Đưa hàng Việt Nam vào mạng lưới phân phối nước ngoài
Chương trình do Bộ Công Thương phối hợp với hai tập đoàn phân phối nước ngoài là Central Group (Thái Lan), AEON (Nhật Bản) và Chợ đầu mối nông sản châu Âu Rungis (Pháp) tổ chức.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai.
Chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về các hệ thống phân phối hiện đại bao gồm hệ thống phân phối bán lẻ (AEON và Central Group) và Chợ đầu mối (Rungis, Pháp). Đồng thời, nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua tập huấn cho các doanh nghiệp về quy trình quản lý, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu vào thị trường các nước của nhà bán lẻ, chợ đầu mối.
Chương trình tập huấn do chính các chuyên gia của Central Group, AEON và Rungis đảm nhận, qua đó cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin cập nhật về các hoạt động sẽ triển khai trong thời gian tới trong khuôn khổ Đề án; đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà phân phối.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Từ nhiều năm nay xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp theo đuổi. Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối ở nước ngoài để tổ chức các Tuần hàng Việt Nam trong các chuỗi phân phối trên thế giới. Đặc biệt, tuần hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị Central Group (Thái Lan) năm 2017 đã vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự lễ khai mạc. Tại “Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu” được tổ chức vào tháng 4/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp với các nhà phân phối bán lẻ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối trên thế giới”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, vai trò quan trọng nhất trong việc đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài là của doanh nghiệp. Do đó, Bộ Công Thương kêu gọi sự phối hợp và đồng hành từ doanh nghiệp, các nhà phân phối hiện đại nhằm tham gia và triển khai đề án một cách đồng bộ, cùng đem lại lợi ích cho các bên. Doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa; tìm hiểu thông tin thị trường; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá, đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài ổn định và bền vững hơn.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh phát biểu tại hội thảo |
Khẳng định tầm quan trọng của hoạt động này, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) cũng khẳng định đây là chương trình mới, khó, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Đặc biệt, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước là sẵn sàng nhưng quan trọng hơn là sự vào cuộc của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ: “Cái khó nhất hiện nay là thiếu đội ngũ doanh nghiệp đủ mạnh để tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài. Hiện nay, lực lượng doanh nghiệp của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh còn kém. Với hàng rào kỹ thuật cao, nhiều quy định đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn, nếu không có sự đầu tư và cam kết lâu dài, doanh nghiệp không thể đáp ứng được đầy đủ ngay tức khắc yêu cầu của nhà phân phối”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, ngay trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, thương vụ tại các nước và các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện một số hoạt động như hội thảo triển khai đề án tại Hà Nội và TP HCM; Tuần hàng Việt Nam tại Italia, Philippines và Thái Lan; Tuần hàng Việt Nam tại Manila (Philippines), Thái Lan; hỗ trợ Trung tâm HPA tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại siêu thị AEON và Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018 tại Chợ đầu mối Rungis (Pháp)…
Đặc biệt, ngay sau khóa tập huấn này, các doanh nghiệp có cơ hội kết nối với bộ phận thu mua của các tập đoàn phân phối Central Group, AEON và Chợ đầu mối Rungis để tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp lâu dài và bền vững.
Nguyễn Hoan
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?