Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đề phòng lạm phát tăng trở lại

19:00 | 28/01/2013

675 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 24/01, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2013 tăng lên 7,07% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,25% so với tháng 12/2012. Mặc dù mức tăng này chưa đáng lo ngại tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát có nguy cơ bùng phát trở lại khi mà Tết Âm lịch đang cận kề.

Hầu hết các mặt hàng đều tăng giá

Theo báo cáo, trong rổ hàng hóa tính CPI, có 10/11 nhóm hàng ghi nhận tăng giá từ 0,03%-7,4% so với tháng trước. Nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 7,4%. Duy nhất giảm giá là nhóm bưu chính viễn thông với mức giảm 0,05%.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá mạnh, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả, hàng khô… đẩy nhóm ngành này tăng 1,34%, trong đó riêng thực phẩm tăng cao đến 1,96% và chắc chắn chưa có dấu hiệu dừng lại khi mà Tết Âm lịch đang đến gần.

Bên cạnh đó, nhu cầu may mặc đầu năm mới cũng khiến cho nhóm ngành may mặc tăng cao hơn mức bình quân.

Ba nhóm ngành này tăng mạnh là nguyên nhân chính đẩy CPI tháng này có mức tăng mạnh nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây.

Hàng hóa thực phẩm tăng giá là nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 1/2013

Thực tế ngoài thị trường, giá các mặt hàng như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm tăng rất mạnh, trung bình tăng hơn trước từ 10-20%. Cá biệt, do đợt rét hại kéo dài, rau xanh đã tăng gấp đôi so với trước. Cùng với đó, lợi dụng tâm lý cận tết và sự tăng giá trước đó của điện, xăng dầu thì nhiều loại mặt hàng khác cũng bị đẩy giá lên hết sức vô lý. Điển hình như vụ việc tăng giá trứng bất hợp lý của Công ty CP, hay một vài hãng sữa tăng giá đến 10% chỉ với bao bì có chút thay đổi.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá: "So với thời điểm tháng 1 hàng năm, mức tăng CPI 1,25% là cao. Cần lưu ý đến sự đảo chiều đến giá lương thực, thực phẩm đã chi phối đến chỉ số chung - tuy nhiên, do tính chất mùa vụ nên cũng có thể lý giải được".

Cùng quan điểm khi lý giải về vấn đề này, Tổng cục Thống kê cũng nhận định: Như thông lệ cận Tết Nguyên Đán, vào dịp này do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng khá mạnh so với các tháng khác trong năm, đặc biệt Tết Âm lịch Quý Tỵ nằm trong kỳ tính CPI tháng 2/2013, do vậy, chỉ số CPI sẽ còn tiếp tục biến động mà trong đó nhóm thực phẩm, dịch vụ sẽ tăng mạnh về giá cả. Thêm vào đó cộng hưởng từ tiền điện tăng từ tháng 12/2012 và giá cước vận tải sẽ tăng trong dịp tết thì khó tránh khỏi CPI tháng 2/2013 sẽ tiếp tục ở mức cao.

Thực trạng này đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý cần phải có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trong dịp tết. Trong khi đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 6,81% của Chính phủ được xem không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Vì vậy, chính sách điều hành kinh tế trong thời gian tới cần phải hết sức thận trọng để đạt được các mục tiêu trên.

Cơ quan quản lý cần hết sức thận trọng

Đánh giá về việc nhiều mặt hàng tăng giá đột biến trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, thực tế nguồn cung và nguyên liệu không biến động thì việc tăng giá nhiều mặt hàng vào dịp tết thường là do nhiều tổ chức, tư thương thường lợi dụng để tìm mọi cách “móc túi” người tiêu dùng, tăng lợi nhuận.

Do vậy, Chính phủ cần có giải pháp hạn chế tình trạng liên kết “thổi giá” các mặt hàng và lợi dụng tình hình để “té nước theo mưa” của các tổ chức, tư thương cung cấp hàng hóa. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần có cơ chế linh hoạt hơn để phát hiện kịp thời và xử lý có tính răn đe cao hơn đối với các hành vi làm giá.

Điển hình là vụ việc Công ty CP và Công ty Emivest cùng nhau làm giá trứng gia cầm, mặc dù cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn để không gây ra ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, tuy nhiên, mức xử phạt tối đa mà CP và Emivest có thể bị xử phạt chỉ là 20 triệu đồng vẫn là một mức phạt quá thấp so với những thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu, một hành vi làm rối loạn thị trường, tạo một mặt bằng giá mới đang trong thời buổi khó khăn. Đây sẽ là một tiền lệ xấu vì doanh nghiệp cứ thích tăng giá là tăng để thu lợi nhuận, trong khi nhiều trường hợp không hề bị xử phạt hoặc nếu có thì cũng chỉ phải nộp phạt số tiền quá nhỏ so với lợi nhuận thu về từ việc thổi giá.

Song song với các chế tài xử phạt, cơ quan quản lý cũng cần nâng cao ý thức và tạo niềm tin cho người dân, tránh gây tâm lý lo lắng cho người dân về lạm phát, tạo điều kiện cho nạn đầu cơ, thổi giá.

Trao đổi về biện pháp hạn chế tăng giá CPI, Tiến sĩ Đỗ Thức – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: “Rõ ràng tính thời vụ trong việc tăng giá hàng hóa dịch vụ là luôn xảy ra, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Vấn đề là làm sao để kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Do vậy, cần phải có những giải pháp mạnh đồng thời lộ trình cải cách giá xăng dầu, điện, than theo hướng thị trường hết sức hợp lý để có thể thực hiện mục tiêu lạm phát dưới 6,81%”.

Bên cạnh đó, do lãi suất đã qua 6 lần cắt giảm liên tục cũng được cho là có ảnh hưởng đến khả năng tái bùng phát lạm phát. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng cảnh báo việc cắt giảm lãi suất nhanh và liên tục của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể gây các tác dụng ngược đối với nền kinh tế và khiến những chi phí để khắc phục tác động không mong muốn như lạm phát gia tăng sẽ lớn hơn nhiều lần những thành quả thu được.

Mục tiêu hiện tại của Chính phủ vẫn là duy trì tính ổn định của nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng trong năm 2013 là 5,5%, tuy vậy, để đạt được mục tiêu trên thì các chính sách tiền tệ được đưa ra cho năm 2013 cần phải bảo lưu được những thành tựu ổn định nền kinh tế đã đạt được trong năm qua.

Do đó chính sách điều hành về giá và chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng, phải tính tới tác động ngoài mong muốn để giữ được lạm phát theo mục tiêu đề ra, tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, Chính phủ và NHNN cần thực thi các giải pháp hiệu quả để kìm chế cao nhất mức tăng chỉ số giá CPI đồng thời tiến hành các chính sách tiền tệ thận trọng nhằm ngăn chặn được lạm phát tâm lý, cũng như sự sốt nóng của thị trường vàng là điều cần thiết vào lúc này để duy trì tính ổn định của nền kinh tế, tránh lạm phát gia tăng trở lại.

Thành Trung