GS.TS Võ Tòng Xuân: Xóa bảo hộ đột ngột ngành mía đường… sẽ nguy!
Năng lượng Mới số 406
PV: Thưa giáo sư, việc bảo hộ quá lâu cho ngành mía đường có phải là nguyên nhân tạo sức ỳ, chậm cải tiến, đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng trong ngành này?
GS.TS Võ Tòng Xuân |
GS.TS Võ Tòng Xuân: Thực sự thời gian qua, cả các nhà máy đường và nông dân cũng ỷ lại sự bảo hộ của Nhà nước. Nhưng mà chính sách bảo hộ này không thể nào tiếp tục được lâu dài. Theo cam kết với ASEAN, đến năm 2018 chúng ta phải xóa bỏ bảo hộ với mặt hàng đường và theo các hiệp định thương mại tự do khác thì mức độ hội nhập kinh tế sẽ ngày càng sâu, rộng. Cho nên chúng ta phải từng bước tiến đến việc xóa bỏ bảo hộ với ngành mía đường.
PV: Chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ lợi ích của người nông dân, tuy nhiên nhiều phân tích cho rằng, chính sách này đã không phát huy được tác dụng khi mà ngành mía đường của ta quá lạc hậu, nông dân trồng mía liên tục lao đao vì thua lỗ? Theo giáo sư thì việc bảo hộ có thật sự mang lại lợi ích cho người nông dân hay không?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Theo tôi, việc bảo hộ của Nhà nước có đem lại lợi ích cho nông dân. Chứ với việc canh tác lạc hậu như hiện nay trong ngành mía đường, không có sự bảo hộ nông dân sẽ sống không nổi. Nhờ có bảo hộ mà các nhà máy đường mới thu mua mía với giá tương đối chấp nhận được để người nông dân trồng mía có lãi. Tất nhiên, không phải tất cả nông dân đều được lợi từ việc bảo hộ này. Tình trạng thua lỗ của người nông dân do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là chi phí đầu vào cao, năng suất thấp. Như những người nông dân thuê đất để trồng mía (việc này phổ biến ở Nam Bộ), 1ha đất thuê khoảng 20 triệu đồng, khi họ thu hoạch thì dù bán được giá tốt tiền lãi cũng đáng bao nhiêu. Bởi ngoài chi phí bỏ ra lớn họ còn phải trả thêm tiền thuê đất.
PV: Có ý kiến cho rằng, người nông dân khốn khó với cây mía vì thường xuyên bị doanh nghiệp ép giá, nợ tiền mua mía, phải “bán mía lấy đường”... trong khi đó giá đường bán ra thị trường lại cao hơn nhiều nước trên thế giới, người tiêu dùng bị thiệt, giáo sư nhận định như thế nào?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Giá mía mà các nhà máy đường mua của người nông dân theo tôi đã là cao chứ không phải thấp. Như so với Thái Lan, hoặc các nước khác thì cao hơn. Giá mía hiện nay ở nước ta
40-50USD/tấn, trong khi đó ở Thái Lan chỉ khoảng 30USD/tấn, Brazil chỉ khoảng 16USD/tấn thôi. Do đó, theo tôi người nông dân không bị ép giá. Với giá mía thu vào như vậy thì giá thành 1kg đường làm ra tại nhà máy khoảng 12.000-13.000 đồng/kg, bán ra thị trường 18.000-19.000 đồng/kg (vì cộng thêm chi phí qua các kênh lưu thông, phân phối). Ở Thái Lan thì giá đường tại nhà máy chỉ khoảng 8.000
đồng/kg. Cũng bởi mua mía giá cao nhưng trữ đường của mía không tốt, giá thành đường làm ra cao, không ít nhà máy đã bị thua lỗ, sạt nghiệp, dẫn đến chuyện nợ tiền nông dân. Theo tôi biết hiện nay có ít nhất 4 nhà máy rơi vào tình trạng thua lỗ, sạt nghiệp.
PV: Nhiều phân tích cho rằng, phải rút bảo hộ ngành mía đường mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành này, theo giáo sư thì sao?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Khi chúng ta xóa bảo hộ sẽ đặt người nông dân và doanh nghiệp mía đường trước áp lực cạnh tranh, buộc họ phải vận động để tồn tại. Trước mắt là từng bước cho phép nhập khẩu đường tạo sức ép cạnh tranh cho ngành mía đường trong nước để thay đổi phương thức sản xuất. Việc sớm cho nhập khẩu đường có nhiều điểm lợi. Với giá nhập khẩu 40 cent/tấn đưa giá đường thành phẩm trên thị trường xuống khoảng 17.000 đồng/kg, người tiêu dùng trong nước được hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện nay ngành mía đường đang trong giai đoạn không cạnh tranh được với nước ngoài nên mới phải sử dụng chính sách bảo hộ, nếu xóa bảo hộ đột ngột thì nông dân, doanh nghiệp không sống nổi. Do đó, trong khi đang bảo hộ như thế này chúng ta phải tính đến ngày không được bảo hộ nữa để chuẩn bị, tăng cường năng lực cạnh tranh của cây mía ở Việt Nam, giúp ngành mía đường có thể đứng vững khi không còn bảo hộ. Sắp tới các cam kết với ASEAN và quốc tế không cho phép chúng ta sử dụng chính sách bảo hộ nữa nhưng xóa bỏ bảo hộ cũng phải làm từng bước chứ bỏ liền là trở tay không kịp.
Mía được trồng tự phát năng suất kém, trữ đường thấp
PV: Theo giáo sư, làm thế nào để tăng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường nước ta?
GS.TS Võ Tòng Xuân: Theo tôi có ít nhất có 3 vấn đề phải giải quyết. Trong đó, đầu tiên và cơ bản nhất là vấn đề khoa học kỹ thuật. Phải đẩy mạnh nghiên cứu, từ nghiên cứu về giống mía đến các biện pháp làm đất, bón phân, tưới nước… để có thể tăng năng suất cây mía lên mức khoảng
80 tấn/ha và tăng trữ đường lên. Đây là vấn đề mà trong thời gian vừa qua Nhà nước rất lơ là hoặc chỉ khuyến cáo chung chung dẫn đến người nông dân không thể ứng dụng, vẫn tốn nhiều chi phí cho phân, thuốc nhưng năng suất kém, trữ đường thấp. Trong khi đó, các nhà máy đường cũng không mặn mà gì với khoa học kỹ thuật, ngoại trừ việc họ đi tìm các giống mía của Thái Lan, Trung Quốc đem về áp dụng nhưng kết quả không ổn định.
Thứ hai là phải cải tiến các thiết bị nhà máy đường để chạy ra đường hiệu quả hơn.
Thứ ba là chính sách của Nhà nước, khi rút bảo hộ Nhà nước phải có chính sách để gắn kết những người nông dân trồng mía lại với nhau trong các câu lạc bộ, hợp tác xã để họ được sự hỗ trợ về mặt tài chính và quan trọng hơn là về mặt kỹ thuật, đảm bảo rằng việc trồng mía sẽ được lợi hơn là trồng các loại cây khác trên cùng vùng canh tác. Trên cơ sở đó, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sẽ được ổn định, tránh được việc trồng manh mún, không cơ giới hoá được, năng suất không cao. Và khi nông dân kết hợp được với nhau họ cũng khắng khít với các nhà máy đường hơn.
PV: Xin cảm ơn giáo sư!
“Nhiều năm qua, hiệp hội và các doanh nghiệp mía đường đã không phổ biến được các giống mía mới, năng suất cao tại Việt Nam để tăng năng suất và hiệu quả canh tác. Năng suất trồng mía bình quân của Việt Nam hiện nay là 60 tấn/ha trong khi năng suất của Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/ha, của Hoàng Anh - Gia Lai (tại Lào) là 120 tấn/ha. Các doanh nghiệp mía đường cũng không quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu riêng của mình để làm hạt nhân thay đổi cho hoạt động canh tác mía… Thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh tạo áp lực tái cơ cấu, mua bán, sát nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng cường hiệu quả”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú |
Mai Phương (thực hiện)
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Thủy sản Việt Nam duy trì sức hấp dẫn trên thị trường thế giới
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"