Động lực tăng trưởng năm 2019: Phải từ nội lực thực sự của nền kinh tế!
Sẽ phải nỗ lực rất nhiều
Nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế những tháng trong quý đầu tiên của năm 2019, chúng ta dễ dàng thấy những con số tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng vẫn có những điều cần lưu ý.
GDP trong 3 tháng đầu năm 2019 theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (GSO, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn quý I giai đoạn 2009-2017, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018.
Bối cảnh nền kinh tế năm 2019 đã không còn thuận lợi như trước |
Lý giải điều này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, việc sụt giảm so với năm trước do nhiều yếu tố tạo nên sự đột biến trong quý I/2018 đã không còn xuất hiện. "Sau giai đoạn phục hồi năm 2016 và 2017, quý I năm 2018 kinh tế Việt Nam bất ngờ gặp thuận lợi trên mọi lĩnh vực nên tăng trưởng kinh tế đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, sang 2019, bối cảnh nền kinh tế đã không còn thuận lợi như trước", ông Lâm nhận xét.
Để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8% trong năm 2019 như mục tiêu đề ra, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tốc độ tăng trưởng 3 quý còn lại lần lượt phải là: 6,77% - 7,13% - 6,7%. Trước tình hình trong nước và thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt được những con số này, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Dự báo, năm 2019 không còn những yếu tố tạo nên sự đột biến như năm 2018, trong khi bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường khiến bức tranh tăng trưởng kinh tế năm nay khó đạt được kết quả cao đột biến như năm trước và đây cũng là những điểm cần lưu ý trong việc điều hành những tháng cuối năm.
Dù vậy nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng con số tăng trưởng trong quý I là "ấn tượng". Một số điểm sáng vẫn được duy trì như ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng tương đương năm trước, GDP tăng cao nhưng lạm phát vẫn giữ ổn định, công tác điều hành giá được đảm bảo.
"Kết quả tăng trưởng GDP trong quý I cao hơn kịch bản thấp mà Tổng cục thống kê đã xây dựng, dù thấp hơn kịch bản cao. Với sự điều hành sát sao của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay vẫn trong khả năng đạt được", ông Lâm nói.
Nhiều khó khăn phải vượt qua
Đánh giá chung về tình hình kinh tế nước ta, bên cạnh những mặt đạt được nhìn chung vẫn có nhiều điểm đáng phải quan tâm. Cụ thể, theo một số chuyên gia kinh tế, hiện vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh có dấu hiệu chững lại, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rào cản trong phát triển. Bên cạnh đó, lạm phát và tỷ giá mặc dù nằm trong phạm vi điều chỉnh như dự kiến nhưng đã đương đầu nhiều sức ép. Ngoài ra, dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp và đặc biệt là rủi ro tài khóa ngày càng gia tăng. Đó là những khó khăn lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Động lực chính của tăng trưởng trong nhiều năm qua, về phía sản xuất thuộc khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) |
Về vấn đề này, GS TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ giải thích: “Trong giai đoạn khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn duy trì quy mô chi tiêu công ở mức cao, trong khi nguồn thu ngân sách không đủ để bù đắp. Do vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước thường xuyên ở mức cao và hiện ở mức cao nhất trong khu vực. Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục vay nợ để bù đắp bội chi và hệ quả là nợ công gia tăng”.
Đồng thời, GS. TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh: “Thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh hiện nay là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế, đồng thời làm hạn chế các lựa chọn của Chính phủ trong việc đưa nền kinh tế thoát khỏi vùng trũng suy giảm và tiến vào ‘quỹ đạo tăng trưởng’ mới”.
Một vấn đề khó khăn mà nền kinh tế chúng ta đang phải đối mặt và việc tìm giải pháp khắc phục không thể trong “một sớm một chiểu” đó là việc kết quả tăng trưởng quá phụ thuộc vào các tập đoàn nước ngoài.
Hội nhập đang tạo điều kiện để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. DN FDI cũng đánh giá tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam và ồ ạt rót vốn. Sự lớn mạnh của DN FDI thể hiện rõ qua kim ngạch xuất nhập khẩu. Năm 2018 là năm kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, cao nhất trong vòng hơn một thập niên vừa qua. Động lực đóng góp chính vào tăng trưởng, về phía sản xuất là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và tiêu dùng nội địa, thặng dư thương mại.
Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Trong khi đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới với mức tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường. Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào khối FDI mà chủ yếu là các tập đoàn nước ngoài cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành từng bày tỏ lo ngại: “Thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng”.
Như vậy có thể thấy, mặc dù các nhà dự báo lạc quan về tăng trưởng trong năm nay vẫn trong khả năng đạt được nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nhiều khó khăn vẫn đang chờ đón ở phía trước. Để đạt được mục tiêu đề ra không có con đường nào khác là phải phân tích đúng những khó khăn, trở ngại, từng bước tìm giải pháp khắc phục, tránh lệ thuộc mà nên hướng tới một nền kinh tế phát triển thực sự từ nội lực.
Muốn kinh tế tăng trưởng bền vững, tránh phụ thuộc cần xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, công khai và minh bạch. Tất cả các thành phần kinh tế đều được đối xử như nhau, tránh tình trạng bên trọng, bên khinh làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành, phát triển và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Lê Minh
Quý I năm 2019: GDP tăng trưởng 6,7% |
Đến 2020, thị trường cổ phiếu phải đạt quy mô 100% GDP |
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tránh thống kê "kinh tế ngầm" đổi lấy % GDP hay nới trần nợ công |