Để có hệ thống thuế công bằng...
Bà Nguyễn Thu Hương - Đại diện OxFam tại Việt Nam: Để không ai bị bỏ lại phía sau
Chính sách tài khóa và công bằng thuế vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển, giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng. Chính sách thuế công bằng bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững để đầu tư cho các dịch vụ công thiết yếu như y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Chi tiêu ngân sách minh bạch và công bằng sẽ đem lại các kết quả phát triển cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau.
Cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 đặt ra những thách thức lớn tới sự phát triển bền vững của Việt Nam và các nước khu vực ASEAN. Trong bối cảnh đó, vấn đề công bằng trong các chính sách thuế và chi tiêu ngân sách càng trở nên quan trọng.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR: Thuế trực thu giảm mạnh
Từ năm 2006, tỷ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam giữ vững trên 80%. Vài năm gần đây, tỷ trọng này giảm xuống còn 75% do thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng tương đối trong cơ cấu thu
ngân sách.
Theo nghiên cứu của chúng tôi về công bằng thuế, tỷ trọng thuế trực thu trong tổng thu ngân sách đã giảm liên tục trong giai đoạn 2012-2017, từ 44,6% năm 2012 xuống chỉ còn 33,8% năm 2017. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018-2019, số liệu ước tính của Bộ Tài chính cho thấy tỷ trọng thuế trực thu có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9% năm 2019.
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính đó là việc áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã tăng mạnh nhưng vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu ngân sách.
Tỷ trọng thuế gián thu trong tổng số thuế ngày càng tăng, đã vượt quá 60% vào năm 2016. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) chiếm 50-60% tổng số thuế gián thu trong giai đoạn 2006-2019.
Hiện tại tỷ trọng thu thuế thu nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp. Cải cách thuế cần hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng các loại thuế gián thu.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng VEPR: Thuế đang giảm tính công bằng
Nguồn thu từ thuế tại Việt Nam chiếm tỷ trọng khá lớn trong GDP (chiếm gần 25%) và cơ cấu nguồn thu đang chuyển biến theo hướng giảm đi tính công bằng. Mục tiêu cải cách thuế giai đoạn 2016-2020 là giảm mức động viên về thuế để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến thu ngân sách từ thuế.
Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước đang có xu hướng chậm lại trong 3 năm trở lại đây. Tốc độ tăng thu thuế cũng có xu hướng giảm và ổn định ở mức 7,36%/năm trong giai đoạn 2012-2019.
Trước năm 2015, tổng chi ngân sách của Việt Nam tương đối ổn định. Bình quân giai đoạn 2006-2014, chi ngân sách chiếm khoảng 29% GDP. Giai đoạn 2015-2019, chi ngân sách giảm liên tục, từ 30% GDP năm 2015 xuống còn 25,9% GDP năm 2018. Số liệu ước tính năm 2019 cho thấy, chi ngân sách đã tăng trở lại, ước đạt 28,9% GDP.
Một số bất cập trong lĩnh vực thuế hiện nay là: Các đề xuất về tăng thuế GTGT, dự thảo Luật Thuế tài sản không được thông qua. Trong khi Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2019 được ban hành nhằm hạn chế tình trạng trốn, tránh thuế đang diễn ra phức tạp nhưng vẫn chưa tạo ra các ảnh hưởng rõ ràng tới tính công bằng của hệ thống thuế tại Việt Nam. Đặc biệt, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi nguồn lực rất lớn tạo áp lực cho ngân sách Nhà nước, vấn đề công bằng thuế cần được quan tâm.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiếu - Học viện Tài chính: Thuế GTGT đè nặng lên hộ gia đình
Căn cứ vào bộ số liệu mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) năm 2018, thu nhập từ các hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp đều giảm dần. Từ đó, thuế đánh vào các hoạt động nông nghiệp có tính lũy thoái. Mặt khác, tác động lũy tiến của thuế TNCN sẽ mạnh nhất đối với nhóm trung lưu, nhưng ít ảnh hưởng với nhóm người giàu.
Thuế GTGT chiếm vai trò quan trọng nhất trong gánh nặng thuế, phí đối với các hộ gia đình Việt Nam. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng 6,28% thu nhập của họ để đóng thuế GTGT. Nhìn chung, thuế GTGT có tính lũy thoái, chiếm tới khoảng 7,25% thu nhập của nhóm thu nhập thấp nhất trong xã hội Việt Nam và chỉ chiếm khoảng 3,61% thu nhập đối với nhóm thu nhập cao nhất.
Trái với thuế GTGT, thuế TNCN thể hiện tính lũy tiến rõ ràng nhưng trong thực tế, số hộ gia đình phải đóng thuế TNCN không nhiều. Theo đó, từ nhóm 1 đến nhóm gia đình trung lưu gần như không phải đóng thuế TNCN; còn lại từ nhóm gia đình khá giả đến nhóm gia đình có thu nhập cao nhất cũng chỉ đóng thuế TNCN tới 7,98%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Hai vấn đề của chính sách thuế công bằng
Chính sách thuế công bằng có hai vấn đề quan trọng.
Một là cân đối nguồn thu, gia tăng những nguồn thu bền vững, giảm nguồn thu không ổn định. Đây là một trong những bài toán không hề dễ giải, đòi hỏi phải tái cấu trúc lại hệ thống thuế và hướng tới đối tượng thu ổn định công bằng.
Hai là bảo đảm các nhiệm vụ chi ngân sách không được gia tăng, trên tinh thần phải cải cách tư duy nhà nước, giảm thiểu bộ máy tinh gọn, hiệu quả, giảm bớt nhiệm vụ chi, từ đó bảo đảm ngân sách bền vững.
Thành Công
-
Giải pháp phát triển các giống cây đậu tương trong tương lai
-
Hướng tới đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
-
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Đánh giá 5 năm thực hiện quy hoạch báo chí
-
Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN