Điều tàu sân bay qua Biển Đông: Anh khẳng định quyền tự do hàng hải, muốn Trung Quốc tôn trọng
Tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh cùng với đội tàu hộ tống sẽ đi qua Biển Đông vào tháng 8 tới. (Nguồn: AFP) |
Động thái này của London cũng diễn ra trong bối cảnh Anh thắt chặt quan hệ an ninh với Nhật Bản.
Hành trình của Queen Elizabeth
Trong tuyên bố chung với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi hôm 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định: "Tiếp theo sau đợt triển khai đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay, Anh sẽ thường trực triển khai hai tàu chiến đến khu vực từ cuối năm nay".
Tờ Daily Mail dẫn lời ông Wallace nói rằng tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh cùng với đội tàu hộ tống sẽ đi qua Biển Đông vào tháng 8 tới, đồng thời thêm rằng London có "nghĩa vụ" khẳng định quyền tự do hàng hải.
Tàu sân bay Queen Elizabeth, mang theo phi đội tiêm kích tàng hình F-35B trong chuyến hành trình đầu tiên, sẽ cập cảng Yokosuka, nơi là căn cứ của bộ chỉ huy hạm đội Nhật Bản và tàu USS Ronald Reagan (tàu sân bay duy nhất của Mỹ được triển khai ở tiền tuyến). Queen Elizabeth sẽ được hộ tống bởi 2 khu trục hạm, hai tuần dương hạm, hai tàu hỗ trợ cùng với tàu của Mỹ và Hà Lan.
Lực lượng Hải quân Anh nâng cấp đội tàu chiến |
Ngoài ra, người đứng đầu ngành quốc phòng Anh cũng khẳng định rằng Anh có kế hoạch triển khai thường xuyên tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đến khu vực nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh.
Trung Quốc lâu nay đã khiến các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm cả Nhật Bản và Philippines, lo ngại về những tuyên bố chủ quyền phi pháp tại vùng lãnh hải quốc tế.
Trả lời Tạp chí The Times của Anh trước khi đến Tokyo, ông Wallace nêu rõ: "Không có gì bí mật khi Trung Quốc theo sát các tàu thuyền nước ngoài và thách thức các tàu đi qua vùng biển quốc tế thông qua các tuyến đường biển hợp pháp. Chúng tôi tôn trọng Trung Quốc và hy vọng rằng Trung Quốc tôn trọng chúng tôi. Tàu thuyền của chúng tôi sẽ hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép".
Trả lời Reuters, người phát ngôn Đại sứ quán Anh tại Tokyo cho biết, tàu chiến của Anh hoạt động ở Biển Đông sẽ không có căn cứ cố định.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi cho biết, sau khi đến Nhật Bản, nhóm tàu sân bay Queen Elizabeth và các tàu hộ tống sẽ chia ra để thực hiện các chuyến thăm riêng rẽ tới các căn cứ hải quân của Mỹ và Nhật Bản dọc theo quần đảo Nhật Bản.
Cũng theo ờ Dailymail cho biết sau khi đi qua Biển Đông vào tháng 8 tới, nhóm tàu của Anh sẽ tham gia tập trận ở biển Philippines cùng với Australia, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ.
Ủng hộ trật tự dựa trên luật
Tuy nhiên, ông Wallace từ chối tiết lộ liệu hạm đội tàu của Anh sẽ "chọc thủng" khu vực 12 dặm xung quanh các căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trên các thực thể đảo đá tranh chấp ở Biển Đông hay không.
Trước kia, các tàu chiến và máy bay của Mỹ đã từng di chuyển gần các căn cứ quân sự nói trên, khiến tàu thuyền Trung Quốc phát cảnh báo yêu cầu rời khỏi khu vực, đồng thời vấp phải những phản ứng giận giữ của Bắc Kinh.
Ngoài ra, theo Dailymail, Bộ trưởng Wallace cũng tiết lộ Anh sẽ triển khai Nhóm Phản ứng ven biển, một đơn vị thủy quân lục chiến được huấn luyện để thực hiện những sứ mệnh như sơ tán và các hoạt động chống khủng bố. Đây là một chỉ dấu nữa cho thấy Anh đang tăng cường can dự vào khu vực.
Kế hoạch của Anh nhằm triển khai đội tàu sân bay Queen Elizabeth đến Biển Đông được công bố trong bối cảnh London thắt chặt quan hệ an ninh với Tokyo, quốc gia vốn ngày càng quan ngại về những tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực.
Là một đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản là nơi đồn trú của các lực lượng Mỹ với quy mô lớn nhất, bao gồm tàu chiến, chiến đấu cơ và hàng nghìn lính thủy đánh bộ.
Trong một tuyên bố liên quan kế hoạch triển khai nói trên, người phát ngôn Lầu Năm Góc hoan nghênh Anh vì thể hiện "cam kết của mình với một mạng lưới liên kết giữa các đồng minh và đối tác, vốn cùng hợp tác với nhau và ủng hộ tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Theo Hiền Thu (Báo Quốc tế)
baoquocte.vn
-
Kỳ I: A. Yakovlev - “Kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines