Gỡ “nút thắt” để người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội
Đề xuất bỏ quy định mua nhà ở xã hội phải đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên 1 năm |
Chính thức phê duyệt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội |
Tháo gỡ pháp lý, vốn
Để giúp thị trường bất động sản hồi phục, từ đầu năm đến nay, Chính phủ và ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành hàng loạt chính sách để hỗ trợ thị trường bất động sản. Theo đó, NHNN hạ đã lãi suất điều hành thêm 1%, đưa về mức 3,5% đối với lãi suất tái chiết khấu, 6% đối với lãi suất tái cấp vốn. Mới đây nhất ngày 31/3/2023, NHNN tiếp tục thông báo hạ lãi suất tái cấp về mức 5,5% kể từ ngày 3/4/2023.
Bên cạnh đó, với mục đích tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản, tập trung vào nhu cầu ở thực và xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế, tăng trưởng sản xuất, Chính phủ và NHNN đã đồng ý cấp gói tín dụng 120.000 tỷ phát triển nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn bình quân NHTM khoảng từ 1,5- 2%. Hay gói tín dụng 370.000 tỷ của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước; gói tín dụng hơn 450.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh của hơn 20 ngân hàng.
Cùng với đó, Nghị quyết số 10/NQ-CP về tín dụng bất động sản, giải ngân gói hỗ trợ lãi suất giảm 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng đã ban hành văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 chỉ đạo tạo điều kiện cho chủ đầu tư và người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng; lãi suất vay mua nhà tiếp tục giảm thêm từ 1% (Techcombank dự kiến giảm 1% lãi suất từ 15/4/2023...) cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua trong tháng 10/2023.
Về nhà ở xã hội, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi rà soát các vướng mắc, Thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để có thể cung cấp rõ ràng các bước cho các cơ quan hành chính, giúp Thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành trong giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
"Vừa qua, thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ. Để người lao động thu nhập thấp tiếp cận được các căn nhà ở xã hội, các cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để kéo giảm giá bán. Mặt khác, Sở Xây dựng cũng sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai dành cho người lao động thu nhập thấp", ông Phạm Đăng Hồ nói.
Người lao động có thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội/Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Liên quan đến đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, trong khi Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi 5%/năm (áp dụng cho năm 2023), và được vay ưu đãi với thời hạn tối đa 25 năm theo quy định của Luật Nhà ở 2014, thì "Đề án" đã có giải pháp tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để bố trí Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5- 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, Hiệp hội rất hoan nghênh Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Về lâu dài, để đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi, dài hạn và huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội thật căn cơ, hiệu quả, hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, HoREA mong muốn Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét xây dựng hoàn thiện chính sách tín dụng về phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, xác định việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là một hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của địa phương.
Sửa đổi, bổ sung quy định về các nguồn vốn cho phát triển nhà ở thông qua quy định về nguồn vốn mới và tối ưu hóa các nguồn vốn hiện hành nhằm hạn chế phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; theo hướng: bổ sung thêm việc huy động vốn từ quỹ đầu tư phát triển địa phương để phát triển nhà ở xã hội, giới hạn mục đích sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, bổ sung hình thức huy động vốn từ nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội.
Người dân khó tiếp cận nhà ở xã hội do đâu?
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển phân khúc này, khiến nguồn cung trên thị trường không thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu hiện tại. Do đó, Nhà nước cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội. Đồng thời, linh hoạt, không quy định cụ thể đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Đầu tháng 4, Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp từ nay đến năm 2030. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn về gói vay 120.000 tỷ đồng cho NƠXH. Theo đó, từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân; còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm, trong 5 năm.
Đón nhận thông tin này, trao đổi với PV, chị Thu Chung (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đây là tín hiệu tốt cho người dân mua NƠXH nhưng việc mua nhà ở xã hội ở Hà Nội vẫn là ước mơ xa vời. Sau 10 năm làm việc, chị Chung tích cóp được khoảng 600 triệu đồng nhưng tìm hiểu thông tin thì hầu như dự án NƠXH đang mở bán giá cao không hợp với người lao động có thu nhập thấp, như dự án nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm được mở bán lần đầu với giá 19 triệu đồng một m2 - mức cao nhất từ trước đến nay,chưa kể lãi suất 8,2%/năm là mức quá cao.
“Thu nhập của tôi là 10 triệu đồng/tháng. Tiền tích cóp 600 triệu đồng sẽ dùng đóng tiền các đợt đầu, còn lại tôi vay khoảng 1 tỷ đến 1,4 tỷ đồng. Với lãi suất 8,2%/năm thì tôi phải trả gần 14 triệu đồng/tháng, vượt quá thu nhập của mình”, chị Chung nói.
“Nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua NƠXH phải vay với lãi suất thương mại bình thường, và đây sẽ càng là gánh nặng cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại để xây dựng hoàn thiện cơ chế này cho hợp lý hơn”, chị Chung cho biết thêm.
Khác với chị Chung, anh Vũ Xuân Tiệp, ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội đã tiếp cận được dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, anh Tiệp vẫn lo ngại khi không vay được tiền để thanh toán tiền nhà theo tiến độ. Anh Tiệp chia sẻ: “Sau khi đóng 20% giá trị căn hộ đã mua sau khi ký hợp đồng mua nhà, tôi nhận được thông báo đóng nốt số tiền mua nhà còn lại từ chủ đầu tư. Tuy đã tiến hành ký hợp đồng 3 bên cùng với ngân hàng và chủ đầu tư nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa thể vay được tiền từ ngân hàng do căn hộ tôi đã mua vẫn đang bị chủ đầu tư thế chấp! Như vậy, ngoài việc không thể vay tiền để thanh toán vào dự án, tôi còn phải chịu thêm khoản lãi suất từ phía chủ đầu tư tính do chậm nộp tiền theo tiến độ?! Đề nghị các cơ quan quản lý cần làm rõ việc này, thay bằng hỗ trợ, chúng tôi đang gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp cận với việc mua NƠXH? mà lỗi chính là do phía chủ đầu tư”.
Lãi xuất vay mua nhà ở xã hội vẫn ở mức cao/Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Liên quan đến việc vay mua nhà ở xã hội lãi suất cao, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành khẳng định, rủi ro rất lớn cho người dân mua nhà với lãi suất 8,2% trong 5 năm đầu và sau đó lãi suất quay về tình huống tự thương lượng với ngân hàng.
Do đó, ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ xem xét lại, mở ra một gói tín dụng đặc thù cho vay nhà ở xã hội có hỗ trợ lãi suất từ Nhà nước với mức lãi suất 5% một năm cố định trong thời gian dài.
Theo ông Nghĩa, so với điều kiện bình thường của phân khúc NƠXH, mức lãi vay 8,2% rất cao và không hề ưu đãi cho phân khúc nhà ở giá thấp. Về hứa hẹn mức lãi suất mới sẽ công bố 6 tháng một lần và có thể điều chỉnh xuống thấp hơn do Chính phủ đang điều hành hạ lãi suất, cũng không thể hỗ trợ được bao nhiêu. Lý do thời gian điều chỉnh này chỉ là ngắn hạn và sẽ thay đổi sau nửa năm, trong khi người mua NƠXH cần chính sách lãi vay ổn định, dài hạn và mức lãi suất phải thấp khoảng 5% trở xuống.
Qua những phản ánh trên, có thể thấy người dân đang gặp phải rất nhiều khó khăn khi thực hiện việc mua nhà và vay vốn để mua nhà ở xã hội hiện nay.
Huy Tùng
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo