Báo động tình trạng mang thai vị thành niên
PV: Thưa bà, theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 ca nạo hút, phá thai trong đó có 60-70% là trẻ vị thành niên. Từ con số này, là một chuyên gia, bà đánh giá thế nào về hiệu quả phổ biến kiến thức về SKSS cho học sinh hiện nay?
ThS Nguyễn Thị Bích Lại: Trước đây gần như không có phụ huynh nào muốn cho con em có nhận thức về SKSS vì cho rằng, việc tuyên truyền vấn đề nhạy cảm này là một hình thức “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhiều phụ huynh vẫn còn giữ quan điểm lạc hậu, không muốn cho con tiếp xúc hoặc thấy không cần thiết phải giảng dạy cho các con về vấn đề SKSS do tâm lý sợ các con bị chi phối. Còn nhiều thầy, cô cũng cho rằng các học sinh rất ngoan, không có vấn đề yêu đương gì nên cần dành thời gian để cho các con tập trung vào việc học. Có một thực tế đang diễn ra là cứ sau mỗi dịp lễ, tết, nghỉ hè là lại có thêm những trường hợp mang thai ở trẻ vị thành niên. Trong đó có trường hợp tôi đã từng biết là có tới 8 em đang theo học cấp 2 của một trường có thai sau kỳ nghỉ hè dẫn đến việc học bị gián đoạn.
Học sinh rất hào hứng trong các buổi giáo dục SKSS nhưng do thiếu chuyên gia nên nhiều nơi chưa được tiếp cận với kiến thức về SKSS
Nhưng cũng có nhiều thầy, cô hiệu trưởng chủ động liên hệ với trung tâm để đặt lịch cho học sinh theo học, thậm chí có trường như Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã mời chuyên gia về giảng dạy rất kỹ lưỡng về SKSS cho 3.000 học sinh. Tôi thấy, quan điểm về SKSS đối với nhiều phụ huynh còn đang ở phạm vi suy nghĩ “hẹp” rằng những kiến thức đó chỉ loanh quanh trong phạm vi về QHTD. Thực tế, SKSS là cả một hệ thống kiến thức trong đó có 5 nội dung chính: sự phát triển tâm sinh lý tuổi dậy thì, tình bạn khác giới và tình yêu tuổi học trò, vấn đề phòng tránh xâm hại tình dục, hậu quả và cách phòng tránh việc QHTD sớm và có thai ngoài ý muốn, các biện pháp phòng tránh thai và phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục. Không phải ai cũng biết tất cả nội dung này, nên các phụ huynh thờ ơ với việc cho con tìm hiểu về SKSS.
PV: Theo bà, việc tuyên truyền và giảng dạy về SKSS cho học sinh trong nhà trường hiện nay gặp những khó khăn gì?
ThS Nguyễn Thị Bích Lại: Khó khăn lớn nhất là không có nhiều chuyên gia có đủ kiến thức, kinh nghiệm và khả năng để theo đuổi công việc này. Khó khăn về tài chính, cũng như thiếu tâm huyết với nghề làm cho nhiều chuyên gia từ bỏ nghề để tìm nghề mới. Các thầy, cô giáo trong trường như giáo viên bộ môn sinh học, giáo dục công dân hoặc cán bộ y tế trong nhà trường chưa được trang bị các kiến thức về SKSS nên việc truyền đạt kiến thức tới các em không có hiệu quả. Ví dụ như bộ môn sinh học có giảng dạy về sinh lý của các giới nhưng đó là cách nói khoa học, thiếu thực tế nên các em tiếp nhận kiến thức một cách khiên cưỡng. Hơn nữa phạm vi kiến thức này rất rộng, nếu chỉ giảng dạy trong một vài tiết học thì không đủ đáp ứng những kiến thức cần biết về SKSS cho các em.
Đối với học sinh, làm thế nào để truyền đạt cho những đối tượng còn nhỏ tuổi có thể hiểu được về SKSS là cả một bài toán khó. Nếu nói quá “sỗ sàng” thì các em sẽ ngượng. Nếu vì ngượng mà nói không đúng thì lại gây ra sự hiểu sai đối với học sinh. Có rất nhiều thầy, cô giáo chia sẻ với tôi rằng, họ cũng rất “ngượng” khi các em cười phá lên trước vấn đề mình nêu ra. Chính vì thế, họ dùng những từ nói giảm, nói tránh để hạn chế tình trạng này. Hiện nay, có nhiều em học sinh ở vùng cao khi tới giảng dạy làm tôi rất ngạc nhiên khi các em vẫn còn nghĩ rằng: “Trẻ em sinh ra từ… nách” nên chỉ cần bảo vệ nách thôi. Điều đó có thể thấy rằng, việc truyền đạt sai kiến thức cho trẻ sẽ có tác hại như thế nào.
Nhiều sản phụ đang ở độ tuổi vị thành niên
PV: Ở nhiều nước, việc giảng dạy SKSS được chia lớp cho học sinh nam riêng, nữ riêng nhưng ở nước ta vẫn dạy chung. Dưới góc độ một chuyên gia, bà thấy hình thức giảng dạy chung về những kiến thức nhạy cảm này có phù hợp hay không?
ThS Nguyễn Thị Bích Lại: Thực tế chúng ta đang giảng dạy SKSS chung cho cả nam và nữ là do khó khăn về tài chính và thiếu chuyên gia. Trung bình một chuyên gia phải giảng dạy 200-300 học sinh trong mỗi buổi. Nếu phân chia ra thì các em sẽ thoải mái thắc mắc ngay tại lớp học để các giáo viên giải đáp nhưng sẽ phải giảng dạy nhiều lần. Còn phương pháp dạy chung thì cùng lúc có thể giảng cho giới này về kiến thức SKSS của giới kia. Các em nam cũng cần phải biết về sự thay đổi tâm, sinh lý của các bạn nữ và ngược lại...
PV: Vậy trong trường hợp các em có thắc mắc thì sẽ phải làm thế nào, thưa bà?
ThS Nguyễn Thị Bích Lại: Cứ sau mỗi buổi giảng dạy, tôi lại cho các em viết thắc mắc vào giấy và gửi lên để tôi giải đáp. Cách này rất hiệu quả bởi các em sẽ không ngượng. Một số em có thắc mắc cũng chủ động gọi điện thoại hoặc nhắn tin để tôi giải đáp. Vì tâm lý của các em học sinh là có rất nhiều lo lắng, nhưng không biết hỏi ai, nhờ ai giải đáp. Trẻ vị thành niên có rất nhiều thắc mắc tuổi mới lớn cần được chia sẻ và thấu hiểu. Chính vì vậy nên khi có giáo viên về dạy, giải đáp những thắc mắc sẽ khiến các em thoải mái.
PV: Tỷ lệ trẻ vị thành niên mang thai ở Việt Nam hiện đứng đầu các nước Đông Nam Á và thứ 5 thế giới, cho thấy phương pháp giảng dạy SKSS hiện nay chưa phù hợp, hoặc đã thực hiện nhưng không hiệu quả. Theo bà cần có những biện pháp nào để nâng cao chất lượng giáo dục SKSS trong và ngoài nhà trường?
ThS Nguyễn Thị Bích Lại: Trước tình hình thiếu chuyên gia giảng dạy SKSS hiện nay, tôi nghĩ kiến thức về SKSS trong nhà trường cần được chú trọng hơn. Các thầy, cô giáo bộ môn sinh học và giáo dục công dân cũng như các cán bộ y tế của nhà trường nên được tập huấn về SKSS để có thể trực tiếp giảng dạy cho các em. Đối với các bậc cha mẹ cũng cần phải trang bị các kiến thức và kỹ năng để giúp đỡ các con. Trung tâm Phát triển kỹ năng xã hội cũng có mở các lớp đào tạo dành cho các bậc phụ huynh đào tạo các kỹ năng: thấu hiểu thông cảm cho sự phát triển của lứa tuổi, hướng dẫn cách trò chuyện và làm bạn với con, hỗ trợ các con trong tuổi dậy thì, cách giải quyết các tình huống (đề phòng những trường hợp rủi ro).
Về phía các chuyên gia, cần phải nâng cao kiến thức giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và kỹ năng sống để làm tăng khả năng tiếp thu của học sinh. Nếu cứ giảng dạy cứng nhắc thì việc giảng dạy không thu được hiệu quả bởi lứa tuổi vị thành niên khá nhạy cảm, cần có sự răn đe nhưng vẫn phải mềm mỏng, nhẹ nhàng. Bên cạnh việc dạy lý thuyết thì các hình thức sinh hoạt đan xen như: diễn đàn, cuộc thi, ca hát… sẽ càng làm cho học sinh thêm hứng thú tham gia vào lớp học. Quan trọng hơn cả là bản thân các em phải tự ý thức được hậu quả của việc có thai và phá thai vị thành niên. Trước khi chờ đợi những chuyển biến tích cực từ các chính sách giáo dục, mỗi bạn trẻ nên tự trang bị cho mình các kiến thức về SKSS và tình dục cũng như tự ý thức bảo vệ mình trước những cuộc “yêu sớm” để tránh những sự hối tiếc muộn màng.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Hồng Nhung
-
Nhiều địa phương miễn 100% học phí cho học sinh các cấp
-
Tặng hơn 1,7 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên toàn quốc
-
Startup Kite 2024: Thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
-
Định hướng nghề nghiệp 2024: Cùng bạn chọn nghề cho tương lai
-
Truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên khát vọng khởi nghiệp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng
-
[Chùm ảnh] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm và làm việc tại huyện đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị
-
Luật Điện lực (sửa đổi): Các khoảng trống pháp lý cần được lấp đầy và bổ sung theo tinh thần NQ55 và KL76
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp