Đón làn sóng rút sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam phải nhanh!
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, không chỉ có Việt Nam mà còn nhiều “đối thủ” nặng ký khác.
Do vậy, “nhanh nhạy”, “kịp thời”, “hiệu quả” là những gì vị chuyên gia kỳ vọng vào chính sách của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển vô cùng lớn đang diễn ra.
Nhiều "ông lớn" thế giới có thể sẽ vào Việt Nam
Ông có nhận định gì về cơ hội của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc?
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Làn sóng rút sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước khác đang diễn ra. Việc dịch chuyển này đã không phải bây giờ mới xuất hiện, mà có từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đến giờ, Covid-19 như “giọt nước làm tràn ly”.
Các nhà đầu tư nhận ra rằng “trứng không nên bỏ tất vào một giỏ”. Việc quá phụ thuộc vào một quốc gia có thể gây nguy hiểm khi đứt gãy nguồn cung. Covid-19 vừa qua đã cho doanh nghiệp thêm “thấm” điều này.
Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt Covid-19, điều này mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam trong việc đón nhận dòng vốn đang chảy này.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều đang khuyến khích các công ty chuyển dây chuyền sản xuất quan trọng ra khỏi Trung Quốc.
Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế của mình nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước.
Với Mỹ, ngay cả trước khi Covid-19 xảy ra, nhiều công ty đã bắt đầu đa dạng hóa sản xuất khi rút khỏi Trung Quốc, chuyển một phần năng lực sản xuất sang các nước khác.
Làn sóng này không những xuất phát từ nhu cầu tránh thuế quan của Mỹ mà còn bởi các xu hướng dài hạn hơn, bao gồm cả tiền lương nhân công ngày càng cao và sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Trong đại dịch Covid-19, Mỹ càng nhận thấy đã phụ thuộc quá nhiều vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nói như vậy để thấy, cơ hội của Việt Nam là vô cùng lớn. Chúng ta đang có những lợi thế nhất định trong việc thu hút họ, điều quan trọng bây giờ là cách chúng ta tiếp cận, tận dụng thời cơ này. Thời cơ này không dễ gì lặp lại, nếu không có những chính sách nỗ lực kịp thời chúng ta lại để tuột mất.
Samsung cũng có kế hoạch tăng cường đưa nhà máy vào Việt Nam. Hay Apple của Mỹ cũng sản xuất tai nghe ở Việt Nam với sản lượng lớn. Apple gần đây liên tục tuyển dụng nhân sự với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành, những tín hiệu rất tích cực.
Nhiều đối thủ nặng ký trong cuộc đua hút vốn
Ông có thể chia sẻ rõ hơn làm sao để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội này? Chúng ta có nhiều khó khăn không, thưa ông?
- Tôi muốn lưu ý rằng, không chỉ Việt Nam mà còn rất nhiều “đối thủ nặng ký” khác đang muốn đón nhận dòng vốn này. Trong đó phải kể tới Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Chính phủ Ấn Độ mới đây đã đưa một loạt ưu đãi để thu hút hàng nghìn công ty Mỹ rời Trung Quốc. Bloomberg đã trích lời một quan chức Ấn Độ cho biết trong tháng 4, chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc.
Nước này ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi...
Ngoài Ấn Độ thì nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất mạnh. Và ngay chính đối với Trung Quốc, họ vẫn còn nhiều lợi thế hấp dẫn đối với nhà đầu tư khi quy mô thị trường họ quá lớn.
Nói như vậy để thấy, chúng ta không được phép chủ quan. Bởi cơ hội là có, nhưng nó không chỉ dành riêng cho chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều lợi thế đáng so sánh. Trong đó, một lợi thế nổi lên hàng đầu hiện nay là sự thành công trong phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.
Môi trường đầu tư, an ninh xã hội của chúng ta ổn định. Chi phí lao động, mặc dù không phải là lợi thế lâu dài nhưng trước mắt nó vẫn có thể tận dụng trong thu hút đầu tư.
Việc dịch bệnh được kiểm soát tốt đã tạo nên niềm tin người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó thấy Việt Nam có nền tảng trí tuệ, khi có cố gắng là có thể đạt được thành quả vô cùng lớn.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được một số điểm bất lợi của Việt Nam như quy mô thị trường còn nhỏ bé. Bên cạnh đó, những vấn đề về chính sách, thủ tục còn cần cải thiện hơn nữa.
Thu hút có chọn lọc, không tràn lan
Chúng ta phải khắc phục ra sao và hướng đi của chúng ta nên như thế nào trong bối cảnh mới hiện nay, thưa ông?
- Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 50-NQ/TQ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ cũng đã chính thức ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết này.
Có thể thấy Nghị quyết đưa ra các nội dung toàn diện sâu sắc, những bước đi tương đối chuẩn trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ Việt Nam phải thu hút FDI có trọng điểm, không ưu đãi tràn lan, mà sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo các tiêu chí như mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng nội địa, hợp phần sử dụng công nghệ cao, R&D…
Rõ ràng chúng ta không thể “ôm” hết, chúng ta phải lựa chọn, ưu tiên công nghệ cao, có chuyển giao, những gì có thể lan toả cả doanh nghiệp trong nước, tránh xa công nghệ lạc hậu, huỷ hoại môi trường.
Mục tiêu thu hút FDI đã rất rõ, điều quan trọng là cách thực hiện thôi.
Còn về giải pháp, chính sách như thế nào để hút được vốn cần phải cải tiến hơn nữa. Chính phủ cần nhanh chóng thúc đẩy việc cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép.
Hiệp hội cũng có đóng góp trong việc kiến nghị sửa luật đầu tư. Chúng ta muốn hút vốn từ doanh nghiệp Mỹ, chúng ta phải hiểu “tâm tư” họ. Có một số doanh nghiệp Mỹ khá quan ngại trong chính sách đảm bảo đầu tư. Họ cho rằng có những điểm chưa hợp lý.
Chúng ta phải tìm hiểu vì sao vốn Mỹ, EU còn dè dặt vào Việt Nam. Có vướng mắc gì không, có cần đột phá về chính sách hay không.
Rồi vấn đề thực thi chính sách cũng cần nhanh nhẹn hơn. Thủ tục hành chính cần gọn nhẹ hơn. Những vấn đề này chúng ta cũng nói nhiều rồi, nhưng cần cải thiện hơn nữa vì doanh nghiệp vẫn “kêu”.
Một vấn đề nữa là công nghiệp phụ trợ. Phải đẩy mạnh để doanh nghiệp Việt làm được các cụm linh kiện.
Một ý nữa mà chúng ta có thể phát triển hiện nay, đó là việc tập trung thu hút vào y tế. Uy tín ngành y tế Việt Nam đã nâng lên một vị thế mới sau đại dịch Covid-19 vừa qua.
Nhân cơ hội này, chúng ta có thể đi theo hướng tận dụng đầu tư nước ngoài vào hệ thống y tế. Chúng ta kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài trong việc phát triển sản xuất thiết bị y tế hay làm các dự án bệnh viện.
"Không thể để mất thời cơ lần thứ 3"
Ông có lo Việt Nam bỏ lỡ cơ hội rất lớn này, thưa ông?
- Mới đây tôi có đọc một bài báo với tiêu đề “Không để mất thời cơ lần thứ ba”. Tác giả bài viết - GS. Trần Văn Thọ đã nhận định từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã hai lần đánh mất thời cơ và không nên để mất thời cơ thứ 3 sắp tới.
Các con rồng, con hổ kinh tế ở Á châu phát triển là nhờ nội lực kết hợp với ngoại lực. Với đổi mới và hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, nhiều người nhận định Việt Nam cũng sẽ trở thành một nước phát triển mới.
Tôi rất đồng tình với quan điểm này, thực sự cơ hội lần thứ 3 này, chúng ta không thể bỏ lỡ. Thời cơ này còn lớn hơn thời cơ trước khi chúng ta đang có đủ tâm thế, năng lực để đón nhận dòng vốn này. Chúng ta đã có một thời gian dài chuẩn bị, có nhiều nền tảng cơ bản.
Song song với chính sách thu hút FDI, chúng ta đẩy mạnh sự phát triển doanh nghiệp nội địa. Có như vậy chúng ta mới “hoá rồng, hoá hổ" như nhiều chuyên gia nói được. Không thể ưu ái thu hút mà quên nhà đầu tư trong nước.
Trong thời gian rất ngắn, doanh nghiệp Việt có thể làm ra máy thở, bộ kit xét nghiệm tốt, chúng ta cũng đang nghiên cứu vacxin. Rõ ràng điều đó nói lên con người Việt Nam khi bắt tay vào làm, khi có động lực thì không hề thua kém.
Vấn đề yếu nhất hiện nay cần sửa ngay đó là thực thi. Chính sách tốt mà thực thi không tốt thì cũng sẽ kìm hãm sự phát triển.
Làm sao để tận dụng cái cơ hội này bằng chính tinh thần chống Covid-19 vừa qua. Với chính tinh thần đó, cái cách đoàn kết đó, dùng sự thống nhất để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Nếu tận dụng được cơ hội của làn sóng dịch chuyển mới này, Việt Nam sẽ ở một vị thế khác. Ông nghĩ gì về nhận định này?
- Chắc chắn Việt Nam sẽ ở vị thế khác hẳn nếu tận dụng tốt. Trước đây chúng ta cố gắng, nhưng chúng ta đi một thì họ cũng đi một, thậm chí đi 2, đi 3 nên rất khó để đuổi kịp. Tuy nhiên sự đảo lộn trật tự hiện nay sau Covid-19 có thể là thời điểm để một số quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân bứt phá.
Không ai muốn dịch bệnh xảy ra, nhưng dù không muốn thì nó vẫn hiện hữu. Tuy nhiên trong cái đau thương cũng có tia sáng, tia hy vọng, Việt Nam giờ kiểm soát dịch tốt rồi, sớm rồi.
Giờ là lúc chúng ta tăng tốc trên đường đua mới, dần dần giảm bớt phụ thuộc vào một số thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Nỗ lực đổi mới, nỗ lực tận dụng, nâng cao cuộc sống, thu nhập người dân Việt Nam.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Dân trí
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo