Gorbachev và những điều chưa kể
Di sản tranh cãi
Có hai bức ảnh của Gorbachev thể hiện được toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông. Bức đầu tiên, chụp vào năm 1985, chúng ta có thể thấy một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đang có bài phát biểu đầu tiên tại Điện Kremlin, với chiếc phù hiện CPSU được gắn trên ve áo của bộ comple màu xanh giản dị của ông. Bức thứ hai, được chụp vào năm 2007, khi ông đang là một biểu tượng quảng cáo, làm tài xế lái xe qua phần còn lại của Bức tường Berlin trong bộ áo khoác kẻ đen và comple sọc với chiếc túi hiệu Louis Vuitton sang trọng bên mình.
Điều gì đã xảy ra với Gorbachev trong hơn 20 năm qua? Tại sao sự hoan nghênh chào đón tại Cung điện Hoàng gia Albert lại không xuất phát từ một đại diện duy nhất của Kremlin tại lễ sinh nhật của ông ở Moscow? Phải chăng phương Tây nịnh vị cựu lãnh đạo Liên Xô cũ này? Và người Nga, Ukraine và Uzbek đã sai khi coi Gorbachev làm kẻ trùm tham nhũng vì ông đã đem đế chế vĩ đại của họ ra đánh bạc?
Thị trường Nga hiện đang tràn ngập những cuốn sách mới, trong đó có một số cuốn cho rằng, Gorbachev là một điệp viên của Mỹ, người được giao nhiệm vụ làm sụp đổ thế giới của chủ nghĩa cộng sản và ông ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Một số cuốn lại ủng hộ Gorbachev bằng cách khai thác những huyền thoại về chính trị gia cải cách này, miêu tả ông như một đấng cứu thế. Tất cả các cuốn sách đó đều có lỗi như nhau trong việc giúp làm hiểu sai về người đàn ông có vết chàm nổi tiếng mang hình bản đồ Liên Xô trên trán này.
Thoại nhìn, có vẻ dễ dàng phác thảo được những thành công của Gorbachev: Ông ta đã cho người dân của mình quyền được công khai bày tỏ ý kiến. Ông đã thả Andrei Sakharov và mở cửa biên giới. Ông đã trấn an những lo ngại về một vụ thảm sát hạt nhân. Ông đã trả lại cho 100 triệu cư dân Đông Âu quyền độc lập của họ. Ông đã cải thiện quan hệ của nước ông với Trung Quốc và Israel.
Tất cả những điều trên không có gì phải tranh cãi, ít nhất là ở phương Tây. Vấn đề duy nhất trong tất cả các vấn đề xuất phát từ ý chí chính trị của ông ta. Sergeyevich Gorbachev thực sự là con người như thế nào?
Có tư tưởng cải cách từ rất sớm
Gorbachev sinh năm 1931 tại làng Privolnoye gần Stavropol, miền Nam nước Nga. Chính bản thân ông đã được trải nghiệm qua cuộc xâm lược Liên Xô của phát xít Đức do lúc đó cha của ông từng phục vụ trong quân ngũ. Sau khi ra trường, trở về Stavropol, ông cùng lao động và giúp gia đình có được sản lượng thu hoạch cao kỷ lục. Nhờ thành tích này, ông được trao Huy chương Lao động Cờ đỏ khi mới 19 tuổi. Gorbachev gia nhập Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1952 khi 21 tuổi.
Năm 1966, ở độ tuổi 35, ông được Học viện Nông nghiệp cấp bằng Nông học – Kinh tế học. Ông bắt đầu thăng tiến nhanh chóng trên con đường sự nghiệp, năm 1970 ông được chỉ định vào chức Thư ký thứ nhất phụ trách nông nghiệp và năm sau trở thành thành viên Ủy ban Trung ương. Năm 1972, ông dẫn đầu một đoàn đại biểu Xôviết tới Bỉ và hai năm sau đó, năm 1974 trở thành đại biểu trong Xôviết tối cao và là Chủ tịch Ủy ban thường trực phụ trách các vấn đề thanh niên. Với những tiến bộ liên tục của mình, không bị dính vào tranh chấp hay bê bối gì. Gorbachev được nhà sử học người Nga Roy Medvedev đánh giá là có hồ sơ chính trị trong sạch cho tới tận năm 1985.
Ngay cả khi ở Moscow, Gorbachev vẫn tiếp tục khá mờ nhạt trong chính trị. Phụ trách về vấn đề nông nghiệp được đánh giá là một cương vị khó nhằn, nơi người ngồi lên vị trí này rất dễ mất việc. Do đó, Gorbachev đã thực hiện công việc một cách rất thận trọng và trung thành. Trên thực tế, chỉ vài năm sau, ông sẽ được xem xét cất nhắc cho cương vị Tổng bí thư. Độ tuổi và tài hùng biện của ông được cả đảng biết tới. Và khi 54 tuổi, ông đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất trong bối cảnh nhà lãnh đạo Xôviết, ông Konstantin Chernenko, mất ở tuổi 73.
Khẩu hiệu duy nhất của Gorbachev là: “Chúng ta không thể đi như thế này”. Tuy nhiên, đối với người dân, điều đó có vẻ lại là những gì mới lạ và họ bắt đầu trông chờ những điều lớn ở ông. Công việc của Gorbachev là hiện đại hóa một chế độ xơ cứng mà các lãnh đạo gần đó đều kết thúc việc cầm quyền trên giường bệnh.
Cải tổ chết yểu vì sao
Tháng 4/1986, Gorbachev đã bay 800km về phía đông nam tới thành phố sản xuất ôtô Tolyatti bên sông Volga và sau đó tới Kuybyshev, nơi theo các cố vấn của ông, Gorbachev đã có được cảm giác hy vọng giống như những gì chưa từng thấy kể từ khi kết thúc chiến tranh. Sau đó, ông đã đi thăm hai nhà máy và đã không thể che giấu được cảm giác chán nản của mình, so sánh nó với một nhà máy có từ thế kỷ XVIII. Tiếp đó là vấn đề thiếu nhà cửa cũng cần phải giải quyết. Trong một phát biểu đầy bực tức, ông Gorbachev cho biết tại một thành phố 600.000 dân mà chỉ có một rạp chiếu phim, không có cửa hàng bán rau, trong khi các quan chức cao cấp lại được cung cấp thực phẩm tại các cửa hàng đặc biệt.
Đó là điều mà chưa có ai ở Điện Kremlin phát biểu công khai trước công chúng kể từ khi Lenin nói vào những năm 1920. Anatoly Chernyaev nói: “Cuối cùng, chúng ta cũng đã có được một nhà lãnh đạo, người muốn kéo đất nước này ra khỏi vũng lầy, người sẵn sàng chấp nhận rủi ro”.
Tuy nhiên, những quyết định đầu tiên của ông Gorbachev đã dẫn tới thảm họa.
Gorbachev bắt đầu với nỗ lực chống lại tệ nghiện rượu trong công chúng. Đúng là có ít nhất 20 triệu người nghiện rượu trên cả nước, trong đó có 1/4 là phụ nữ và có tới 4 triệu người Nga đã phải trải qua các khóa điều trị cai rượu bắt buộc. Nhưng chiến dịch chống sử sụng chất có cồn liệu có phải là một xuất phát điểm tốt hay không?
Gorbachev hạn chế chỉ bán 1 lít rượu vodka cho một người. Kết quả là đường biến mất khỏi các cửa hàng khi người dân bắt đầu nấu rượu tại nhà, kho bạc nhà nước thất thu hàng tỉ rup doanh thu trong khi hàng trăm nghìn người bị khởi tố về tội buôn lậu. Cả nước như sôi lên sùng sục nhưng giới lãnh đạo cũng phải mất tới 3 năm để sửa lại lỗi của họ.
