Tăng cường quản lý dòng tiền: Đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
Các phương pháp quản lý dòng tiền
Trước đây, khi nền kinh tế mới mở cửa, công tác quản lý dòng tiền chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Có nhiều nguyên nhân nhưng có thể kể đến là nhận thức của ban lãnh đạo doanh nghiệp chưa đầy đủ về vai trò, vị trí của quản lý dòng tiền tại doanh nghiệp mình.
Chỉ khoảng 10 năm trở lại đây, khi trình độ quản lý đã được nâng lên trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khiến các doanh nghiệp phải tính toán để sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất thì vấn đề quản lý dòng tiền mới được quan tâm đúng mực.
Chính vì vậy, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các phương pháp quản lý dòng tiền nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, nếu chia theo chủ thể quản lý có thể chia thành hai phương pháp chính, quản lý chủ động tại doanh nghiệp và quản lý thông qua đối tác là ngân hàng.
Với loại hình quản lý tại doanh nghiệp, trong đó giám đốc tài chính (CFO) của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc quản lý dòng tiền trong mỗi doanh nghiệp. Phương pháp này đòi hỏi CFO phải có trình độ và đủ công cụ để quản lý tốt dòng tiền của mình.
Với các doanh nghiệp đi theo hướng ủy thác vai trò quản lý dòng tiền cho ngân hàng. Với cách này, doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng và thông qua đó ủy thác việc quản lý dòng tiền cho ngân hàng thông qua hoạt động thu - chi từ tài khoản này.
Cả hai cách quản lý trên đều có những ưu, nhược điểm nhất định và chỉ phù hợp với từng đặc thù của mỗi loại doanh nghiệp. Lựa chọn cách thức quản lý như thế nào cho hợp lý, phù hợp với đặc điểm dòng tiền ra, vào và đội ngũ nhân sự của mình sẽ quyết định đến hiệu quả sử dụng vốn trong mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dù quản lý bằng cách thức nào thì về nguyên tắc, các chuyên gia kinh tế đều khuyến cáo doanh nghiệp phải tự xác định cơ cấu vốn hợp lý. Trong đó, nguồn vốn dùng để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nên sử dụng từ nguồn vốn tự có, chỉ sử dụng vốn từ bên ngoài (đi vay) vào mở rộng sản xuất nhằm tăng doanh thu, hạn chế sử dụng vốn vay ngắn hạn ngân hàng để mua sắm và tài trợ cho tài sản cố định; tài sản dài hạn phải được mua sắm và tài trợ bằng nguồn vốn dài hạn.
Qua thực tiễn, những doanh nghiệp duy trì 80% dòng tiền được tạo ra từ 20% khoản mục trong hoạt động sản xuất kinh doanh thường sẽ ít chịu rủi ro trong thanh khoản và chủ động kiểm soát được chủ yếu dòng tiền của mình. Vì khi đó, chỉ cần quản lý tốt 20% các mục hoạt động là đã có thể kiểm soát tốt tới 80% dòng tiền. Vì vậy, tập trung sản xuất, kinh doanh theo nguyên lý tỷ lệ 80/20 mặc nhiên được nhiều doanh nghiệp tin tưởng, lựa chọn để quản lý định hướng kinh doanh, các khoản tồn kho và các hoạt động khác của mình.
Hướng tới mục tiêu hiệu quả
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo rất quyết liệt việc thực hiện nhiều giải pháp, chính sách để gỡ khó cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu tập trung giãn, giảm thuế và giảm lãi suất vay vốn ngân hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cao dần. Lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã được thông qua chỉ còn 22% từ 1-1-2014. Lãi suất vay vốn ngân hàng bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng chỉ còn 9-12%/năm. Tuy nhiên, dù lãi suất đã giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Hơn nữa, việc vay vốn là một chuyện và sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả lại là việc hoàn toàn khác. Không ít doanh nghiệp đang dư dả tiền mặt nhưng quản lý nguồn tiền không hiệu quả, mất cân đối trong thu - chi dẫn tới mất thanh khoản và phá sản.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thường xuyên phân tích và hoạch định, cân đối dòng tiền để chủ động cho nhu cầu hoạt động của mình trong hiện tại và tương lai.
Công tác phân tích dòng tiền sẽ giúp xác định dư tiền (sử dụng vốn chưa hiệu quả) hoặc thiếu tiền (mất thanh khoản) của dòng tiền tại các thời điểm. Công việc này đòi hỏi phải phân tích, đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp và tác động bên ngoài có ảnh hưởng đến dòng tiền ra, vào như doanh thu bán hàng, hàng tồn kho, nợ phải trả, các khoản chi phí… Từ đó tìm nguyên nhân và các giải pháp để khắc phục, phòng tránh nguy cơ tái diễn.
Đặc thù của các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong 5 nhóm ngành cốt lõi của dầu khí thường có dòng tiền khá ổn định, không có nhiều đột biến, bất thường. Vì vậy, đối với các đơn vị này, nên chọn hình thức quản lý dòng tiền thông qua việc ủy thác cho các ngân hàng. Cách này có nhiều lợi ích vì dịch vụ của các ngân hàng hiện rất tốt, hạn chế rủi ro và tính chuyên nghiệp cao hơn hẳn so với nhân sự tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngân hàng còn có thể cung cấp một loạt các dịch vụ trọn gói từ quản lý dòng tiền, thanh toán, tín dụng, L/C… và tư vấn cho doanh nghiệp xác định cho mình cơ cấu vốn hợp lý. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hưởng phí quản lý do ngân hàng chi trả (do doanh nghiệp mở tài khoản gửi tiền tại ngân hàng), đồng thời bớt chi phí khi không phải tổ chức một bộ phận chuyên trách cho hoạt động quản lý dòng tiền. Nhờ vậy, tính linh hoạt và hiệu quả trong sử dụng vốn sẽ được tăng lên đáng kể, các doanh nghiệp sẽ mạnh hơn, ổn định hơn khi chủ động được dòng vốn của mình.
Dòng tiền là dòng lưu chuyển tiền tệ (tiền vào và tiền ra) của một doanh nghiệp. Dòng tiền vào gồm: Tiền bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, tiền góp vốn bổ sung của các cổ đông, tiền vay ngân hàng, tiền huy động từ các nguồn khác. Dòng tiền ra gồm: Tiền trả cho hàng hóa, dịch vụ mua ngoài, tiền trả cho người lao động, tiền trả gốc vay, tiền trả lãi vay, tiền nộp thuế, tiền mua sắm tài sản cố định… Quản lý dòng tiền là áp dụng các phương pháp làm cho dòng tiền (ra, vào) của doanh nghiệp luôn luôn được cân đối trong hoạt động và đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. |
Thành Trung