Đầu tròn, áo vuông không làm nên nhà sư?!
Năng lượng Mới số 373
PV: Thưa ông, những vụ việc vừa xảy ra của giới tăng ni gây bức xúc trong dư luận, vì lâu nay hình ảnh tu sĩ Phật giao vốn được coi là tôn nghiêm. Là một nhà nghiên cứu về tôn giáo lâu năm, quan điểm của ông trước hiện tượng này?
TS Nguyễn Quốc Tuấn: Tôn giáo nào cũng có khuynh hướng bị nhiễm cuộc sống theo hướng tiêu cực, cũng như có quan niệm nhập thế - mà nhiều người cho là thâm nhập vào xã hội. Nhưng có nhiều cách “nhập thế”. Nhiều tu sĩ lựa chọn cách gần gũi tín đồ tôn giáo, hướng dẫn, bày cho cách làm ăn, cách ứng xử trong cuộc sống. Đó là chức năng của tôn giáo. Khi đã là tu sĩ, họ phải tuân theo giới luật và dù có nhập thế mấy thì vẫn phải giữ gìn luật.
TS Nguyễn Quốc Tuấn
Vụ việc sư Thích Đàm Lan thuộc về thực hiện chức năng tôn giáo liên kết xã hội, tham gia vào để chia sẻ từ bi của nhà Phật với chúng sinh. Việc sư Thích Đàm Lan nhận nuôi trẻ mồ côi, không phải là điều gì xa lạ, nhưng lại đặt ra 2 vấn đề: Việc này có mục đích tốt, nhưng phương thức lại chưa chuẩn. Chưa chuẩn nhất là việc tham gia vào cứu trợ xã hội mà không được đào tạo kỹ năng chăm sóc, nhất là hỗ trợ cho việc hình thành nhân cách của trẻ. Trừ người công giáo (dù chưa phải đã thật tốt), còn hiện nay, nhiều nơi đều nuôi trẻ tự phát chứ chưa có kỹ năng. Bên cạnh đó là vấn đề pháp lý. Từng chùa không thể đứng ra với tư cách pháp nhân tôn giáo, để mở ra một cơ sở, mà pháp nhân tôn giáo phải là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng ở đây, về pháp nhân tôn giáo, cả Giáo hội và Nhà nước đều chưa rõ ràng. Vì kẽ hở này, nếu làm đúng thì không sao, nhưng nếu làm sai thì ai phải chịu trách nhiệm? Đây là câu hỏi đặt ra với cả luật pháp, với Giáo hội Phật giáo, với tu sĩ và với chính cả Nhà nước.
Do đó, chỉ một sự việc ở chùa Bồ Đề đã tích tụ bao vấn đề từ Giáo hội Phật giáo đến Nhà nước, chứ không phải là từng chùa riêng lẻ. Do đó, cần kiến nghị: Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phải hoàn thiện luật của họ, tu sĩ phải tuân thủ pháp luật, cung cấp cho xã hội dịch vụ tiêu chuẩn, không thể chỉ đem lòng thương không. Tình thương là rất quý, nhưng để chăm sóc trẻ, cần có kỹ năng cơ bản. Riêng vấn đề công bố kết quả điều tra của vụ việc, phải theo pháp luật chứ không thể tùy tiện.
Còn sự việc của sư Thích Thanh Cường, sư Thích Minh Nhật là một hiện tượng hiểu sai lệch về tinh thần nhập thế của Phật giáo. Vì dù nhập thế, tăng ni vẫn phải giữ luật chứ không được quá giới hạn cho phép của luật như thế. Về nguyên tắc, tu sĩ không chỉ giữ luật trên môi trường ngôi chùa, mà ở bất kể nơi đâu và bằng cả thân giáo. Đi, đứng, nằm, ngồi phải uy nghi, nghiêm trang, những động tác đều thể hiện rõ mình là người tu, nên việc mặc bộ rằn ri, hay chụp ảnh với cô này cô khác… là không được phép coi như chuyện bình thường. Vì là tu sĩ. Luật Phật giáo quy định không được phép thế và tu sĩ không thể vi phạm. Vấn đề bây giờ là phải sám hối, thực hiện đúng luật, chứ không phải là bao biện.
Ảnh nhạy cảm của sư Thích Minh Nhật
PV: Thưa ông, có phải việc quản lý tăng ni có vấn đề, khi có hiện tượng sư coi chùa như nhà riêng, hay tự dựng tượng rồi sở hữu các tài sản lớn như biệt thự, xe hơi?
TS Nguyễn Quốc Tuấn: Đúng là có hiện tượng các nhà sư trong tình trạng quản lý lỏng lẻo. Nhưng luật của Phật đã dạy: “Không có gì do người khác tạo ra, mà chính tại mình”. Nên không thể đổ cho ai, do hoàn cảnh xô đẩy, môi trường lôi kéo, mà người tu sĩ Phật giáo trước hết phải tự cải biến. Nhiều người hiểu sai nên đã biến chùa thành nhà riêng của tu sĩ. Nhưng luật của Phật quy định, tất cả thiền viện, chùa ấy chỉ là nơi trú trì, rồi hằng năm tu sĩ đi khất thực ở nơi nào đó 3 tháng và ngồi kiểm điểm về một năm qua. Phật yêu cầu tu sĩ tuyệt đối không được sở hữu gì ngoài bộ cà sa, bồ đoàn tọa cụ...
PV: Thưa ông, những năm gần đây, nhiều chùa xây dựng các tăng phòng tiện nghi hiện đại, khiến dư luận băn khoăn rằng, tu sĩ là phải khổ hạnh?
TS Nguyễn Quốc Tuấn: Xã hội thay đổi, cũng không nên bắt các sư phải thuần túy sống khổ hạnh, tuy tu khổ hạnh mới có thể đưa đến sự giải thoát. Thời Phật thuyết đã nói đến 2 chuyện sướng khổ: Phật 6 năm đi tu khổ hạnh, chỉ uống nước sương, người gầy gò, mụn nhọt, ngất lên ngất xuống, sau tỉnh dậy được là nhờ uống sữa của mấy người du mục. Đức Phật hiểu rằng, tu khổ hạnh thế không thể ra chân lý mà cần phải cân bằng được giữa cái sướng và cái khổ. Không quan trọng là người tu sĩ ăn, uống gì, tu như thế nào, mà quan trọng là họ giữ được cân bằng giữa sướng và khổ, thoát khỏi dục vọng tham - sân - si.
PV: Trên mạng xã hội, nhiều người phàn nàn về việc sư ăn thịt, uống rượu không còn hiếm. Ý kiến của ông về vấn đề này?
TS Nguyễn Quốc Tuấn: Đức Phật có lần thuyết: Người ta cúng dường thì mình không được từ chối. Người tu sĩ không trực tiếp sát sinh, không nhìn thấy hay cổ vũ cho việc sát sinh và khi người ta cúng dường thì ăn. Một số nhà sư cũng không ăn chay hoàn toàn. Thực ra, chuyện chay mặn không phải là quá lớn trong Phật giáo, cái chính là đạo hạnh, phẩm hạnh của tu sĩ đã xuống cấp, khiến người dân không còn trân trọng như trước. Nhà sư khác người bình thường ở 2 điều: Giữ luật và sống toàn tâm toàn ý, không còn vướng bận gì.
PV: Có ý kiến cho rằng, nhiều người tu hành coi sư là một nghề?
TS Nguyễn Quốc Tuấn: Điều đó dành cho những người đi tu mà không thoát tục được. Con đường tu rất khó khăn, lại còn bị những tác động ở bên ngoài xã hội. Không phải cứ cạo đầu, khoác áo tu hành ở trong chùa là được. Nhưng nói rằng có người không tìm được việc làm mà đi tu thì tôi không cho là thế. Vì lọc trong phần lớn những người đi tu, đều có gốc gác là gia đình, bà con có người xuất gia rồi. Không có những người không có ảnh hưởng mà đi tu. Đi tu là một lối thoát, có người tự nguyện, có người bị thúc đẩy vì một lý do nào đó.
PV: Hiện có thể gọi là đang có sự khủng hoảng lòng tin với tôn giáo?
TS Nguyễn Quốc Tuấn: Gần đây có nhiều việc của tu sĩ Phật giáo bị dư luận lên án, không hài lòng. Quả đúng là một số tu sĩ đang tự làm suy giảm hình ảnh đẹp đẽ vốn có, làm ảnh hưởng đến uy tín Phật giáo. Nhưng không phải vì thế mà có thể cho là Phật giáo mất ảnh hưởng, vai trò đối với đa số dân chúng. Tuy nhiên, đó cũng là lời cảnh báo rõ ràng nhất đối với giới tu sĩ về nguy cơ bị tha hóa, nhiễm tệ đoan. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ XX. Nguy cơ bây giờ là có thật và nhu cầu chấn hưng cũng là có thật. Vì thế mới có câu: Đầu tròn áo vuông không làm nên nhà sư.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Hằng (thực hiện)
-
Tử vi ngày 29/10/2024: Tuổi Dậu cải thiện tài chính, tuổi Tuất kinh doanh có lợi
-
Bão Kong-rey diễn biến khó lường, dự báo sẽ đổ bộ Biển Đông
-
Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
-
Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó bão số 6
-
Quảng Nam: Chủ động sơ tán người dân trước diễn biến của bão số 6
- Tử vi ngày 29/10/2024: Tuổi Dậu cải thiện tài chính, tuổi Tuất kinh doanh có lợi
- Tử vi ngày 28/10/2024: Tuổi Tỵ tình duyên tươi sáng, tuổi Dần tin tức tốt lành
- Tử vi ngày 27/10/2024: Tuổi Sửu nhận được tín nhiệm, tuổi Tuất khẳng định vị thế
- Tử vi ngày 26/10/2024: Tuổi Mão ấn tượng tốt đẹp, tuổi Mùi tràn đầy năng lượng
- Tử vi ngày 25/10/2024: Tuổi Thìn phát huy tài lẻ, tuổi Thân tiến triển tích cực
- Tử vi ngày 24/10/2024: Tuổi Tý quý nhân che chở, tuổi Ngọ tài lộc rực rỡ
- Tử vi ngày 23/10/2024: Tuổi Dần phát huy tiềm năng, tuổi Dậu cơ hội phát triển
- Tử vi ngày 22/10/2024: Tuổi Tỵ cải thiện thu nhập, tuổi Tuất phát huy điểm mạnh