Chiến dịch thứ hai nhằm chống lại cái gọi là “không kiếm mà có” cũng là một tai họa không kém chiến dịch kể trên. Gorbachev đã cố gắng tìm kiếm sự công bằng nhưng cuối cùng điều đó lại tác động một cách gián tiếp tới những người lái taxi và những người bán dưa chuột tự trồng ở nhà ra chợ. Nói cách khác, chiến dịch này đã tác động tới những lao động đang góp phần giúp giảm bớt những vấn đề của nền kinh tế vốn thiếu hụt đủ mọi thứ.
Hậu quả là rất rõ ràng: Chính sách cải tổ của Gorbachev, phần nhiều là sự báo trước việc tái cơ cấu xã hội, đã không đem lại những câu trả lời rõ ràng cho các vấn đề mà người dân hàng ngày đang phải đối mặt. Thay vì thúc đẩy thương mại, nông nghiệp, đưa hàng hóa trở lại các cửa hàng, tăng lương cho giáo viên và bác sĩ, Kremlin đã thúc đẩy một chiến lược “tăng tốc”. Theo đó, nhà nước đã thúc đẩy hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, như tuyến đường sắt Baikal – Amur, trong khi đa phần người dân vẫn tiếp tục sống trong nghèo đói.
Những thất bại trên đã dẫn tới việc chính sách cải tổ, mới được phát động vào năm 1987, đã bị xếp xó chỉ sau hai năm.
Không chịu chấp nhận thực tế
Năm 1988 trở thành năm có tính bước ngoặt. Giai đoạn của những lời hứa hẹn đã nối tiếp bằng rất nhiều thảm kịch. Ông Gorbachev đã xúc tiến những cải cách chính trị nhằm xoa dịu những bất mãn trong người dân. Tự do hơn, hay đại loại điều ông cho là như vậy, sẽ đồng nghĩa là mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng vấn đề đã lên đến đỉnh điểm của nó và đe dọa sẽ vỡ tung ngay trước mặt ông.
Sẽ là không đúng nếu cho rằng, ông Gorbachev chỉ gặp thất bại vì những người theo đường lối cứng rắn mà sự sụp đổ còn do chính ông gây ra vì ông quá muốn thỏa hiệp và luôn kiên quyết đạt được sự cân bằng cũng như lo ngại về những quyết định không được lòng dân. Vì thế, ông đã phải ở giữa hai bên, một bên là những người kêu gọi phản đối cải tổ và bên còn lại là những người cảm thấy Gorbachev đã tiến hành công cuộc này quá chậm. Nhà lãnh đạo của những người muốn cải tổ là Boris Yeltsin, người muốn có các cuộc bầu cử trực tiếp và bí mật.
Ông Gorbachev lúc đó tự cảm thấy mình không có ai ủng hộ. Chernyaev đã viết về vấn đề này trong cuốn nhật ký với một giọng rất khác như sau: Ông Gorbachev “đang phạm phải hết sai lầm chiến thuật này đến sai lầm chiến thuật khác” và “ông đã đánh giá thấp sức mạnh tinh thần của phe đối lập”. Chỗ khác, ông này lại viết: “Gorbachev đang bắt đầu đánh mất tầm ảnh hưởng trong nước. Liệu ông có phải là thủ lĩnh của công cuộc cải tổ hay nonmemklatura (sống lâu lên lão làng)?”, rồi ông giải thích tiếp: “Mọi việc ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi: Nếu ông ta không từ bỏ “con người cộng sản” bên trong mình, con người vốn vẫn trung thành với những giá trị của chủ nghĩa xã hội, ông sẽ không thể tiến hành cải tổ được”.
Sau khi ông Gorbachev xuất hiện tại Đại hội đảng Cộng sản vào tháng 6-1990, Chernyaev lại viết: “Ông đã trả lời một cách rất lộn xộn, quá dài dòng, không rõ ràng. Ông nhắc lại những lời sáo rỗng. Ông như thể đang đóng hai vai: Một con người đang ở nước ngoài và một con người đang ở đây… Tôi cho rằng ông ấy sẽ từ bỏ nền kinh tế thị trường và đó sẽ là kết cục thảm hại của ông”.
Gorbachev có thể cảm thấy sự thu hút của mình đã mất. KGB đã lên án ông là con rối của chủ nghĩa đế quốc. Ông coi đây là cách mà KGB cảnh báo đối với ông. Chernyaev sau đó đã viết rằng, ông đã trở nên sợ hãi, không có hệ thống, là con người nói nhiều hơn làm, dễ cáu kỉnh. Chernyaev cho hay: “Ông ấy giống như một đốm lửa: có rất nhiều đốm sáng, có mùi nhưng ngọn lửa lại tắt lịm trước khi nó chiếu sáng được mọi thứ”.
Những sự kiện năm 1991 chỉ là kết cục mà thôi. Boris Yeltsin sẽ sớm lên nắm quyền. Năm này sẽ được ghi nhớ là năm diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa hai người này.
Cho tới tận ngày nay, Mikhail Gorbachev vẫn tuyên bố Liên Xô cũ có khả năng vẫn cứu vãn được sau cuộc đảo chính. Ông vẫn còn gắn với ảo tưởng đó. Để thừa nhận bất kỳ thực tế nào rõ ràng đều cũng rất đau đớn.
Vị cứu tinh bị bỏ rơi
Gorbachev giờ đây ghét cay ghét đắng người kế nhiệm mình. Nhưng điều đó lại thực sự phản ánh diễn biến sâu thẳm trong tâm hồn của ông lúc đó. Về cơ bản, ông đang phản kháng lại những phẩm chất mà mình không có nhưng ông Yeltsin lại có. Ông chủ mới trong Điện Kremlin muốn đối mặt với rủi ro và ra quyết định rất nhanh mà không cần thỏa hiệp. Trong con mắt của hầu hết người dân Nga, Yeltsin là một muzhik, “một người đàn ông thực thụ”.
Nhưng Gorbachev cho rằng, ông là nhà chính trị giỏi hơn. Vào mùa Xuân năm 1996, Gorbachev đứng trong sân ngôi nhà mà thuở thơ ấu mà ông đã sống. Đó là một ngôi nhà xây bằng gạch xoàng xĩnh ở Privolnoye thuộc khu vực Caucasus. Ông đã gặp những người dân trong vùng này. Ông muốn quay lại với người dân nơi đây. Ông tâm sự với họ rằng, sự sụp đổ của Liên Xô cũ “là nỗi đau và tôi sẽ phải chịu đựng nỗi đau đó cho tới những ngày cuối đời”.
Nhưng thậm chí ở đây, ông vẫn bị la ó. Đáp lại, ông hét vào mặt người dân ở đây: “Các người giống như những con cừu kiên nhẫn gặm cỏ trên cánh đồng vậy”. Ông cho biết thêm rằng, ông sẽ “chiến đấu tới cùng, thậm chí nếu các người có đóng đinh tôi đi chăng nữa”. Và sau đó ông ví hành trình đi tìm lại quyền lực của mình giống như hành trình của Chúa Jesus tới Calvary.
Ông đã che giấu nỗi đau của mình bằng một chút tính vĩ cuồng. Có một bức tranh của họa sĩ người Nga Andrei Myagkov treo trong ngôi nhà của ông Gorbachev bên ngoài thủ đô Moscow, nơi ông chỉ đón tiếp một vài người bạn. Bức tranh này vẽ cảnh ông Gorbachev như cái bóng của Chúa cứu thế: Jesus có vết chàm của Gorby bên tay phải và nó đang nhỏ máu.
Nước Nga giờ quá nhỏ bé đối với ông. Ông sẽ làm việc trong “một nền văn minh mới”. Ông đã thành lập tổ chức môi trường có tên là Green Cross International của mình và đề xuất ý tưởng cứu cả hành tinh này. Nhưng đó là điều mà “người lý tưởng” không thể thấy được, cụ thể là cả thế giới hiện quan tâm tới bản thân ông nhiều hơn là tới những mối quan ngại chính trị của ông. Và vì công chúng thường không để ý đến những mối quan ngại này, nên sự xuất hiện liên tục của ông theo như một phần của chiến dịch xuất hiện công khai dường như lại gây ra một chút khó chịu.
Kiến Văn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới
-
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu giải pháp phát triển kinh tế báo chí