Giá vàng hôm nay 3/9: Cố thủ quanh ngưỡng nhạy cảm 1.200 USD/Ounce
Ghi nhận của Petrotimes, đầu phiên giao dịch ngày 3/9, theo giờ Việt Nam, vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.200,59 USD/Ounce, tăng nhẹ 1 USD/Ouce so với giá chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (phiên giao dịch ngày 31/8). Tuy nhiên, nếu so với giá chốt phiên giao dịch ngày 30/8, vàng thế giới đã giảm khoảng 6 USD/Ounce.
Trong khi đó, vàng thế giới giao tháng 12 trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ghi nhận lúc17:15:37 (giờ CT ngày 2/9) ở mức 1.206,2 USD/Ounce, giảm 0,5 USD/Ounce so với lúc 16:37:18 (giờ CT, ngày 31/8).
Hiện vàng thế giới đã giảm 102 USD/Ounce so với thời điểm đầu năm 2018 (ngày 1/1/2018). Quy đổi theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới có giá 33,64 triệu đồng.
Vàng thế giới giảm trong bối cảnh rủi ro thương mại toàn cầu lên cao hơn bao giờ hết khi thông tin về việc Tổng Donald Trump có thể sẽ áp thuế bổ sung thêm 200 tỷ USD với hàng hoá Trung Quốc được phát đi.
Tâm trạng lạc quan, phấn khích của giới đầu tư sau khi Mỹ và Mexico đồng ý về một thoả thuận thương mại cũng như những kỳ vọng một thoả thuận tương tự giữa Mỹ và Canada cũng nhanh chóng bị chìm xuống, thay vào đó là tâm lý lo lắng bao phủ các thị trường bên ngoài nước Mỹ.
Trong khi kinh tế toàn cầu đã và đang chịu những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại và tình hình địa chính trị toàn cầu thì theo những công bố mới nhất, GDP quý II/2018 của Mỹ lại tăng trưởng ấn tượng, ở mức 4,2%, cao hơn so với ước tính 4% trước đó của các chuyên gia. Niềm tin tiêu dùng tại nước Mỹ đứng ở mức cao nhất 18 năm cũng góp phần giúp USD tăng.
Chỉ số USD Index, chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chính khác, ghi nhận trên vn.investing.com chốt phiên 31/8 tăng 0,41%, ở mức 95,05 điểm, mức tăng kỷ lục của đồng USD trong 1 phiên nhiều năm nay.
Trong phiên giao dịch ngày 30/8, đồng Peso Argentina đã mất gần 12% giá trị cho dù Ngân hàng trung ương Argentina nâng lãi suất lên mức cao nhất thế giới 60% để hỗ trợ tỷ giá. Trong khi tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng Lira vẫn duy trì xu hướng giảm mạnh từ đầu năm nay, mất gần 3% trong phiên ngày 30/8. Đây cũng là phiên giảm thứ tư liên tiếp của đồng Lira.
Tại khu vực châu Á, đồng Rupee của Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD trong ngày 31/8, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên hơn 11%. Đồng Rupiah hiện đứng ở mức thấp nhất trong gần 3 năm.
Chỉ số MSCI Emerging Markets Currency Index, một thước đo tỷ giá của đồng tiền các thị trường mới nổi, đã giảm 2,1% trong tháng 8, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 5,1%.
Theo phân tích trên, giá vàng sẽ phải chịu sức ép gián tiếp rất lớn của tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu thông qua việc hỗ trợ đồng bạc xanh. Thậm chí, nếu như căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang và bùng nổ tại nhiều nền kinh tế, một số nền kinh tế hàng đầu không thể giữ được sức mạnh của đồng nội tệ trong tương quan với đồng USD thì nhiều khả năng, vị thế vật chất của đồng USD sẽ được thiết lập vững chắc, qua đó đẩy giá vàng giảm sâu.
Trên thị trường vàng trong nước, ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, đầu phiên giao dịch ngày 3/9, vàng SJC đứng ở mức 36,60 – 36,77 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Còn tại Tập đoàn DOJI, đầu phiên giao dịch, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết ở mức 36,63 – 36,73 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm tại Phú Quý SJC, giá vàng SJC được ghi nhận ở mức 36,64 – 36,74 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết đầu phiên giao dịch ngày 3/9 ở mức 36,64 – 36,72 triệu đồng/lượng.
Minh Ngọc