Tổng thuật: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì họp báo - Ảnh: VGP/Dương Tuấn |
Thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết: Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng; tình hình phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; tình hình thực hiện 3 Chương trình MTQG cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Ngay đầu Phiên họp, Chính phủ đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc, lời thăm hỏi đến các gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, lũ lụt, sạt lở vừa qua. Tiếp đó, trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chúc mừng đồng chí Tô Lâm vừa được Trung ương Đảng thống nhất cao bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về bối cảnh, tình hình tháng 7 và 7 tháng đầu năm, nhiều tổ chức quốc tế nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; thiên tai, mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và của.
Trong bối cảnh tình hình nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, trong đó tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, xử lý linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh, bảo đảm hài hòa với các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận, Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lới của nền kinh tế; khắc phục hậu quả mưa lũ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thúc đẩy đầu tư công, đôn đốc tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường dây 500 kV mạch 3…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin tới báo chí tại buổi họp báo - Ảnh: VGP/Dương Tuấn |
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng tích cực, nhìn chung kết quả tháng 7 cao hơn tháng 6 và tính chung 7 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là:
- Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định. Khu vực công nghiệp phục hồi tốt; tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%; 7 tháng tăng 8,7%. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.
- Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6. Tỉ giá, lãi suất nhìn chung ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
- Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Xuất khẩu tháng 7 tăng 6,7% so với tháng 6 và 19,1% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5%; xuất siêu 14,08 tỷ USD.
- Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ; trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87,2 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.
- Du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Trong 7 tháng, khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.
-Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.
- Phát triển DN tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng 7 có 14.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 DN thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
- Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tổ chức trang trọng, chu đáo, an toàn lễ Quốc tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.
- Thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7/2024 đạt kết quả tốt, về cơ bản không làm tăng giá, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước.
- Tập trung xây dựng và đã cơ bản hoàn thành việc ban các nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
- Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.
- Chính trị - xã hội ổn định;quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên.
- Kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị mất, có nhà ở, tài sản bị cuối trôi, vùi lấp.
Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 diễn ra chiều 5/8 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Dương Tuấn |
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, nổi bật là: (i) Sức ép lạm phát còn cao; tình hình thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới còn nhiều rủi ro; (ii) Tình hình SXKD trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số DN rút khỏi thị trường còn cao; (iii) Tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; thị trường BĐS bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 140 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội còn chậm; (iv) Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng, hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi…
Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõmục tiêu là phải kiên định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo điều hành là tháng sau phải tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng; kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt; các nghị quyết của Quốc hội; chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung:
- Thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
+ Theo đó, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác. Tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
+ Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; quyết liệt triển khai chuyển đổi số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong mọi tình huống.
- Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó:
+ Về đầu tư: đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 03 CTMTQG; thúc đẩy đầu tư tư nhân; tăng cường hợp tác công tư; thu hút FDI có chọn lọc.
+ Về xuất khẩu: tập trung củng cố các thị trường lớn, truyền thống; mở rộng các thị trường mới; hỗ trợ DN đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiếp cận thị trường tiềm năng…
+ Về tiêu dùng: đẩy mạnh phát triển thị trường, kích cầu tiêu dùng trong nước, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hiệu quả việc giảm thuế giá trị gia tăng.
+ Có cơ chế, chính sách hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực giá trị gia tăng, công nghệ như chíp bán dẫn, AI…).
- Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 CTMTQG. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 KV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).
- Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn để sửa đổi, bổ sung. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
- Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân; trong đó lưu ý theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, bão lũ, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại. Làm tốt công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ người dân, không để ai bị đói, bị rét.
+ Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh vận động, ủng hộ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kiên quyết không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Chuẩn bị tốt cho năm học mới; bảo đảm vệ sinh, an toàn học đường; phòng chống đuối nước ở trẻ em. Tăng cường nắm tình hình; chủ động các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu lao động, nhất là ở các khu công nghiệp.
- Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó lưu ý bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, tội phạm ma tuý; tổ chức tốt các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đẩy mạnh đàm phán các FTA mới.
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội và khí thế phấn khởi, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn xã hội, của nhân dân.
- Tích cực triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm tiến độ, chất lượng; chuẩn bị chu đáo phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến đến Đại hội lần thứ 14 của Đảng.
Phóng viên Kỳ Thành (Báo Đầu tư): Xin Bộ Công Thương cho biết tiến độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng thông tin về iến độ phục hồi và tăng trưởng của ngành công nghiệp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Về tình hình phục hồi công nghiệp của nước ta trong 7 tháng đầu năm 2024, có rất nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Các chỉ số quan trọng đều tăng mạnh như: Chỉ số PMI tháng 7/2024 ngành sản xuất đạt 54,7 điểm, tăng 4 tháng liên tục và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018; Tốc độ tăng sản lượng sản xuất công nghiệp tháng 7 cao hơn tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) sau 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,5%.
Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở 60/63 địa phương trong tháng 7, chỉ có 3 địa phương ghi nhận giảm. Một số địa phương có mức tăng trưởng cao như Khánh Hòa, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh,…
Chỉ số tiêu thụ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao giúp kéo giảm chỉ số tồn kho so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc; vải dệt từ sợi tự nhiên; thép cán; phân hỗn hợp NPK; điện sản xuất,…
Những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng nêu trên đã phản ánh một bức tranh rất tích cực của nền sản xuất trong nước.
Cụ thể, có thể thấy được sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023, đang có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Sản xuất công nghiệp cơ bản tăng trưởng trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt là các địa phương có vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp.
Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước đã khôi phục rất tích cực và sẵn sàng để tận dụng những cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong thời gian tới.
Niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài được củng cố mạnh mẽ nhờ những tín hiệu tích cực trong tăng tưởng sản xuất công nghiệp các tháng đầu năm 2024 vừa qua.
Về nguyên nhân để đạt được những kết quả nêu trên, có 5 nguyên nhân:
Thứ nhất, hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.
Thứ hai, kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước.
Thứ ba, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng các Hiệp hội, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da - giày, điện tử, chế biến thực phẩm.
Thứ tư, các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc... giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ năm, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI) và niềm tin đó được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.
Về thách thức trong thời gian tới, có 4 thách thức mà nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng sẽ phải đối diện:
Thứ nhất, mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian dài vừa qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, còn 3/63 địa phương có IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ - như điện thoại thông minh, tivi, ô tô, sắt thép thô, bia hơi… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực (giày dép, gỗ, điện thoại các loại và linh kiện…) mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, trong những tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo, bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều biến động cũng đặt ra nhiều thách thức cho các ngành sản xuất trong nước.
Thứ ba, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường. Căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Mỹ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.
Thứ tư, trong nước, thị trường bất động sản vẫn phục hồi khá chậm. Thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số giá trong nước chịu áp lực tăng sau khi thực hiện một số chính sách mới.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc mới có thể bảo đảm tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp.
Thứ nhất, tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép…; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai, tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ; Khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được; Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày, điện tử...
Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở một số bệnh viện, xin hỏi Bộ Y tế đã có chỉ đạo và giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về việc mua sắm thuốc, vật tư y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Để thực hiện việc mua sắm thuốc, vật tư y tế tại cơ sở y tế, có 2 yếu tố cần phải thực hiện. Thứ nhất là về thể chế, có nghĩa là thực hiện các văn bản liên quan như nghị định, thông tư liên quan đến vấn đề mua sắm thuốc và vật tư y tế. Thứ hai là tổ chức thực hiện tại các địa phương, các cơ sở y tế.
Trong trường hợp thể chế đã hoàn thiện, đầy đủ rồi, nhưng đến khâu tổ chức thực hiện các địa phương gặp vấn đề thì việc mua sắm thuốc, vật tư sẽ khó thực hiện được. Ví dụ, các địa phương có bố trí khoản kinh phí cho việc mua sắm thuốc, vật tư y tế không? Trong quá trình xây dựng, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có bảo đảm theo đúng yêu cầu tiến độ không? Lựa chọn nhà thầu thế nào? Khi lựa chọn được nhà thầu rồi thì nhà thầu có chịu tham gia cung ứng thuốc vật tư không?...
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt sau COVID-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhưng chỉ ở một số đơn vị, một số địa phương, và ở một số thời điểm nhất định hoặc thiếu một số loại thuốc cụ thể. Bộ Y tế đã nhận diện được vấn đề này và cũng đã đề ra những giải pháp khắc phục. Cụ thể là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành các thông tư, hoặc tham mưu trình các dự án theo thẩm quyền.
Ngay từ năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Đây là Nghị quyết có nhiều ý nghĩa trong vấn đề cấp sổ đăng ký lưu hành thuốc.
Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, Bộ Y tế cũng đã trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5, dự kiến trình thông qua vào tháng 10. Khi được thông qua, sẽ cải cách hành chính giải quyết được vấn đề cấp giấy đăng ký, gia hạn thuốc.
Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP ngày 04/3/2023 của Chính phủ đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng, mua sắm, đấu thầu trong lĩnh vực y tế. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã tham mưu và trình Quốc hội thông qua các Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2024; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình ban hành Luật Đấu thầu; phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Luật giá.
Sau khi các Luật này được ban hành, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định 96/2023 thi hành Luật Khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Bộ Y tế cũng tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 88 sửa đổi bổ sung các Nghị định 54 và 155 liên quan đến thi hành Luật Dược.
Đó là về chức năng tham mưu và phối hợp. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ động ban hành các Thông tư về Danh mục thuốc, đàm phán giá; thông tư về danh mục thuốc đấu thầu tập trung nhằm thực hiện theo Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư 07/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế. Thông tư này rất quan trọng, hướng dẫn quy trình thực hiện theo từng bước cụ thể. Dựa trên thông tư này, các địa phương, cơ sở đã thực hiện công tác đấu thầu rất tốt.
Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện 2 luật rất quan trọng đó là Luật Dược sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2024. Nếu Luật Dược sửa đổi được Quốc hội thông qua thì 5 chính sách trong Luật này cơ bản nhằm cải cách thủ tục hành chính rất mạnh theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, để có thể đẩy nhanh tiến độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Từ đó, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh có điều kiện nhập nguyên liệu, nhập thuốc sản xuất, cung ứng trong cơ sở y tế. Đây sẽ là điều kiện để bảo đảm về thuốc.
Qua các văn bản trên có một số điểm mới nổi bật:
Thứ nhất, cho sử dụng một giấy báo giá, hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. Trước đây chúng ta phải lấy 3 giấy báo giá, giờ chỉ cần 1 giấy báo giá.
Thứ hai, cho phép lấy báo giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn. Việc này rất quan trọng, bởi để mua một thiết bị, hóa chất thì có một hội đồng chuyên môn của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất.
Thứ ba, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.
Thứ tư, quy định cụ thể các trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh, cấp cứu sẽ được áp dụng các chỉ định thầu.
Thứ năm, được áp tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% số lượng đã ký hợp trước đó. Tức là hợp đồng trước đó đã được thực hiện, và trong trường hợp cần thiết thì được phép ký hợp đồng mua 30% của số lượng.
Đó là 5 điểm mới mà trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Qua quá trình đi khảo sát, để hoàn thiện thể chế trong khâu đấu thầu và mua sắm thuốc, vật tư y tế, những điểm mới trên cơ bản đã đáp ứng đầy đủ cho công tác đấu thầu được công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm.
PV Mai Thu (Báo Thanh Niên): Trong báo cáo sơ kết, Bộ Xây dựng nhận định mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội trong năm nay khó hoàn thành. Còn khoảng năm tháng nữa là hết năm. Xin cho biết còn giải pháp đột phá nào để tiệm cận với mục tiêu Chính phủ đặt ra cho năm nay? Việc đề nghị cắt giảm gói vay hỗ trợ 120 nghìn tỷ đến nay đã thực hiện ra sao và giải ngân như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng thông tin với báo chí về nội dung xây dựng nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng: Câu hỏi liên quan đến mục tiêu nhà ở xã hội trong năm 2024 và giải ngân gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ, Bộ Xây dựng xin báo cáo như sau: Mục tiêu đầu tư nhà ở xã hội tính đến ngày 30/7/2024, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương trong giai đoạn từ 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn, trong đó: (1) Số lượng dự án hoàn thành: 79 dự án với quy mô 40.679 căn; (2) Số lượng dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng: 128 dự án với quy mô 111.688 căn; (3) Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 412 dự án với quy mô 409.449 căn.
Riêng 06 tháng đầu năm 2024, số lượng dự án đã hoàn thành có 08 dự án (04 dự án hoàn thành toàn bộ, 04 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô 3.136 căn; số lượng được cấp phép khởi công là 05 dự án với quy mô 8.468 căn; số lượng dự án đã có chủ trương đầu tư là 09 dự án, với quy mô 8.795 căn.
Mục tiêu theo đề án 1 triệu căn hộ đến năm 2030 được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ 05/01/2024, phấn đấu hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ với 8 dự án quy mô khoảng 3.100 căn hộ đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2024, còn gần 100.000 căn hộ cần hoàn thành trong năm 2024. Bộ Xây dựng cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án đã khởi công đúng tiến độ vào năm 2024. Đây là áp lực tiến độ rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, bộ, ban, ngành, địa phương.
Thứ hai, liên quan đến gói hỗ trợ tín dụng 120 nghìn tỷ, qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 1.344 tỷ đồng bao gồm: 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; và 49 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ, đã triển khai Chương trình gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong các thời kỳ.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến với các bộ, ban, ngành liên quan đến hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (đối với khách hàng là Chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%). Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như phù hợp với Thông báo 123 của Chính phủ ngày 27/3/2024, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội, Nghị quyết 44 của Chính phủ 05/04/2024, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương, Công điện 32 ngày 05/04/2024 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp điều hành tăng cường tín dụng năm 2024.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến đồng thuận với nội dung đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện, trình phê duyệt Nghị quyết điều chỉnh nội dung chương trình 120 nghìn tỷ.
Về nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, với các bộ, ban, ngành, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc, triển khai thực hiện Chỉ thị 34 của Trung ương ngày 24/05/2024, đôn đốc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, triển khai mục tiêu của Đề án trong tháng 8/2024. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ và nới tín dụng, tạo điều kiện cho ngân hàng thực hiện các thủ tục nghiên cứu, xem xét tăng thời hạn nhà ở lãi suất cho vay, nguồn hỗ trợ 120 nghìn tỷ. Thời hạn cho vay là 10-15 năm, lãi suất ưu đãi hơn, thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đối với các địa phương, khẩn trương quy hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đặt ra ở Chỉ thị 34 của Trung ương, triển khai thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ hai, chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo chất lượng, có đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu đối với các dự án nhà ở thương mại, khuyến khích nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.
Thứ ba, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, có cơ chế, giải pháp cụ thể rút ngắn thủ tục hành chính để lập và phê duyệt dự án giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục bố trí xây dựng, hỗ trợ khuyến khích cho các doanh nghiệp triển khai đầu tư dự án tạo nguồn lực, nguồn cung của thị trường và tận dụng được nguồn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Tập trung, đôn đốc các chủ đầu tư đã khởi công xây dựng sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đồng thời yêu cầu các dự án tiếp tục lựa chọn chủ đầu tư sớm khởi công xây dựng.
Đề nghị hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thu hút, đẩy nhanh xây dựng phát triển nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu của Đề án đặt ra.
PV Đinh Nhung (Tạp chí Mekong ASEAN): Vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành các hướng dẫn về thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai thực thi từ ngày 01/8. Xin Bộ Xây dựng cho biết những điểm mới nào trong các văn bản hướng dẫn này tác động ngay đến thị trường bất động sản cuối năm nay?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng chia sẻ về những điểm mới trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng: Ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, và có hiệu lực từ ngày 1/8.
Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành 5 nghị định và 1 quyết định, 2 thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, đều có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Như vậy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đã kịp thời đảm bảo tiến độ thực hiện và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Có một số điều mới tác động đến thị trường bất động sản. Luật Nhà ở cũng như Luật Kinh doanh bất động sản đã khắc phục được những bất cập, chồng chéo giữa quy định pháp luật liên quan đến việc đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng; tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch trong việc thực hiện đồng thời các nghị định hướng dẫn đã có quy định rõ ràng về trình tự thủ tục triển khai các dự án theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án này.
Tại Luật Nhà ở 2023 đã được sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở riêng lẻ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển ở Việt Nam. Và nhất là bổ sung các quy định giai đoạn của dự án đầu tư nhà ở như Điều 34 Luật Nhà ở. Đồng thời, Nghị định 95/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã có quy định rõ ràng các giai đoạn đầu tư dự án xây dựng nhà ở, trình tự triển khai các dự án theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian các dự án nhằm đảm bảo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia phát triển nhà ở.
Đối với phát triển nhà ở xã hội và nhất là quy định rõ trách nhiệm dành quỹ đất phát triển nhà ở là trách nhiệm của chính quyền địa phương theo Điều 83 Luật Nhà ở.
Thứ hai, cắt giảm quy định điều kiện cư trú, đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ còn 1 điều kiện về thu nhập. Đối với đối tượng nhà ở xã hội thì không xác định điều kiện cư trú và điều kiện thu nhập, chỉ cần đúng đối tượng.
Thứ ba, chủ đầu tư được miễn quyền sử dụng đất, quyền thuê đất đối với toàn bộ diện tích của dự án mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, quyền sử dụng đất, thuế đất được miễn theo quy định của pháp luật Luật Đất đai, và được hưởng lợi nhuận tối đa định mức là 10%, và phần diện tích nhà ở xã hội được ưu đãi tối đa 2% trong tổng diện tích đất hoặc 2% tổng diện tích sàn xây dựng dự án để công trình xây dựng kinh doanh dịch vụ thương mại, nhà ở thương mại.
Thứ tư, đối với đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng theo chính sách riêng về nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang theo Điều 80 Luật Nhà ở.
Tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023, các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định trực tiếp, hướng dẫn thi hành và quy định rõ các loại sản phẩm, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh, công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định tại Nghị định 94/2024/NĐ-CP về điều kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản. Và trong tháng 8, tháng 9, Bộ Xây dựng và các cơ quan chuyên môn sẽ phổ biến pháp luật, đặc biệt là các Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8 về các thủ tục, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8, tới 63 tỉnh thành khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam để đưa Luật và các nghị định vào cuộc sống và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và minh bạch.
PV Ngọc An (Báo Tuổi trẻ TPHCM): Xin Bộ Công an cho biết diễn biến điều tra của một số vụ án liên quan đến Tập đoàn Thái Dương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thị Như Loan (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai)?
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin về các vụ án được dư luận quan tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an: Về vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thái Dương và các đơn vị liên quan, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, tách vụ án và kết luận điều tra đối với 1 bị can. Hiện đang điều tra đối với 25 bị can về 4 tội danh: Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; Buôn lậu; Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Về sai phạm của ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (bị khởi tố ngày 22/7/2024 về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"), ông Ngọc dù biết rõ Công ty CP Tập đoàn Thái Dương chưa đủ điều kiện để cấp phép, nhưng vẫn đánh giá là đủ điều kiện và đề xuất, ký ban hành Giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên đất hiếm cho Công ty CP Tập đoàn Thái Dương khai thác, dẫn đến Công ty Thái Dương đã khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản của Nhà nước với trị giá ước tính trên 600 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan trong vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Về vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 17 bị can về các tội danh: Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vừa qua, ngày 18/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tốt, bắt tạm giam Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bà Loan có dấu hiệu thông đồng với Lê Y Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance; Đặng Phước Dừa, nguyên Chủ tịch HDQT Công ty CP đầu tư thương mại Việt Tín và các cá nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa ký kết các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư, chuyển nhượng vốn góp để thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái với quy định của pháp luật để bán cho Công ty Cổ phần bất động sản Thịnh Vượng, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Liên quan đến tình hình đăng ký tuyển sinh đại học, xin Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay việc đăng ký như thế nào? Bộ đánh giá thế nào về việc đăng ký tuyển sinh, đặc biệt là những ngành nào được thí sinh ưu tiên nhiều nhất? Tình hình đăng ký các khối ra sao, những ngành như STEM là ngành mới thì lượng thí sinh đăng ký như thế nào?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin với báo chí về tình hình đăng ký tuyển sinh đại học năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Về việc tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã công bố số liệu đăng ký dự tuyển năm nay.
Đến thời điểm chốt số liệu, có khoảng trên 733.000 thí sinh trên hơn 1 triệu em đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ này khá cao, đạt 68,5% trong khi 2 năm trước đây, tỉ lệ này là 66,5% và khoảng 64%. Cũng như dự báo, con số này chứng tỏ nhu cầu học tập đại học của các em học sinh tốt nghiệp TPHT có tăng cũng như liên quan đến thị trường lao động việc làm, nhu cầu về trình độ nhân lực trình độ cao của xã hội cũng tăng. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển về KTXH đất nước. Theo quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2023, chúng ta phải đạt 260 sinh viên trên 1 vạn dân, tức là gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Như vậy là với xu hướng trên, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu này.
Điều này cũng chứng tỏ sự tin tưởng của người học, của xã hội đối với chất lượng giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực những năm qua.
Về tình hình thí sinh đăng ký vào các ngành nào nhiều, liệu thí sinh có đăng ký nhiều vào các ngành STEM, ngành KHKT công nghệ, chúng tôi xin thông tin như sau: Xét cả về cơ cấu và đối chiếu việc tăng giảm so với các năm trước, chúng ta thấy sự lựa chọn ngành học ngày nay các em học sinh được tư vấn rất kỹ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp của các ngành học cũng như thông tin về thị trường lao động cũng rất sát. Vì vậy, xu hướng lựa chọn các ngành học, các lĩnh vực đào tạo phản ánh thông qua tỉ lệ nguyện vọng của các em. Tất nhiên các nguyện vọng này chưa nói lên tất cả vì sau khi các em trúng tuyển nhập học thì sẽ đúng hơn nhưng cũng là thông tin ban đầu theo hướng tích cực.
Thứ nhất, cũng như mọi năm, có tổng cộng khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Có những lĩnh vực rất nhiều ngành và nhu cầu thực tế rất lớn nên ta so sánh con số tuyệt đối hay cơ cấu giữa các lĩnh vực đôi khi có những đánh giá chưa hoàn toàn đúng.
Lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ. Lĩnh vực về STEM như máy tính, công nghệ thông tin cũng có khá nhiều em đăng ký.
Từ năm nay, khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, tức là ngành sư phạm có số lượng thí sinh đăng ký rất đông.
Năm nay có mấy lĩnh vực gồm: Khoa học đào tạo giáo viên tăng 85% so với 2023; lĩnh vực KHTN số lượng nguyện vọng tăng 61%. Trong khi đó, có một số lĩnh vực giảm, kinh doanh quản lý giảm 3%; máy tính và CNTT giảm khoảng 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng. Tổng thể, khối STEM số nguyện vọng chiếm khoảng 30%. Ngành thiết kế vi mạch bán dẫn tăng khoảng 30%.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích để có những thông tin cụ thể hơn gửi tới các cơ quan báo chí và xã hội.
Theo Báo Điện tử Chính phủ
-
Sắp có cơ chế chính sách hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà tại nhà dân, cơ quan, khu công nghiệp
-
Yêu cầu khẩn trương triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
-
Hoàn tất góp ý Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII trước ngày 24/7
-
Kết luận của Phó Thủ tướng về đàm phán giá bán điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp
-
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất
-
Cần có quy hoạch chung tại thành phố trực thuộc Trung ương
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin
-
[VIDEO] Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng lớn của Nga