Đầu tư chứng khoán năm 2023: Nhóm ngành nào "sáng" nhất?
Năm 2022 có thể coi là một năm nhiều "sóng gió", thế nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn ghi nhận những điểm sáng với số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới kỷ lục, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng và mức định giá thị trường ở vùng thấp trong nhiều năm. Đây là những nền tảng giúp thị trường có thể hồi sinh và vận động cùng nhịp với nền kinh tế trong năm 2023.
Về kinh tế vĩ mô năm 2023, Công ty chứng khoán BSC dự báo tăng trưởng GDP theo 2 kịch bản là 6,2% và 6,7% cho năm 2023, và 6,3% và 6,6% năm 2024. CPI ở mức 5,1% và 3,5% năm 2023 và lần lượt ở mức 4,2% và 3,2% năm 2024. Lãi suất 2 kịch bản giữ ở mức 7,0% và 6,5% trong năm 2023, sau đó giảm dần về mức 6,5% và 6,0% năm 2024. Tỷ giá tăng nhẹ và ổn định từ 23.700 – 24.400 trong 2 năm tới.
Về TTCK năm 2023, VN-Index có cơ hội lập đáy và hồi phục nhờ: (1) Chính phủ dự kiến sửa đổi một số quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng qua đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp; (2) Chỉ số P/E và P/B của VN-Index vẫn đang ở vùng giá thấp trong lịch sử, lần lượt ở mức 11.0 và 1.6 lần; Và (3) Khối ngoại quay trở lại vào cuối năm 2022 và có khả năng duy trì tích cực trong 2023. Theo đó, VN-Index được dự báo tăng 2,0% lên mức 1,028 điểm theo kịch bản 1 và tăng 22,8% lên mức 1.240,3 điểm theo kịch bản 2.
Về các chủ đề lưu ý đầu tư trong năm 2023, CTCK BSC đưa khuyến nghị ngành Công nghệ thông tin, Khu công nghiệp, Bán lẻ tiêu dùng, Dầu khí, Ngân hàng và Dịch vụ Hàng không được đánh giá tích cực trong năm 2023.
Trong đó, 3 chủ đề theo dõi đầu tư trong năm 2023, gồm (1) Lãi suất hạ nhiệt và chính sách đảo chiều: Ngân hàng (VCB, ACB, MBB), Bất động sản (VHM, KDH, NLG, VRE), Khu công nghiệp (GVR, IDC); (2) Đầu tư công: (HPG, PLC, PC1); (3) Trung Quốc mở cửa: Hóa chất (DGC, DPM, DRC), Thủy sản (VHC, ANV), Hậu cần (ACV); (4) Nhóm cổ phiếu khác: VNM, FPT, MWG, PLX, PVS, PVD, POW, PVT,...
Tuy nhiên, CTCK BSC cũng lưu ý nhà đầu tư các yếu tố trong năm 2023 cần theo dõi sát. Cụ thể, các yếu tố bất định ảnh hưởng đến tăng trưởng và ổn định vĩ mô vẫn hiện hữu cuối năm 2022. Việt Nam đang có độ lệch pha so với thế giới do việc bước ra khỏi đại dịch COVID chậm hơn. Thời điểm cuối 2021, nền kinh tế Việt Nam suy yếu bước ra khỏi dịch bệnh thì các nền kinh tế chủ chốt thế giới tăng trưởng tốt còn sang năm 2022 kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt thì các nền kinh tế chủ chốt lại suy yếu. Điều này nhắc nhở về quan điểm thận trọng cả về TTCK và nền kinh tế là cần thiết trong năm 2023. Các yếu tố thuận lợi đến TTCK gồm:
Cụ thể hơn, trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, các động lực tăng trưởng định hình sau dịch, dư địa chính sách tài khoá còn lớn hỗ trợ đà tăng trưởng quanh mức sản lượng tiềm năng trong của các năm trước dịch. Chính phủ tập trung tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và TTCK nói chung. Cùng với đó, mặt bằng định giá của TTCK Việt Nam vẫn ở vùng giá thấp trong nhiều năm.
Hơn nữa, nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng rõ rệt trong tháng 11 và 12 năm 2022 và có thể còn duy trì trạng thái mua ròng năm 2023 là tiền đề kéo dòng vốn nội quay trở lại thị trường.
Ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, BSC cho rằng, rủi ro không chỉ đến từ bên ngoài mà cả nội tại của nền kinh tế và lưu ý ở một yếu tố: Về quốc tế: NHTW duy trì mức lãi suất cao ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế và khả năng suy thoái với lạm phát cao; Xung đột địa chính trị và biến động của giá hàng hóa;..
BSC đánh giá các yếu tố tác động đến triển vọng TTCK 2023 trên cơ sở xem xét các khía cạnh: Môi trường kinh tế và triển vọng kinh tế vĩ mô, Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, Các dòng vốn, Triển vọng kinh tế thế giới và Các vấn đề khác.
Theo Kinh tế chứng khoán
Muốn chiến thắng trên thị trường chứng khoán, chọn thời điểm hay thời gian? |
Đầu tư chứng khoán: "Nói không với dò đáy, đoán đỉnh" |
Nhận định chứng khoán ngày 31/1/2023: VN-Index tiếp tục điều chỉnh |