EU đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga trong vòng cấm vận mới
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Nghị viện châu Âu tại Strasbourg hôm thứ Tư (4/5). Ảnh: Jean-Francois Badias/AP |
Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn đối với Nga, đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng hàng đầu của Nga Sberbank và hai ngân hàng cho vay khác, cấm các đài truyền hình Nga phát sóng từ các đài phát thanh truyền hình châu Âu, được coi là nằm trong các biện pháp cấm vận cứng rắn nhất.
Vòng cấm vận thứ sáu của EU, nếu được các nước thành viên nhất trí thông qua, sẽ là bước ngoặt đối với EU, khối thương mại lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc vào dầu khí của Nga và phải tìm nguồn cung cấp thay thế khi giá năng lượng đang tăng vọt. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cam kết giảm thiểu tác động đến các nền kinh tế châu Âu. Đề xuất mới của EU vẫn chưa nhắm đến khí đốt tự nhiên của Nga, được sử dụng để sưởi ấm các ngôi nhà và tạo ra điện trên toàn khối EU.
Các Đại sứ từ 27 chính phủ của EU được cho là sẽ thông qua các đề xuất của Ủy ban vào đầu tuần này, cho phép chúng trở thành luật ngay sau đó.
Nếu được thông qua, lệnh cấm vận sẽ cắt giảm một trong những nguồn thu nhập lớn nhất đối với nền kinh tế Nga, khi phương Tây mua hơn một nửa sản phẩm dầu thô và dầu mỏ của họ từ Nga. Trước đó, Mỹ, Canada, Anh và Úc đã cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Phản ứng của Hungary và thị trường
Hungary cho biết nước này có thể phản đối gói trừng phạt mới nhất của EU. Mặc dù Hungary cùng với Slovakia sẽ được miễn trừ cho đến cuối năm 2023 để cắt nguồn dầu mỏ của Nga, vì nước này phụ thuộc nhiều, Budapest cho biết đề xuất này không nêu rõ an ninh năng lượng của Hungary sẽ được đảm bảo như thế nào. Người phát ngôn Chính phủ Hungary Zoltan Kovacs cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ kế hoạch hoặc đảm bảo nào về việc một quá trình chuyển đổi có thể được quản lý dựa trên các đề xuất hiện tại và cách thức đảm bảo an ninh năng lượng của Hungary”.
Simone Tagliapietra của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels cho biết lệnh cấm vận dần dần đối với dầu mỏ của Nga là rất rủi ro. “Trong ngắn hạn, nó có thể khiến doanh thu của Nga tăng cao đồng thời gây ra những hậu quả tiêu cực cho EU và nền kinh tế toàn cầu về giá cả cao hơn, chưa kể đến rủi ro trả đũa (của Nga) đối với nguồn cung khí đốt tự nhiên”.
Tin tức về đề xuất của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, vẫn cần sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên EU, đã thúc đẩy dầu thô tăng giá. Giá dầu Brent giao sau, mức chuẩn toàn cầu, tăng 2,4% lên 107 USD/ thùng, trong khi dầu Mỹ WTI kỳ hạn tăng 2,7% lên 105 USD/ thùng lúc 3h30 sáng theo giờ ET.
Giá dầu đã tăng khoảng 40% kể từ đầu năm do thị trường lo ngại rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ gây ra cú sốc về nguồn cung, thúc đẩy lạm phát và áp lực chồng chất lên các nền kinh tế châu Âu. Các nước EU đã đồng ý loại bỏ dần việc nhập khẩu than của Nga nhưng khối này nhận thấy vẫn khó đạt sự đồng thuận về các lệnh cấm vận dầu mỏ mặc dù đã có nhiều tuần đàm phán
Nhà máy lọc dầu PCK tại Schwedt, Đức, chế biến dầu nhập khẩu từ Nga qua đường ống dẫn dầu Druzhba. Ảnh: Hannibal Hanschke/Getty Images. |
Điện Kremlin cho biết Nga đang xem xét các phương án khác nhau để đáp lại các kế hoạch của EU, đồng thời nói thêm rằng các lệnh cấm vận sẽ làm tăng đáng kể chi phí cho các công dân châu Âu.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới và năm ngoái chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của EU.
Các đề xuất biện pháp cấm vận khác
Ngoài dầu, vòng cấm vận mới nhất đề xuất đánh vào Sberbank, ngân hàng cho vay hàng đầu của Nga, đưa thêm ngân hàng này vào danh sách một số ngân hàng Nga đã bị cắt khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nhấn mạnh các biện pháp cấm vận đánh vào các ngân hàng quan trọng đối với hệ thống tài chính Nga, nhằm “củng cố sự cô lập hoàn toàn của khu vực tài chính Nga khỏi hệ thống toàn cầu."
Sberbank đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Ngân hàng này đã rời khỏi hầu hết các thị trường châu Âu vào tháng Ba, trước đó, Sberbank cho biết các vòng trừng phạt khác sẽ không có tác động đáng kể đến hoạt động của họ.
Von der Leyen thông báo nhiều quan chức quân sự cấp cao của Nga sẽ phải đối mặt với việc đóng băng tài sản của EU và cấm đi lại nhưng không nêu tên. Đồng thời EU cũng sẽ cấm các kế toán, nhà tư vấn và bác sĩ châu Âu phụ trách công việc của các công ty Nga.
Các nhà ngoại giao cho biết, các đài truyền hình RTR-Planeta và R24 thuộc sở hữu nhà nước của Nga sẽ bị ngừng phát sóng tại châu Âu như một phần của các lệnh cấm vận mới nhất.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen cũng đề xuất một kế hoạch khôi phục Ukraine một khi xung đột kết thúc, cho rằng cần hàng trăm tỷ Euro tài trợ để tái thiết Ukraine, nhấn mạnh “Cuối cùng, kế hoạch sẽ mở đường cho tương lai của Ukraine bên trong Liên minh châu Âu”./.
Thanh Bình
-
Trưng thu nhà máy lọc dầu của Nga, Đức có thể chuyển nhượng cho Ba Lan không?
-
Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc-Nam có thay đổi tình trạng bị cô lập của Nga và Iran
-
Politico: Mỹ bác bỏ lời kêu gọi hạ trần giá dầu Nga
-
Lệnh cấm vận sản phẩm dầu mỏ tinh chế sẽ có ảnh hưởng gì đến doanh thu của Nga?
-
Nga sẵn sàng giao dầu từ Kazakhstan sang Đức
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