Doanh nghiệp chờ đợi gì từ làn sóng thứ 3 về cải cách hành chính?
Chiều ngày 30/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về nghị quyết số 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo đã có bài phát biểu ngắn gọn giới thiệu về nội dung cơ bản của Nghị quyết 68/NQ-CP và đặc biệt nhấn mạnh đến các nhiệm vụ Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan tập trung triển khai cắt giảm quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh.
Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục chủ trì cải cách hành chính. |
Từ năm 2007 đến nay, đã có hai làn sóng cải cách hành chính lớn. Làn sóng đầu tiên, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ vào giai đoạn 2007-2011, đã công khai 6.000 thủ tục hành chính (TTHC), giảm tới 1,6 tỉ USD/năm chi phí tuân thủ TTHC. Làn sóng thứ hai là từ năm 2016 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 50% điều kiện kinh doanh (3.893/6.191 ĐKKD), cải cách quy định kiểm tra chuyên ngành liên quan đến 6.776/9.926 dòng hàng, tiết kiệm tới 260 triệu USD/năm, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ công một cửa và tích hợp tới 1.400 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia, tiết kiệm tới 6.700 tỉ đồng/năm.
Ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh 3 điểm chính đối với các bộ ngành gồm: Tập trung cải cách mạnh mẽ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025; thúc đẩy việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các TTHC có nhu cầu lớn, liên quan đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời phải ban hành và triển khai kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC; tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh…
Về các địa phương, Chính phủ cũng yêu cầu tập trung tuyên truyền đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; thực hiện kết nối, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp không theo địa giới hành chính…
Với Nghị quyết 68, Nghị định 45/2020/NĐ-CP về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Văn phòng Chính phủ dự kiến sẽ giảm số lượng văn bản, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ TTHC đối với hoạt động kinh doanh. Đây được kỳ vọng là làn sóng cải cách thứ 3 về TTHC của nước ta.
Đáng chú ý trong đợt này, Văn phòng Chính phủ đã giới thiệu một công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Theo đó, đây là một bộ công cụ có chức năng thống kê, rà soát và tham vấn tất cả các văn bản có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020, kể cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, chương trình cải cách này sẽ bao trùm toàn bộ các ngành nghề kinh doanh, toàn bộ các quy định hiện hành và dự thảo của các bộ ngành. Cách tiếp cận để giảm quy định là cách tiếp cận tổng thể, giảm sự chồng chéo giữa các bộ ngành, địa phương.
Doanh nghiệp và người dân có quyền giám sát các bộ ngành, địa phương trong tiến trình cải cách hành chính. |
Chương trình sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách TTHC, đánh giá, theo dõi và giám sát quá trình cải cách theo thời gian thực đối với tất cả các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt là lấy doanh nghiệp làm trung tâm và doanh nghiệp cũng như người dân sẽ được tham gia vào quá trình cải cách và giám sát kết quả thực hiện tại các bộ, ngành.
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Phòng Thương nại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc bày tỏ hy vọng lớn đối với chương trình cải cách do Văn phòng Chính phủ phát động. Nhưng ông Lộc vẫn bày tỏ lo ngại về thời gian sửa quy định, sửa luật. Ông Lộc cho rằng: “Thấy sai thì dù hôm qua ban hành, hôm nay vẫn phải sửa, nếu chờ sửa luật phải mất đến mấy năm trời, lúc ấy thì doanh nghiệp, người dân… “chết” mất rồi”. Mặt khác, Chủ tịch VCCI cũng nêu ý tưởng để đảm bảo mô hình thực thi trong cải cách hành chính sao cho triệt để. Cụ thể như cần các địa phương xem xét mô hình đưa tất cả các cơ quan hành chính vào một khu vực, tòa nhà để doanh nghiệp và người dân giảm thiểu nhất thời gian đi lại, nhận kết quả thực thi về TTHC. Ông Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý việc các bộ ngành đang có hiện tượng “giảm nhiệt” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh…
Có thể thấy rằng, với sự quyết liệt trong việc thực thi Chính phủ điện tử, việc triển khai và ban hành công cụ cải cách quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ cơ bản giải quyết được tình hình “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong cải cách hành chính. Sự minh bạch về thông tin cải cách hành chính cũng như sự tham gia giám sát của doanh nghiệp và người dân sẽ thúc đẩy mạnh mẽ làn sóng thứ 3 về cải cách hành chính, làm trong sạch môi trường kinh doanh tại nước ta.
Tùng Dương
-
Tổng thuật: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024
-
Cắt giảm điều kiện kinh doanh - Vẫn chờ “đột phá”
-
Sắp có cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, cơ quan, khu công nghiệp
-
Hà Nội xếp thứ 3 về Chỉ số cải cách hành chính
-
Yêu cầu khẩn trương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời