Hà Nội mở rộng vùng phục vụ xe buýt ra ngoại thành
Ảnh minh họa |
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý đề xuất của Sở GTVT TP về phương án hợp lý hóa luồng tuyến nhằm mở rộng vùng phục vụ của xe buýt tại các huyện Thường Tín và Gia Lâm cũng như kết nối tuyến buýt vào dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng quy định; thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động.
Trước đó, UBND huyện Thường Tín đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cho phép kéo dài các tuyến buýt số 08A và 21B về địa điểm cuối tại thôn Hạ Thái (xã Duyên Thái); UBND huyện Gia Lâm kiến nghị UBND TP Hà Nội kéo dài tuyến buýt số 34 và 55 về trung tâm hành chính huyện.
Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội cũng kiến nghị thành phố kết nối các tuyến buýt hiện có gần khu vực dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc nhằm chuẩn bị các điều kiện để đưa sinh viên lên học tập từ tháng 9/2022, với quy mô lên tới 15.000 sinh viên theo lộ trình đến năm 2025.
Hiện TP Hà Nội đã triển khai 5 tuyến buýt lưu thông gần khu vực dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc gồm: tuyến 107 (Kim Mã - Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam); tuyến 74 (Bến xe Mỹ Đình - Xuân Khanh); tuyến 88 (Bến xe Mỹ Đình - Hòa Lạc - Xuân Mai); tuyến 117 (Hòa Lạc - Nhổn); tuyến 119 (Hòa Lạc - Bất Bạt). Tuy nhiên các tuyến trên chưa được kết nối vào khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Bên cạnh phương án mở rộng vùng hoạt động ra ngoại thành, mới đây Sở GTVT Hà Nội cũng đã trình UBND TP phê duyệt Đề án “Rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển kết nối các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân”.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, Sở GTVT đề xuất bổ sung từ 2.500-2.700 điểm dừng xe buýt, tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt (nâng tổng số điểm dừng xe buýt lên khoảng 6.500 điểm, tăng từ 65- 70% so với hiện nay); bố trí lại điểm dừng xe buýt tiếp cận gần các khu dân cư phù hợp với cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông và kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt để tăng mức độ bao phủ của hạ tầng xe buýt.
Đồng thời, rút ngắn cự ly giữa các điểm dừng liền kề trong khu vực đô thị trong khoảng 300-600m, khu vực khác điểm dừng xe buýt được ưu tiên bố trí gần khu dân cư, tiếp cận gần đường, ngõ kết nối vào thôn, xóm; bố trí điểm dừng xe buýt theo hướng tích hợp tiếp cận gần các nhà ga đường sắt đô thị, điểm trông giữ phương tiện cá nhân đảm bảo cự ly trung chuyển giữa các loại hình dưới 200m.
Người dân Hà Nội sắp dễ dàng tiếp cận xe buýt? |
Hà Nội: Vận tải hành khách công cộng tăng mạnh |
H.T
-
Bão Trami có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
-
CSGT Hà Nội mạnh tay xử lý "hung thần xa lộ"
-
Thủ tướng chỉ đạo 11 tỉnh, thành phố và 8 Bộ chủ động ứng phó bão Trami
-
Quảng Nam: Cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ trưa 25/10