Giải mã hiện tượng “phi mã” của vàng
Ảnh minh họa. |
Ghi nhận của PetroTimes, chốt phiên giao dịch hôm nay (4/7), giá vàng SJC được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh là 36,35 – 36,90 triệu đồng/lượng và tại Hà Nội là 36,35 – 36,92 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Mức giá này so với giờ mở cửa thị trường sáng nay đã tăng tới 750.000 đồng ở chiều mua và 900.000 đồng ở chiều bán.
Trên thị trường thế giới, ghi nhận theo giờ Việt Nam, giá vàng cũng tăng từ 1.345,46 USD/Ounce lên mức 1.353,22 USD/Ounce, xác lập mức giá cao nhất trong 18 tháng gần đây.
Việc giá vàng trong phiên giao dịch ngày 4/7 tiếp tục tăng mạnh là điều đã được giới đầu tư, các chuyên gia tài chính, giới phân tích toàn cầu dự liệu từ trước. Những hệ lụy từ việc Anh rời EU cũng như diễn biến không mấy tích cực từ các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU, cộng với đó là khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày càng xa khiến thị trường tài chính toàn cầu đứng trước những rủi ro rất lớn.
Một phân tích trên DailyForex đã chỉ ra rằng, thông tin về báo cáo việc làm mới của Hoa Kỳ chỉ đạt 38.000 trong tháng 5 trong khi dự báo đưa ra trước đó là 154.000 đã cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn trong giai đoạn khó khăn. Bức tranh kinh tế không mấy lạc quan của Hoa Kỳ đã đẩy lùi khả năng tăng lãi suất của FED trong tháng 7 như dự báo trước đó. FED không thể tăng lãi suất vì phải thực thi chính sách kích cầu nền kinh tế.
Sau diễn biến trên, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến phiên giảm điểm mạnh do giới đầu tư lo ngại “sức khỏe” của nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tác động tiêu cực đến các thị trường khác. Chạy khỏi thị trường chứng khoán, giới đầu tư tài chính toàn cầu đã nhanh chóng đưa dòng vốn đổ vào vàng – kênh đầu tư vốn dĩ được biết đến là có độ an toan cao hơn cả nhưng khả năng sinh lời thấp. Giá vàng vì thế liên tục tăng cao hồi đầu tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, đó chưa phải hồi kết của thị trường tài chính, trong khi những kỳ vọng về khả năng phục hồi của các kênh đầu tư khác như chứng khoán, dầu mỏ, khí đốt, khai khoáng... vẫn hết sức hạn chế thì thông tin người Anh chọn rời EU đã giáng một đòn mạnh vào tâm lý của giới đầu tư toàn cầu. Dòng vốn chảy mạnh khỏi các thị trường chứng khoán, dầu mỏ, khí đốt... và đổ vào vàng. Điều này được phân tích là do những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế hậu sự kiện Anh rời EU.
Daniel Hynes – một chuyên gia về chiến lược hàng hóa của Ngân hàng ANZ cách đây không lâu khi đưa nhận định về giá vàng đã cho rằng, giá vàng thời gian tới có thể lên tới 1.400 USD.
Theo Daniel Hynes, có 2 yếu tố có thể thổi bùng giá vàng là những bình luận của Chủ tịch FED, bà Janet Yellen và chính sách tiền tệ nới lỏng đang được thực thi tại nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới đó là Nhật Bản, châu Âu và kết quả cuộc trưng cầu dân ý để nước Anh rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) – cuộc trưng cầu mà theo Hynes sẽ là bước ngoặt đối với vàng khi nó có thể đẩy giá vàng lên tới 1.400 USD/Ounce.
Phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs cũng chỉ ra một thực tế, nền kinh tế Hoa Kỳ - nền kinh tế có khả năng tác động lớn đến hầu hết các nền kinh tế toàn cầu – hiện vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là từ đầu năm đến nay, mặc dù đã có tới 3 lần có thể tăng lãi suất nhưng FED đã không thực hiện. Việc FED có thực hiện việc điều chỉnh này trong 6 tháng còn lại của năm hay không hiện vẫn là ẩn số và nếu nó được thực hiện thì cũng chưa biết sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu. Chính những lo ngại này đã đẩy giá vàng tăng mạnh như thời gian qua và cùng với hiệu ứng cộng hưởng Brexit, dòng vốn chảy vào vàng để trú ẩn đang tăng mạnh.
Đề cập đến câu chuyện này, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, diễn biến kinh tế Hoa Kỳ không được như kỳ vọng, khả năng tăng lãi suất của FED bị đẩy lùi và đặc biệt là việc Anh rời EU đã kéo triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu xuống mức thấp. Chính điều này đã đẩy thị trường tài chính – chứng khoán toàn cầu trước những nguy cơ rủi ro lớn. Chuyện giới đầu tư toàn cầu tìm cách tháo chạy khỏi những thị trường như chứng khoán, tài chính... và đưa dòng vốn đầu tư vào vàng là điều dễ hiểu. Và đây chính là nguyên nhân khiến giá vàng tăng mạnh như thời gian vừa qua.
Dưới một góc nhìn khác, TS Nguyễn Minh Phong đưa phân tích, việc Ngân hàng Nhà nước thực thi các chính sách chống “vàng hóa”, chống đầu tư, thao túng thị trường khi là nhà nhập khẩu, sản xuất vàng miếng duy nhất... đã giúp giá vàng trong nước liên thông hơn với giá vàng thế giới. Việc giá vàng trong nước tăng mạnh trong mấy phiên giao dịch gần đây cũng phản ánh tâm lý chung của giới đầu tư toàn cầu là đưa dòng vốn đầu tư trú ẩn vào vàng. Điều này trước hết là giảm thiểu rủi ro đối với dòng vốn nhưng đồng thời cũng là cách để sinh lời khi hầu hết các dự báo cũng như diễn biến thị trường đều cho thấy khả năng giá vàng tiếp tục tăng là rất cao.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng xu hướng tăng giá của vàng thời gian gần đây chủ yếu do yếu tố tâm lý. Giới đầu tư toàn cầu trốn chạy khỏi các thị trường chứng khoán, tài chính... cũng vì lo ngại khả năng phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, rủi ro về một cuộc khủng hoảng hậu Brexit... Còn trong nước, vàng tăng trước hết là do giá thế giới nhưng sau đó phải nói là tâm lý đám đông đã đẩy nhu cầu vàng trong nước tăng cao và kéo theo đó là giá vàng tăng mạnh như những ngày qua.
Thanh Ngọc
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 17/10: Việt Nam xuất khẩu gần 1,3 triệu tấn phân bón trong 9 tháng
-
Giá vàng hôm nay (17/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024