Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đối mặt với thần chết (Kỳ 1)

12:50 | 11/04/2016

2,631 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát hiện rồi tháo gỡ hay phá hủy bom mìn là một công việc đặc biệt nguy hiểm. Nó đòi hỏi người lính công binh không những chỉ có sự hiểu biết khoa học kỹ thuật mà còn phải có thần kinh thép và sự khéo léo như một người thợ chữa đồng hồ.  

Nguyễn Như Phong

Trước kia, tôi đã từng là lính công binh cho nên có hiểu biết chút ít về bom mìn và cũng đã chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội trong lúc cố gắng tháo gỡ chúng. Vì thế, tôi hiểu được rằng việc những người lính công binh vừa tháo kíp nổ thành công quả bom phá được coi là lớn nhất từ trước tới nay trên chiến trường Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử là một chiến công đặc biệt xuất sắc.

Tôi có may mắn là được gặp tất cả các sĩ quan đã chỉ đạo việc tháo gỡ, cũng như những sĩ quan công binh đã trực tiếp đối mặt với tử thần trong suốt 16 ngày...

Phần I - Quả bom là quả bom... gì?

Cách thành phố Pleiku khoảng gần 30km đường chim bay về phía tây thuộc địa bàn xã Ia Hrung thuộc huyện Ia Grai (trước năm 1975 thì xã Ia Hrung có tên là Ia Grai) - có một ngọn núi mà người dân gọi là núi Chúa -  Người ta gọi là núi Chúa có lẽ vì đây là ngọn núi đứng độc lập trên một cao nguyên rộng lớn và đứng trên đỉnh núi này thì thị xã Pleiku nhìn rõ như trong lòng bàn tay. Trong bản đồ quân sự, ngọn núi này không có tên mà chỉ ghi là cao điểm 837 mét.

Từ lâu lắm rồi, người dân biết trên sườn núi Chúa có một quả bom to lạ lùng. Quả bom này ném xuống từ bao giờ, chẳng ai biết cả. Khi cơn sốt tìm kiếm bom mìn về làm sắt phế liệu bùng nổ vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, không ít người đã bất chấp nguy hiểm đi nhặt bom, đạn về tháo lấy thuốc nổ và lấy sắt thép. Biết bao nhiêu người đã bỏ mạng nhưng xem ra cũng ít người biết sợ.

Chính trong "phong trào" rà bom mìn "dân gian" này đã sản sinh ra nhiều "ông vua bom mìn". Họ có thể tháo gỡ rất thành thạo các loại bom bi, các loại đầu đạn pháo và nhiều loại bom bằng những công cụ thô sơ và cộng với sự liều lĩnh. Khi nghe nói về quả bom này, không ít "vua" từ nhiều nơi kéo đến hòng “chinh phục” nó, nhưng khi nhìn thấy quả bom to như một... téc nước thì hầu hết đều chắp tay... vái rồi đi giật lùi được một quãng thì co cẳng chạy.

Kể cũng lạ, quả bom to tổ bố nằm "trơ gan cùng tuế nguyệt" ít nhất là 34 năm qua, nhưng mãi đến năm 2001 các cơ quan chức năng mới biết. Sở dĩ dám nói là "ít nhất 34 năm" là bởi vì theo "Hồ sơ ném bom" mà phía quân đội Hoa Kỳ cung cấp cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thì tại xã Ia Grai (trước kia), quả bom đầu tiên được ném xuống đây là vào ngày 3/10/1965. Đó là quả bom Napal mang nhãn hiệu BLU-1B, M116 nặng 750 bảng Anh (một bảng Anh bằng 0,454kg)... Còn quả bom cuối cùng ném xuống xã là vào ngày 3/6/1970. Trong gần 5 năm trời đó, máy bay Mỹ đã ném xuống xã Ia Grai tổng cộng là 829 quả bom và tên lửa. Quả bom lớn nhất được ghi trong hồ sơ là bom MK82 với khối lượng là 3.000 bảng Anh...

Trong số bom, tên lửa Mỹ đã oanh kích khu vực Ia Grai thì không có "lý lịch" quả bom kia. Điều này cũng dễ hiểu vì Mỹ chẳng "dại" gì mà đưa vào hồ sơ lưu trữ cái quả bom mà sức công phá của nó chỉ kém mỗi bom nguyên tử kia. Cái gì không dấu được, buộc phải đưa thì họ cung cấp cho ta, còn cái gì "vượt quá giới hạn thông thường" thì họ xóa.

doi mat voi than chet ky 1
Lực lượng chức năng đang tiến hành rà phá bom, mìn. (Ảnh: TTXVN)

Trở lại chuyện quả bom nằm trên núi Chúa, vào giữa năm 2001, một tổ công tác của Bộ Tư lệnh Hóa học đi tìm kiếm bom đạn hóa học để xử lý và được nghe người dân nói về quả bom không lồ này. Tổ công tác đã vạch rừng đến nơi và khi thấy quả bom, cùng với một số ký hiệu trên thân, họ đã khẳng định đây không phải bom hóa học. Tổ công tác đã thông báo về quả bom này cho Bộ Tư lệnh Công binh. Vì thấy quả bom nằm ở nơi hẻo lánh, không liên quan gì lắm đến các công trình kinh tế lại xa khu dân cư (buôn gần nhất cũng cách hơn 5km), và hơn nữa, Trung tâm Công nghệ xử lý Bom mìn của Bộ Tư lệnh Công binh (BOMICEN) đang phải tập trung rà phá bom mìn cho một số công trình kinh tế trọng điểm nên quả bom "được yên thân" suốt từ đó cho đến tháng 10/2004.

Cũng phải nói đôi chút về BOMICEN để bạn đọc thêm hiểu và dĩ nhiên là thêm... yêu công việc của người lính BOMICEN.

Sau chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 thì hậu quả chiến tranh để lại cho chúng ta vô cùng nặng nề và một trong những hiểm họa lớn nhất là bom mìn và rất nhiều vật liệu nổ khác đang vương vãi trên 20,12% diện tích đất tự nhiên của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, quân đội Mỹ đã sử dụng 15.600.000 tấn bom đạn các loại và trong số này thì còn khoảng 350.000 đến 600.000 tấn bom, đạn, mìn chưa nổ (đó là chưa kể số bom mìn còn sót lại từ hồi Nhật - Pháp đánh nhau và trong những năm kháng chiến chống Pháp). Hậu quả là từ năm 1975 đến nay, trung bình mỗi năm có 3.000 người chết và bị thương vì bom mìn.

Trước nhu cầu cấp bách trong việc rà phá bom mìn để giải phóng đất đai, từ năm 1978, Bộ Tư lệnh Công binh đã lập Đoàn 14066 để làm nhiệm vụ này. Tuy nhiên, ngoài Đoàn 14066 thì còn có một số đơn vị khác cũng tham gia như Đoàn Công binh Lũng Lô... Không chỉ rà phá bom mà các đơn vị còn làm nhiệm vụ xử lý bom đạn cấp 5 (bom đạn quá hạn xử dụng). Do thiếu kinh nghiệm và công tác xử lý chưa thật bài bản cho nên đã xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc.

Cuối tháng 9/1996, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đã được thành lập và lúc đầu chỉ làm nhiệm vụ tham mưu giúp Tư lệnh Binh chủng giải quyết các vụ liên quan đến vật liệu nổ. Nhưng thực tế công tác rà phá bom mìn càng ngày càng phức tạp và đòi hỏi phải xử lý với tốc độ nhanh để phục vụ kịp thời công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế cho nên ngày 12/10/1999, Bộ Quốc phòng đã quyết định chấn chỉnh lại và "nâng cấp" Trung tâm. Từ một đơn vị chỉ có rất ít người, Trung tâm đã phát triển thành một đơn vị mạnh với đầy đủ các cơ quan nghiên cứu, xử lý... Sau khi thành lập, cán bộ chiến sĩ Trung tâm đã lao vào cuộc chiến đấu với tất cả trách nhiệm của Anh bộ đội Cụ Hồ.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì từ cuối năm 1999 cho đến 2004, Trung tâm đã rà phá bom mìn ở 178 công trình kinh tế trọng điểm, giải phóng 7.313 hécta đất. Số lượng bom mìn đã rà phá vô cùng lớn. Chỉ riêng trên một đoạn đường Hồ Chí Minh từ Khe Cò (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), cán bộ chiến sĩ của Trung tâm đã rà phá 23.673 quả, trong đó loại bom phá từ 250  và 3.000 bảng Anh là 78 quả, 5.638 quả bom bi, bom xuyên; gần 11 ngàn quả đạn pháo, cối M79... Còn chỉ ở 43 hécta đất khu vực sân bay Pleiku, đơn vị đã thu được 16.475 quả bom mìn các loại. Những con số tưởng chừng khô khan này đã chứng tỏ một điều là số lượng bom đạn mà Mỹ sử dụng ở Việt Nam là rất lớn và hậu quả của nó còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Ngoài rà phá bom mìn, Trung tâm còn làm nhiều nhiệm vụ liên quan đến vũ khí vật liệu nổ phục vụ cho Bộ Quốc phòng và các ngành kinh tế khác. Điều đáng mừng là trong suốt thời gian qua, đơn vị chưa để xảy ra một vụ mất an toàn nào.

Trở lại vụ quả bom nằm trên núi Chúa. Tháng 9/2004, lãnh đạo BOMICEN giao cho Trung tá Lê Thơm, Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Trung tá Đỗ Văn Tấn, Chỉ huy trưởng Cụm I đi nghiên cứu rồi lập phương án xử lý, báo cáo Bộ Tư lệnh Binh chủng và lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

Các anh đã phải thuê người địa phương dẫn đường và phải mất một ngày trời luồn rừng, leo dốc  họ mới đến được nơi quả bom nằm. Trung tá Lê Thơm  kể lại: "Khi thấy quả bom, chúng tôi đều sững sờ và có cảm giác ớn lạnh toàn thân. Chúng tôi đã từng tham gia phá hàng chục loại bom, trong đó có những quả bom loại 3.000 bảng Anh, nhưng quả bom này khổng lồ quá và chúng tôi cũng mới chỉ biết nó qua tài liệu".

Các anh tiến hành đo đạc, nghiên cứu tỉ mỷ quả bom. Đây rõ ràng là loại bom phá bởi trên thân của nó còn 3 vạch vàng (ký hiệu của nhà sản xuất Mỹ cho loại bom phá). Trông bên ngoài thì cơ bản là giống với bom phát quang BLU-82B loại 22.000 bảng mà quân đội Mỹ sản xuất năm 1970 và đã sử dụng ở Việt Nam. Vỏ quả bom sơn màu xanh thẫm, đường kính 1,17m, chiều dài thân bom là 3,1m. Quả bom được lắp hai ngòi nổ. Trên đầu là ngòi nổ chạm, còn dưới đuôi là ngòi nổ quán tính. Quả bom không có đuôi nhưng có các đai để mắc dù. Như vậy, nếu so sánh với loại bom phá 22.000 bảng mà Mỹ và một số nước đã sản xuất thì quả bom này ngắn hơn 70cm và đường kính nhỏ hơn 2cm.

Muốn tháo gỡ quả bom thì phải hiểu được cơ chế hoạt động của kíp nổ và tính năng tác dụng của quả bom.

Sau khi nghiên cứu kỹ và trở về Hà Nội, các anh bắt tay vào tìm hiểu lý lịch của quả bom này.

Để xác định chủng loại bom, Trung tâm đã tra cứu về... 50.000 loại bom mìn đã sản xuất và sử dụng từ gần 100 năm nay; tra cứu trong Hồ sơ dữ liệu bom mìn mà không quân Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; gặp gỡ nhiều tướng lĩnh, sĩ quan đã có mặt trên chiến trường Tây Nguyên để hỏi về quả bom... Nhưng tất cả đều không có thông tin. Quả bom nằm trên núi Chúa không có trong  danh sách các loại bom đã sản xuất!

Trong lịch sử chiến tranh, thì loại bom khổng lồ này được sản xuất từ những năm 40 của thế kỷ trước và do quân đội Anh, Mỹ hợp tác thiết kế nhằm phá huỷ các công trình ngầm của phát xít Đức. Đầu tiên chỉ là những quả bom có khối lượng 10.000 bảng Anh, có khả năng xuyên bê tông dày từ 4,8 đến 7 mét. Chấn động và sóng xung kích do  bom nổ gây ra có thể phá hoại các công trình kiến trúc kiên cố nhất thời bấy giờ. Do vậy, loại bom này có tên là "Bom động đất".

Quân Anh - Mỹ đã sử dụng bom này đánh sập bến tầu ngầm nhiều khoang "Valentin" của Đức ở gần Bremen; phá các cây cầu lớn, phá đập nước và đỉnh cao là dùng "Bom động đất" đánh đắm chiến hạm Turpitz của phát xít Đức năm 1944. Mỹ và Anh sản xuất hai loại chủ yếu là bom 12.000 và 22.000 bảng Anh như M123; Gran Slam 22000LB; AMAZON SAP 22.000LB... Các loại bom này có hình dáng giống hệt nhau và vỏ bom được đúc bằng khuôn đất phá cát sử dụng lõi bê tông. Loại bom 22.000 Bảng dài 6,4m (kể cả đuôi bom), đường kính 1,12m, trong đó nhồi 2,36 tấn thuốc nổ Torpex D1 hoặc Tritonal. Bom 22.000 Bảng có chiều dài cả đuôi là 7,75m, thân bom dài 3,81m, đường kính 1,17m, vỏ bom dày 19,7cm và nhồi 4,36 tấn thuốc nổ.

Trong chiến tranh thế giới II, quân Anh - Mỹ đã sử dụng 41 quả. Cả hai loại bom trên được lắp mũi thép đặc và có ba ngòi nổ. Được máy bay B36 thả từ độ cao 6.000m, bom lao xuống với vận tốc khoảng 1100m/s và khi nổ, tạo ra một hố sâu tới 240m, đường kính khoảng 300m, quy ra diện tích mặt hố là 7 hécta.

Năm 1942, Mỹ nghiên cứu chế tạo bom 42.000 Bảng và đã chế được 7 quả hoàn chỉnh cùng 50 vỏ bom. Năm 1947, quân đội Anh có nghiên cứu sản xuất loại bom 25.000 Bảng, ký hiệu SAP T82E4... Tuy nhiên, khi có bom nguyên tử ra đời thì chương trình chế tạo các loại bom lớn này của Anh và Mỹ bị huỷ bỏ.

Theo các tài liệu nước ngoài, số "Bom động đất" còn thừa lại sau Chiến tranh thế giới thứ II đã được cải tiến lại dùng trong chiến tranh Triều Tiên. Trong chiến tranh Việt Nam, số bom thừa này cũng được cải tiến để dọn mặt bằng các khu vực hạ trực thăng trong rừng rậm, trước khi có loại bom phát quang BLU-82B.

Như vậy, đối chiếu với các tài liệu thì quả bom trên núi Chúa có nhiều điểm giống với bom 22.000 Bảng của Mỹ, tuy vỏ bom có ngắn hơn, vỏ bom có mỏng hơn chút ít. Cả việc thay đổi độ dày vỏ bom và lắp ngòi nổ ở đầu bom có thể do mục đích thay đổi từ bom xuyên sang bom phá. Do không cần tốc độ rơi cao và cần hãm chậm để rơi đúng mục tiêu nên bom đã được bỏ đuôi và thêm dù.

Theo nhận định của các sĩ quan BOMICEN thì quả bom trên có thể do Mỹ chế tạo để đáp ứng kịp thời yêu cầu trong chiến tranh Việt Nam tại một thời điểm nhất định. Do đòi hỏi cấp thiết về thời gian nên có khả năng Mỹ sử dụng lại thiết kế của bom 22.000 bảng và có thay đổi và vì bom được đúc đơn lẻ nên đường kính có những sai lệch nhất định so với thiết kế ban đầu.

(Còn tiếp)

N.N.P