Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón nhập khẩu
Việc điều tra căn cứ theo yêu cầu của Công ty cổ phần DAP - Vinachem (Đình Vũ, Hải Phòng) và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem (Lào Cai) - hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), với cáo buộc việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.
Xét yêu cầu này, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp có thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30% hoặc có trộn thêm các nguyên tố khác như: Magiê, Canxi, Lưu huỳnh, Kali… hay bổ sung các nguyên tố vi lượng khác mà không làm thay đổi bản chất của sản phẩm.
Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam |
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ được áp dụng. Vì Căn cứ Điều 20 của Pháp lệnh về tự vệ, Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.
Bên cạnh đó, kể từ khi có quyết định tiến hành điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, Bộ Công Thương có thể thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu đối với loại hàng hóa đang là đối tượng điều tra. Việc cấp giấy phép chỉ nhằm mục đích thống kê, không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương, “Các nhà sản xuất phân bón trong nước đang phải chịu thiệt hại từ phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên để có cơ sở khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng này theo quy định WTO và pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam thì cần phải theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về khả năng tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc vì nguồn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc”.
Mặc dù chỉ đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận nhưng Quyết định trên của Bộ Công Thương đã tạo ra những hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Điều này được phản ánh qua việc tăng giá liên tiếp của cổ phiếu các doanh nghiệp phân bón đang niêm yết trên sàn chứng khoán thời gian gần đây. Các nhà đầu tư kỳ vọng, doanh nghiệp ngành phân bón sẽ được hưởng lợi nếu biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng, từ đó giá cổ phiếu phân bón sẽ được đẩy lên một tầm cao mới.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc