Đường phạm tội của “bầu” Kiên!
>> “Trận đồ bát quái” thị trường tài chính - ngân hàng!?
>> Ma trận của “bầu” Kiên: Sau Hòa Phát sẽ là...
Chân dung "bầu" Kiên.
Như Petrotimes đã phản ánh, “bầu” Kiên bị bắt về các tội danh kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đây cũng được xem là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng năm 2012.
Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, căn cứ xác lập những tội danh trên của “bầu” Kiên đã được làm rõ và nó cho thấy, vị đại gia này đúng là một siêu lừa đảo trên thị trường tài chính – ngân hàng Việt Nam những năm vừa qua.
Vậy “màn kịch” lừa đảo cũng như quá trình phạm tội của “bầu” Kiên đã được thực hiện như thế nào?
Nguồn tin của Petrotimes cho biết, trong giai đoạn từ năm năm 2006 – 2008, “bầu” Kiên đã thành lập và điều hành 3 công ty, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B (Công ty B&B), Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Ngày 30/11/2010, "bầu" Kiên đã sử dụng pháp nhân của Công ty B&B vay từ Ngân hàng ACB số tiền 1.000 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành và bán trái phiếu cho Ngân hàng ACB trong thời hạn 120 tháng.
Khi có được số tiền trên, "bầu" Kiên cùng một số thành viên trong gia đình đã sử dụng 974,85 tỉ đồng để mua 33% cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (VietBank), nâng số cổ phần của "bầu" Kiên và gia đình ở VietBank lên 41% cổ phần.
Đến ngày 10/1/2011, "bầu" Kiên tiếp tục dùng số cổ phần mua mới của VietBank làm tài sản thế chấp để vay 1.000 tỉ của Ngân hàng ACB.
Cũng tại thời điểm trên, “bầu” Kiên lại sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội vay của Ngân hàng ACB số tiền 659 tỉ đồng thông qua hình thức phát hành và bán trái phiếu cho Ngân hàng ACB. Số tiền này, sau khi vay được Kiên sử dụng vào việc mua cổ phiếu của chính Ngân hàng ACB nhằm sở hữu 2% cổ phần của ngân hàng này.
Và để đảm bảo cho khoản vay 659 tỉ đồng trên, “bầu” Kiên đã dùng số cổ phần mua của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Á và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long để thế chấp.
Đáng lưu ý là số cổ phần thế chấp của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Á và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long cũng được hình thành từ khoản vay 800 tỉ đồng của Ngân hàng ACB, dưới pháp nhân của đơn vị vay là Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội.
Như vậy, bằng “ma trận" do mình dựng lên, “bầu” Kiên đã vay được số tiền lên tới 2.400 tỉ đồng từ ngân hàng ACB. “Ma trận” này cũng đã được Petrotimes phản ánh trong bài viết ““Trận đồ bát quái” thị trường tài chính - ngân hàng!?”, chuỗi quan hệ Doanh nghiệp – ngân hàng – doanh nghiệp đã được dựng lên làm công cụ để “nhóm lợi ích” lợi dụng chi phối và dẫn vốn theo mục đích của mình.
Liên quan đến khoản tiền 718 tỉ đồng ở ACB, theo nguồn tin của Petrotimes thì, trong giai đoạn làm Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB (từ tháng 5/2010 – 11/2011), “bầu” Kiên đã chỉ đạo Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, trong đó có các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Lý Xuân Hải ra chủ trương để ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai qui định. Cụ thể:
Từ ngày 27/6 đến 27/9/2011, Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi 718,9 tỉ đồng vào Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh của một ngân hàng với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 13%/năm vi phạm Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước qui định về trần lãi suất, để Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Chi nhánh TP Hồ Chí Minh lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt số tiền 718,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, bất chấp quy định về điều hành lãi suất của Nhà nước, Kiên đã chỉ đạo Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng, thu số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 247 tỉ đồng, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Xung quanh vụ mua bán 22 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hoà Phát cho Công Công ty TNHH một thành viên Thép Hoà Phát, nguồn tin cho biết: Để có tiền mua số cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hoà Phát, “bầu” Kiên đã dùng pháp nhân của Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội để vay 307 tỉ đồng từ Ngân hàng ACB và dùng số tiền này mua 30 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hoà Phát. Ngay sau đó, “bầu” Kiên lại mang 22/30 triệu cổ phiếu trên để thế chấp cho Ngân hàng ACB.
Tuy nhiên, “bầu” Kiên lại chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập biên bản họp Hội đồng quản trị để quyết định chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, trị giá 264 tỉ đồng để bán cho Công ty TNHH một thành viên thép Hòa Phát. Điều đáng lưu ý là 20 triệu cổ phần này nằm trong số hơn 22 triệu cổ phần đã được thế chấp cho Ngân hàng ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu.
Qua đó để thấy rằng, con đường phạm tội của "bầu" Kiên đã hé lộ và những nghi vấn mà dư luận xã hội đặt ra sau khi nhân vật này bị bắt cũng đã được làm rõ.
Nhóm phóng viên
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc