Đề nghị các tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16 vận động chủ nhà miễn giảm tiền trọ
Ảnh minh họa |
Văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được gửi đến 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa và 19 tỉnh, thành phố phía Nam: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Theo đó, Bộ LĐTB&XH cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người dân, người lao động do giãn, hoãn hoặc mất việc làm, không có thu nhập dẫn đến không có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều người phải di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân rời khỏi TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để về quê. Việc di chuyển này không an toàn cho người dân, gây khó khăn trong phòng, chống dịch.
Bởi vậy, để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động, nhất là người lao động ngoại tỉnh, Bộ LĐTB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu
Bên cạnh đó, các địa phương vận động mặt trận tổ quốc, các hội đoàn thể chính trị - xã hội và người dân tổ chức các kênh cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận nơi cho người dân ở các khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất các tỉnh, thành phố thực hiện miễn giảm tiền điện, tiền nước và vận động chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thuê nhà; thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20 của Chính phủ, quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ LĐTB&XH đề nghị trên cơ sở dự báo diễn biến dịch, các địa phương chủ động phương án chính sách hỗ trợ tiền ăn (mức tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày); hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Các đối tượng địa phương cần quan tâm, ưu tiên là nhóm hộ nghèo, người lao động bị giảm sâu về thu nhập, hộ gia đình kinh doanh buôn bán dịch vụ nhỏ, lẻ phải tạm dừng kinh doanh do thực hiện giãn cách xã hội.
Đối với những trường hợp bất khả kháng, người dân phải di chuyển về quê thì cơ quan, đoàn thể nơi cư trú phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê nhà hỗ trợ thức ăn, nước uống và tổ chức phương tiện đưa người dân về quê; không để tình trạng người dân di chuyển tự phát bằng xe máy, xe đạp, đi bộ.
T.H
-
Hà Nội: Phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024
-
Sẽ trình dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp trong tháng 4
-
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: "Lương, thưởng Tết năm nay sẽ khó khăn"
-
Hà Nội: Người lao động khó khăn được nhận 1 triệu đồng dịp Tết Nguyên đán
-
Hơn 100 loại phụ cấp, phúc lợi được tách, "vẽ" để né đóng BHXH