Giáo dục giới tính ở bậc tiểu học: Sớm hay muộn?
Cân nhắc thời điểm
Tại Hội thảo “Đảm bảo bình đẳng giới trong chương trình giáo dục phổ thông” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 28-8, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: Nội dung bình đẳng giới và giáo dục giới tính sẽ được chú trọng trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đặc biệt, ở chương trình phổ thông mới, kiến thức về giáo dục sinh sản, tình dục, sinh dục sẽ được đưa vào sách giáo khoa từ lớp 4 (sớm hơn chương trình hiện hành 1 năm).
Đây vốn là những nội dung nhạy cảm. Trong nhiều trường hợp, giáo viên, phụ huynh còn ngần ngại, thậm chí đỏ mặt khi đề cập đến những nội dung này trong các bài giảng về giới tính. Về phía học sinh, thời điểm để các em có thể tiếp nhận được những nội dung này trở thành vấn đề đặc biệt đáng quan tâm. GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Dư luận xã hội còn hai luồng quan điểm trái chiều về thời điểm giáo dục giới tính cho học sinh. Đưa muộn thì học sinh thiếu kiến thức, mờ mịt về sức khỏe sinh sản và giới tính; đưa sớm thì dễ “vẽ đường cho hươu chạy”.
Cũng theo Tổng chủ biên chương trình GDPT tổng thể, bây giờ trẻ em lớp 4 cũng đã lớn rồi, nhất là trẻ em ở đô thị. Do đó, nhu cầu được giáo dục về giới tính là quan trọng, rất cấp thiết và nên dạy… Còn cách chúng ta dạy thế nào cho hiệu quả là việc khác. Ví dụ, có thể có nội dung dạy chung, có nội dung tách nam - nữ riêng để dạy để dạy được sâu hơn.
Cô Mai Thị Hiền - Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, có con đang theo học lớp 5 cho biết: “Bé đã có những câu hỏi vu vơ về giới tính từ khi còn rất nhỏ. Trước kia tôi thường im lặng hoặc tránh những thắc mắc của con vì không biết trả lời thế nào cho ổn. Thậm chí, tôi phải lên mạng tìm hiểu cách dạy về giới tính, để có thể giải đáp cho con một cách tốt nhất, mà không bị lạm dụng”.
Nâng cao hiệu quả truyền đạt từ phương pháp dạy
Giáo dục giới tính đang trở thành một vấn đề quan trọng trong quá trình giáo dục học sinh. Đặc biệt những năm gần đây, khi độ tuổi dậy thì của trẻ ngày một sớm, đồng thời xã hội có những diễn biến phức tạp khi tình trạng xâm hại tình dục trẻ ngày càng nhiều. Khi không có những kiến thức cơ bản về giới tính, trẻ sẽ loay hoay, khó khăn để bảo vệ bản thân mình.
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Trung tâm Ứng dụng và Bồi dưỡng tâm lý - giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP HCM, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường nêu quan điểm: Cần giáo dục giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu từ 2, 3 tuổi, khi mà trẻ đã tự nhận thức được mình là trai hay gái, phân biệt mình với người khác. Trên thế giới, các nước bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ từ tuổi mầm non, chẳng hạn như Thụy Điển là 3 tuổi, Hà Lan là 4 tuổi. Như vậy, lớp 4 chúng ta mới dạy kiến thức về giới tính cho trẻ là hơi trễ!
Trước nhiều ý kiến, tranh luận cho rằng, việc dạy nội dung nhạy cảm, tế nhị của giới tính cho học sinh bậc tiểu học là chưa cần thiết, không nên “vẽ đường cho hươu chạy”, “trẻ lớn lên khắc biết”, Thạc sĩ Huân nhận định: “Quan điểm này đã không còn phù hợp nữa, khi trẻ đang sống trong một xã hội mở, công nghệ phát triển nhanh chóng, một cú nhấp chuột, một cái chạm trên điện thoại đã có thể giúp trẻ tiếp cận với vô số thông tin, vấn đề, trong đó bao gồm cả các nội dung liên quan đến giới tính. Né tránh, cấm đoán trẻ làm điều gì đó, càng kích thích trí tò mò, khám phá của chúng hơn mà thôi. Mấu chốt nằm ở cách người lớn tiếp cận vấn đề với thái độ nào: Cởi mở - tinh tế hay dè dặt - ngại ngùng? Câu nói quen thuộc tôi vẫn hay chia sẻ với giáo viên, phụ huynh trong các chương trình giáo dục giới tính nói chung, phòng tránh xâm hại tình dục nói riêng là hãy thêm 2 từ “chạy đúng” vào câu “vẽ đường cho hươu chạy”, mọi thứ sẽ khác đi!”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội: “Chúng ta cứ loay hoay mãi, còn nhiều bất cập về giới trong chương trình giáo dục. Nếu không tăng tốc, quyết liệt trong giai đoạn này thì mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam bị bỏ rất xa”. Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân: “Phụ huynh hãy tự trang bị cho mình kiến thức về giới tính một cách bài bản, phương pháp truyền đạt, giáo dục con trẻ sao cho thu hút, thú vị mà vẫn đảm bảo tính tự nhiên, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Tôi nghĩ khi dạy bất kỳ điều gì cũng vậy, không riêng vấn đề giới tính, chúng ta phải đặt hết tâm sức của mình vào từng bài giảng”. |
Thiên Minh - Đinh Hương
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị