đây, các bài học yoga được phát trên màn hình lớn tại phòng trung tâm cộng đồng.
Công nghệ di động 5G đã hiện diện ở Làng Taesung. |
Tại trường học duy nhất trong làng, trường tiểu học Taesung, học sinh phấn khích với các trò chơi trực tuyến tương tác, vui vẻ ném bóng vào những mục tiêu ảo trượt xuống tường. Tuy nằm ở biên giới, nhưng ngôi trường này được xây dựng theo kiểu trường điểm và cơ sở vật chất tốt hơn hẳn các trường tiểu học hay mầm non bình thường tại Hàn Quốc. Có 12 giáo viên phụ trách 35 học sinh, các giáo viên và học sinh ở đây được dạy dỗ không bao giờ nói xấu về Triều Tiên.
Những tiện nghi như vậy là yếu tố quan trọng để thu hút học sinh. Ngày nay, chỉ có 7 trong số 35 học sinh của trường là người bản địa ở Taesung. Số còn lại đi xe buýt hàng ngày từ Munsan, thị trấn gần nhất ngoài DMZ. Hai lần mỗi tuần sẽ có một sĩ quan quân đội Mỹ, trực thuộc Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc tại Hàn Quốc, đến làng Taesung dạy tiếng Anh miễn phí. Khi lãnh đạo Hàn - Triều gặp nhau tại Panmunjom, hai học sinh trường tiểu học Taesung đã tặng hoa chào đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Taesung ngày nay có bề ngoài giống như bao ngôi làng khác ở Hàn Quốc, với những cánh đồng lúa vàng óng trải rộng. Khi mà các nỗ lực ngoại giao hòa bình đang có tiến triển tốt, người dân ở đây đều có ước mong hòa bình lâu dài sẽ thực sự đến với bán đảo Triều Tiên và họ có thể thoát được cách sống “đặc biệt” này.
Sau Thế chiến II, vĩ tuyến 38 được ấn định là ranh giới phân chia hai nửa bán đảo Triều Tiên, Mỹ kiểm soát nửa phía Nam còn Liên Xô quản lý nửa phía Bắc. Đây cũng được ấn định là đường biên giới giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc sau khi hai quốc gia được thành lập năm 1948. Khu phi quân sự bán đảo Triều Tiên (DMZ) được thành lập sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến vào năm 1953. DMZ trên bán đảo Triều Tiên có chiều dài 250km cùng chiều rộng trung bình 4km. Do vị trí địa lý cùng thông tin liên quan mật thiết đến lịch sử hình thành mà khu vực phi quân sự này thường được gắn liền với Vĩ tuyến 38. Về mặt lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn chứ chưa có hiệp ước hòa bình. |
Theo Báo Thế giới và Việt Nam
Phát hiện máy bay do thám Mỹ trên bán đảo Triều Tiên |
Liên Hợp Quốc quan ngại việc Triều Tiên có thể thử hạt nhân |
Hàn Quốc phản ứng về "vũ khí chiến lược mới" của Triều Tiên |
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường