Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp
8 tháng nhập siêu 6,21 tỉ USD
Ngày 22/9, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức buổi tọa đàm về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo các chuyên gia đánh giá, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2011 của nước ta tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tăng chủ yếu là do giá cả nguyên liệu thô tăng vì chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô. Các hàng hóa có hàm lượng chất xám cao, hàng qua chế biến, sử dụng trang thiết bị công nghệ hiện đại thì giá trị xuất khẩu vẫn thấp. Tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng này của nước ta thấp hơn so với Trung Quốc và các nước ASEAN. Một số mặt hàng tăng trưởng không đạt như kỳ vọng như linh kiện máy tính, phương tiện vận tải và phụ tùng, thậm chí một số mặt hàng tăng trưởng âm như dây điện, cáp điện và hóa chất.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2011 ước đạt 67 tỉ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ; Trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước chiếm tỷ trọng 55,1% và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 44,9%. Như vậy, ước tính tổng nhập siêu trong 8 tháng đầu năm nay là khoảng 6,21 tỉ USD chủ yếu nhập hàng hóa từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết: Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu bất ổn. Khủng hoảng chính trị kéo dài ở các nước Bắc Phi và Trung Đông; khủng hoảng nợ công và cắt giảm chi tiêu ngân sách tại EU tiếp tục diễn biến phức tạp, trong bối cảnh đó, áp lực lạm phát tại nhiều nước trên thế giới tiếp tục tăng cao làm suy giảm sức cầu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Lợi thế về giá rẻ của hàng xuất khẩu Việt Nam cũng giảm dần do các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng tương tự ngày càng chú trọng đến giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, mặc dù giá cả trong nước đã bắt đầu có những tín hiệu giảm nhiệt nhưng lạm phát dự báo vẫn còn ở mức cao, do đó lãi suất vay vốn khó có thể giảm mạnh. Đồng thời, định hướng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô khiến cho việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD còn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu
Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay và lãi suất ngân hàng quá cao. Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho rằng: Với mức lãi suất ngân hàng 18-20% thì không có cách nào để doanh nghiệp có thể đầu tư và phát triển căn cơ và bền vững được. Như thế buộc doanh nghiệp phải làm ăn theo kiểu chụp giựt, mua nhanh bán nhanh vì nếu dự trữ để chờ được giá hoặc đầu tư phát triển khoa học công nghệ thì nguồn thu vào không thể bù vào khoản trả lãi ngân hàng.
Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đang trình Chính phủ Chiến lược phát triển xuất khẩu Việt Nam đến năm 2020.
Theo đó, tăng cường hoạt động xuất khẩu theo hướng giảm xuất khẩu các mặt hàng thô, tăng xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, sử dụng công nghệ hiện đại; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; rà soát và phát hiện thêm các mặt hàng xuất khẩu mới; tăng cường công tác thông tin, nghiên cứu, dự báo thị trường để thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước.
Hiện nay, đối với hàng công nghiệp phần giá trị gia tăng chúng ta mới đạt 20-30%, đối với hàng nông sản, khoáng sản là 50%.
Theo các nhà khoa học, nếu có sự đầu tư thỏa đáng về công nghệ chúng ta có thể nâng tỉ lệ này lên 50% đối với hàng công nghiệp và 70% đối với hàng nông sản, khoáng sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào những khâu ngoài sản xuất, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm để tăng lợi nhuận xuất khẩu. Đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cần có chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động xuất khẩu để nắm bắt các cơ hội từ thị trường.
Mai Phương
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
[PetroTimesTV] Petrovietnam kiên định mục tiêu tăng trưởng để giữ ổn định và phát triển
-
Quý III/2024: GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"