Để không còn án oan
Năng lượng Mới số 404
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp thứ 36 khai mạc từ ngày 9/3 có nội dung chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND TC) Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự và bồi thường oan sai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Các Bộ trưởng Công an, Tài chính và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND TC) tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Còn nhớ, vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) cùng vấn đề án oan đã từng được Quốc hội đưa ra trong phiên chất vấn trong một kỳ họp.
Ông Nguyễn Thanh Chấn hoàn toàn vô tội và được bồi thường cho vụ án oan
Theo Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình, khi Viện trưởng Viện KSND TC có kháng nghị tái thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm trong vụ của ông Chấn. TAND TC đã xét xử tái thẩm. Hội đồng thẩm phán TAND TC đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng, hủy án điều tra lại. Hiện nay các thủ tục tố tụng đang được tiến hành để Viện KS thực hiện điều tra lại. Người đứng đầu ngành tòa án nói, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, cử tri cả nước cũng rất quan tâm đến câu hỏi là có oan sai hay không? Chắc các vị đại biểu cũng đã suy nghĩ có câu hỏi khác nhau. Xin báo cáo là trong những năm gần đây, số lượng vụ án hình sự rất lớn. Việc điều tra, vạch trần tội phạm rất khó khăn vất vả. Công tố, thẩm phán, điều tra cũng gặp nhiều khó khăn, áp lực, đe dọa khi thực thi công vụ.
Chánh án TAND TC khẳng định: Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… đều là những người có trình độ, là cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ. Họ đã thực hiện tốt công việc được giao. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có sai sót. Hẳn vì vậy mà trong vụ án ông Chấn, đã có các cựu điều tra viên, thẩm phán bị khởi tố là do có ép cung, nhục hình. Chánh án TAND TC thừa nhận oan sai là khó tránh khỏi, tuy nhiên, để xảy ra oan sai, nhất là án oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất là không thể chấp nhận.
Theo quan điểm của người đứng đầu ngành tòa án, việc xác định có oan hay không phải theo quy định pháp luật rất chặt chẽ. Những người có trách nhiệm phải xem xét lời kêu oan. Nếu để xảy ra oan sai là nỗi thống khổ của người dân. Bị thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng cả dòng tộc của họ. Vì thế, phải xem xét cẩn trọng, thấu đáo, đúng pháp luật. Các cơ quan liên quan, người đứng đầu ngành này sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân.
Chánh án TAND TC cũng trần tình: “Đối với tòa án, các HĐXX dựa trên hồ sơ, chứng cứ, tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật. Nếu hồ sơ đã khép kín, tòa án xử lý theo hồ sơ. Việc tòa án phát hiện có ép cung hay không là rất khó. Phải có yêu cầu từ bị cáo, từ luật sư hay từ Viện Kiểm sát thì HĐXX mới biết để xem xét. Tuy nhiên, với trách nhiệm của HĐXX, dù không phát hiện ra ép cung, nhưng để xảy ra oan sai là điều không chấp nhận. Điều này đòi hỏi sự tinh thông, nhạy bén, bản lĩnh của thẩm phán, của cán bộ tòa án. Cán bộ tòa án cần phải “phụng công, thủ pháp, chí công”. Không thể làm chùn bước những người đang làm nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, hết sức nguy hiểm. Nếu thực sự có oan sai trong từng giai đoạn xét xử, tùy theo từng giai đoạn, từng vụ việc, thuộc trách nhiệm cơ quan nào, người đứng đầu cũng có trách nhiệm”.
Trong vụ án Lê Bá Mai, một đại biểu Quốc hội chất vấn: Trong vụ này, lúc thì tòa tuyên có tội, lúc lại tuyên vô tội thả ngay tại tòa, vậy Chánh án có chỉ đạo thế nào?
Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình cho biết, vụ án đã có sơ thẩm, phúc thẩm, kháng nghị và phúc thẩm lại. Bản án cuối cùng tuyên Lê Bá Mai phạm tội. Đây là quyết định của một tòa án có thẩm quyền. Chánh án tôn trọng phán quyết của HĐXX.
Còn trách nhiệm xem xét đơn kêu oan và việc thực hiện giám đốc việc xét xử, các cơ quan chức năng của tòa án phải thực hiện, đây là trách nhiệm của hội đồng thẩm phán tòa án. Đồng thời cũng có trách nhiệm của ngành kiểm sát.
Ông khẳng định, TAND TC sẽ rất là thận trọng, khách quan trong việc xem xét lại vụ án này với tinh thần cao nhất. Vì bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu có đơn kêu oan, chúng tôi sẽ xem xét lại theo đúng quy trình pháp luật. Và trên thực tế, đã có án tử hình được tạm hoãn thi hành án để xem xét lại có việc oan sai hay không.
Theo các đại biểu Quốc hội, án oan sai đang khiến dư luận rất bức xúc. Chánh án cần rà soát lại những vụ kêu oan, đặc biệt là những vụ có mức án tử hình. Tránh trường hợp đã được giải oan thì cũng đã bị thi hành án.
Minh Nghĩa
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi mở rộng đất làm nhà ở thương mại
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường