Gỡ khó cho thu ngân sách: Truy nguồn thu từ FDI
Năng lượng Mới số 389
Mỡ để miệng mèo!
Với việc đóng góp tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và trên 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, khu vực FDI được đánh giá là một thành phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) chân chính, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, thuế thì có không ít DN lại tìm mọi cách lách luật, trốn tránh nghĩa vụ này. Bức tranh FDI vì thế còn mang nhiều những gam màu tối và chuyển giá, trốn thuế chính là một trong những gam màu đó. Điều này càng đáng lo ngại hơn khi thời gian gần đây, một loạt các nghi vấn chuyển giá, trốn thuế được cơ quan thuế làm rõ với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
Kết quả thanh tra của ngành thuế cho thấy, nhiều thiết bị, dây chuyền cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường đã được các DN thổi giá để đưa vào chi phí đầu tư nhằm trốn thuế. Ví như trường hợp của Keangnam, Công ty Keangnam Vina - chủ đầu tư Tòa nhà Keangnam đã đăng ký lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, công ty ký hợp đồng chìa khóa trao tay với bên liên kết là nhà thầu nước ngoài để xây dựng các hạng mục công trình với giá rất cao rồi báo cáo lỗ lớn để không nộp thuế thu nhập DN.
TS Lê Đăng Doanh
Tính từ năm 2011, khi tòa nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.000 tỉ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn. Và theo những thông tin được cơ quan thuế đưa ra thì số lỗ này lại được chính Keangnam Vina “đạo diễn” khi bỏ ra số tiền lớn hơn mức bình thường, sẵn sàng vay những khoản vay có với lãi suất cao hơn nhiều lần lãi suất thị trường để triển khai dự án Tòa nhà Keangnam. Giá trị hợp đồng chìa khóa trao tay mà Keangnam Vina đã ký với Keangnam Enterprise - người anh em ruột của Keangnam Vina được nâng lên mức 871 triệu USD chứ không phải 699 triệu USD như theo kết quả thanh tra của ngành thuế.
Trong khi đó, Keangnam Enterprise với hợp đồng quá hời này đã kiếm được khoản lợi nhuận không nhỏ và cũng chỉ phải đóng thuế nhà thầu cho Việt Nam với mức thấp hơn nhiều so với mức 25-28% theo quy định về thuế thu nhập DN. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, việc Keangnam Vina bắt tay với Keangnam Enterprise nâng giá trị hợp đồng xây dựng, Keangnam Vina đã chuyển một khoản lợi nhuận không nhỏ về Hàn Quốc.
Trao đổi với báo chí về hiện tượng này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho hay, để xác định hành vi, thủ đoạn chuyển giá không hề đơn giản. Lực lượng thanh tra phải mất nhiều thời gian để tổng hợp, phân tích cho ra các dữ liệu so sánh độc lập. Đó không chỉ đơn thuần thông qua việc kiểm soát giá nguyên, nhiên liệu đầu vào mà cần phải được thực hiện, đánh giá qua nhiều bước, nhiều khâu. Sau khi tìm ra được các mức giá phi lý, không đúng với thị trường rồi áp mức giá mới vào và buộc DN phải chấp nhận. Tuy nhiên, có một thực tế, các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia đều lọc lõi, kinh nghiệm. Họ luôn có một đội ngũ luật sư, chuyên gia tài chính giỏi tư vấn trong lĩnh vực thuế theo hướng có lợi nhất cho DN. Trong khi đó, lực lượng thanh tra thuế chuyên ngành lại quá mỏng, sự phối hợp trong chống chuyển giá giữa các bộ, ngành còn lỏng lẻo.
Theo một kết quả khảo sát do Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hiệp Quốc (UNIDO) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, DN FDI lại đang nhận được rất nhiều ưu đãi từ các địa phương. Cụ thể, qua khảo sát 1.426 DN FDI trong lĩnh vực sản xuất, có tới 97% DN ở Vĩnh Phúc, 79% ở Hà Nội, 72% ở Đồng Nai, 65% ở Bắc Ninh trả lời là họ được nhận ưu đãi tài chính của chính quyền địa phương.
Chúng ta dành ưu đãi cho các DN FDI là nhằm thu hút nguồn vốn, khoa học công nghệ nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng, chỉ khoảng 5-6% DN FDI đưa công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Theo UNIDO, các DN FDI sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu nhiều hơn DN Việt Nam nhưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp.
Không chỉ đóng góp hạn chế vào nền kinh tế, việc các DN FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi còn gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, làm biến dạng hệ thống thuế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra đầu năm 2014 cho thấy, các chính sách ưu đãi đầu tư với khu vực FDI đã tiêu tốn của 0,7% GDP của Việt Nam.
Thay đổi để phát triển
Việt Nam đang phải trả cái giá khá đắt để thu hút FDI và theo TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, ở những giai đoạn trước, khi nền kinh tế còn khó khăn, thiếu vốn, công nghệ thì lạc hậu. Tuy nhiên, khi chúng ta đã có bước phát triển nhất định và đặc biệt, việc tham gia các Hiệp định thương mại quy định thời gian, lộ trình cắt giảm thuế thì cần phải xem lại. Việc các DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi vô hình trung tạo ra lợi thế tăng năng lực cạnh tranh nhờ giảm giá thành sản phẩm. Trong khi đó, DN trong nước lại không được hưởng ưu đãi hoặc ưu đãi rất thấp, rất tới khả năng cạnh tranh kém và nguy cơ về một nền kinh tế phát triển phụ thuộc vào DN nước ngoài là hiện hữu. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tính toán lại các ưu đãi trong thu hút đầu tư FDI, không nhất thiết phải đạt bằng được mà cần lấy yếu tố hiệu quả để đánh giá.
Một góc Tòa nhà Keangnam Landmark 72
Còn TS Lê Đăng Doanh thì thẳng thắn đưa quan điểm, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế cộng với những ưu đãi cho các DN FDI không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách mà còn tình trạng này cũng tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với các DN trong nước, vì các DN trong nước có quy mô nhỏ hơn, nguồn vốn ít hơn, nhưng lại không được ưu đãi như các DN FDI về mặt bằng, tiền thuê đất… Chính vì vậy, trong tình trạng ngân sách rất căng thẳng hiện nay, việc thu đúng, thu đủ là hết sức cần thiết, cho nên cần huy động đúng luật đối với các DN FDI và tạo ra một mặt bằng cạnh tranh bình đẳng hơn đối với các DN trong nước.
Các chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng phải có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt trong việc quản lý kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu để chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, cấp phép cho dự án đến quá trình thực hiện và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hay thu thuế thực hiện dự án. Những vi phạm của DN FDI phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo pháp luật, không thể có sự nhân nhượng. Đặc biệt, ngành thuế cần sớm xây dựng và hoàn thiện một hệ thống dữ liệu đa dạng, đầy đủ để đối chiếu với mức giá mà công ty mẹ - con của DN FDI liên kết với nhau trong nội bộ. Đội ngũ cán bộ thuế cần được đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi gian lận.
“Việt Nam cần có nghiên cứu tổng kết các biểu hiện, các phương pháp, các hình thức chuyển giá và trốn thuế thu nhập DN, tổ chức hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của các nước có trụ sở của công ty mẹ để có biện pháp phòng ngừa, bổ sung sửa đổi những quy định pháp luật bảo đảm thu đúng, thu đủ đối với DN FDI. Và để thực hiện được điều này, chúng ta phải tiếp cận được với những số liệu mà công ty mẹ báo cáo với nước chủ nhà, có phân tích, đối chiếu với những số liệu của chi nhánh hoạt động ở Việt Nam để phát hiện ra những lỗ hổng như nâng giá đầu vào, dìm giá sản phẩm đầu ra của chi nhánh ở Việt Nam, phân bổ những chi phí không hợp lý về quảng cáo và quản trị để tạo ra tình trạng thua lỗ nhiều năm. Ngoài ra, cần điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm việc xem xét lại các mức thuế suất áp dụng cho đối tượng liên quan, điều chỉnh thuế thu nhập DN theo tương quan với các nước đối thủ cạnh tranh chính. Bên cạnh đó, cần công khai chính sách thuế trong những năm tiếp theo, áp dụng cơ chế tạo thuận lợi cho việc định giá trước, đồng thời, điều chỉnh chính sách thuế theo hướng ổn định, lâu dài để DN có thể yên tâm lên kế hoạch kinh doanh trong thời gian trung và dài hạn” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Rõ ràng là, câu chuyện FDI không đơn thuần là vấn đề chuyển giá, trốn thuế mà còn là những bất cập trong chính sách thu hút đầu tư. Với ưu đãi “vượt khung” cộng với những chiêu trò chuyển giá, trốn thuế ngày càng phức tạp, tinh vi sẽ là cơ hội để các DN FDI trục lợi, kiếm lời. Trong khi đó, đóng góp vào nền kinh tế lại hạn chế, thậm chí là mầm họa của sự bất ổn!
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 25/10: Thu ngân sách cả năm 2024 ước tăng trên 10%
-
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong 9 tháng năm 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 3/10: Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 29/9: Thu hút FDI là điểm sáng kinh tế Việt Nam 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 27/9: Đề xuất 3 ngưỡng không phải chịu thuế giá trị gia tăng
-
Tin tức kinh tế ngày 30/10: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Động lực nào khiến giá vàng tăng "phi mã"?
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm
-
VPI dự báo giá xăng giảm, giá dầu tăng trong kỳ điều hành ngày 31/10