Khi nhà sư vướng mùi trần tục
Năng lượng Mới số 363
Gần đây, dư luận xôn xao về việc nhà sư Thích Thanh Cường (trụ trì chùa Cương Xá, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) sở hữu iPhone 6, Vertu (có giá trị hơn 600 triệu) và xe sang Maybach. Ngay lập tức, những hình ảnh nhà sư cầm điện thoại đắt tiền, chụp ảnh tự sướng với cả… trai đẹp, mặc quần áo rằn ri, chụp ảnh ăn uống tại nhà hàng, đi nước ngoài cùng người khác… được tung ra tràn lan trên các mạng xã hội, nhiều người đã giật mình bởi sự “trần tục” của những người mặc áo cà sa này.
Rõ ràng, không ai cấm đoán việc một nhà sư sử dụng đồ công nghệ hiện đại và của cải vật chất để phục vụ cuộc sống hằng ngày cũng như cho việc giảng đạo, tu tập; bởi xã hội càng phát triển, việc con người hướng tới sự đủ đầy, trọn vẹn là điều không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, ngày xưa Đức Phật đầu trần chân đất đi hóa độ, thì sau này các nhà sư đã có thể đi xe, đi máy bay. Tương tự, các tiện nghi khác trong đời sống cũng cần được sử dụng như là phương tiện giúp công việc hóa độ chúng sinh dễ dàng hơn. Những micro, những đĩa CD, MP3, video đã giúp bài giảng đi xa hơn, rõ hơn, thuận tiện cho những người bận rộn không thể trực tiếp đến chùa nghe giảng. Các thầy cũng cần có laptop, cần gửi mail, cần biết Photoshop, Powerpoint, Indesign… để thiết kế bài giảng phong phú, đẹp mắt để dễ truyền thụ giáo lý. Thậm chí, thầy có smartphone (điện thoại thông minh) để tiện lên mạng đọc tin tức, thời sự, cập nhật đời sống chúng sinh mà giảng dạy sao cho gần gũi thực tế cũng là điều dễ hiểu.
Những nhà sư dính scandal trong thời gian vừa qua
Tuy vậy, hình ảnh những người tu hành sử dụng điện thoại đắt tiền và cả xe sang… có lẽ đang đi ngược lại giáo lý của nhà Phật. Với trường hợp của nhà sư Thích Thanh Cường, có lẽ thầy không mua, không sở hữu chiếc điện thoại iPhone 6 và cũng không sở hữu chiếc xe Maybach đắt tiền; thế nhưng việc làm và những lời bình của thầy là hoàn toàn sai với đường lối tu tập của người tu sĩ. Từ trước đến nay, Phật giáo Đại thừa không đề cao chủ nghĩa hưởng thụ vật chất (và càng không chấp nhận sử dụng đồ dùng xa xỉ) mà hướng đến một đời sống “tri túc thường lạc” (sống biết đủ với đời sống tối thiểu, bình thường, giữ tâm mình được an lạc), mọi đồ dùng vật chất chỉ là phương tiện trong đời sống, chứ không lấy sự thỏa mãn nhu cầu vật chất làm mục đích.
Câu chuyện của nhà sư Thích Thanh Cường đang dần lắng xuống khi đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng khẳng định sẽ xem xét và đưa ra hình thức kỷ luật căn cứ vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để giữ gìn niềm tin của Phật tử. Thế nhưng cũng phải khẳng định, đây không phải lần đầu tiên những “lùm xùm” liên quan đến những nhà tu hành bị phanh phui và khiến dư luận xã hội hoang mang, thậm chí là phẫn nộ.
Còn nhớ vào tháng 11/2012, hình ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư Thích Pháp Định và hôn tay nhà sư Thích Giác Ân tràn lan trên các trang báo đã ngay lập tức gây “sốc” cho người hâm mộ và những người quan tâm tới Phật giáo. Bỏ qua lời qua tiếng lại về việc “ai là người chủ động”, kết quả của vụ “khóa môi” này là hai nhà sư phải nhận hình phạt “biệt chúng” (cấm túc, không cho ra khỏi phòng tiếp xúc với người bên ngoài) trong thời gian 3 tháng để sám hối lỗi lầm của mình; còn Đàm Vĩnh Hưng chịu án phạt 5 triệu đồng.
Tháng 11/2013, người dân xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội xôn xao vụ sư Thích Minh Phượng - trụ trì chùa Chân Long tự ý ném bức tượng cổ xuống sông. Sau đó, sư còn mang một bức tượng đúc bằng đồng truyền thần với tỷ lệ tương ứng với khuôn mặt của mình về thờ cúng tại chùa. Là một nhà tu hành nhưng có vẻ như sư thầy này còn có nhiều ham muốn ở cõi đời phàm tục, bằng chứng là sư thầy Thích Minh Phượng xây dựng nhà tắm rất hiện đại (trên tường buồng tắm có cả viên gạch hoa in hình một cô gái bán nude) trong khuôn viên chùa. Trước những việc làm của sư thầy, hàng trăm phật tử trong xã Chàng Sơn đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã Chàng Sơn, HĐND, Ban Văn hóa xã Chàng Sơn, nêu rõ những hành động trái với quy định tôn giáo của sư Thích Minh Phượng.
Không chỉ vậy, một vài vị đại đức khác, không chỉ vi phạm giới luật mà còn vi phạm cả pháp luật, đương nhiên họ chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh, họ không thể làm vẩn đục sự thanh khiết của tinh thần Phật pháp.
Phật giáo có vị trí rất quan trọng đối với xã hội Việt Nam và những người tu hành luôn nhận được sự kính ngưỡng, trọng vọng của toàn dân. Họ tu đạo, đọc Kinh niệm Phật nhưng chưa bao giờ quên trách nhiệm với xã hội khi ngày ngày giúp Phật tử hướng thiện, sống đẹp và có ích. Thế nhưng, một bộ phận những người tu hành đang làm chiếc áo cà sa trở nên “xấu xí”, “trần tục hóa” và thậm chí là phi nhân văn trong mắt dư luận xã hội, khiến lòng tin của mọi người bị dao động nghiêm trọng. Nhưng nghĩ sâu hơn một chút, phải chăng chính chúng ta cũng đang có lỗi trong sự “biến tướng” của một số người tu hành. Bởi tâm lý ham cầu lợi lộc, đua nhau “hối lộ” thần thánh để có lợi lộc của phần đông con nhang đệ tử thiếu hiểu biết về tôn giáo đã làm hỏng các bậc chân tu.
Lòng tin là điều quan trọng nhất trong Phật pháp. Nhưng chính bởi thế, nên Phật lại dạy ta cách... đừng tin. Trong bối cảnh lòng tin trong xã hội đang xuống thấp cực điểm trước bao nhiêu tội ác, có lẽ cần nhắc lại lời dạy của Đức Thế Tôn: “Này các vị Kalama, các vị đừng tin vì nghe lời nói lại, đừng tin vì theo truyền thống, đừng tin vì nghe lời đồn đại, đừng tin vì có trong kinh điển (tức là ám chỉ chính lời dạy của Phật), đừng tin vì lý luận siêu hình, đừng tin vì suy diễn hay dựa lên những dữ kiện, đừng tin vì thấy thích hợp với mình, đừng tin vì người nói có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Nhưng này các vị Kalama, khi nào các vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện, các pháp này nếu được thực hiện, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau”, thì các vị hãy từ bỏ chúng. Và khi nào các vị tự mình biết rõ: “Các pháp này là thiện, các pháp này nếu được thực hiện, thì sẽ dẫn đến hạnh phúc an vui”, thì các vị hãy đi theo và hành trì”.
Thường trực Ban Trị sự đã quyết định bãi miễn chức Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Tứ Kỳ và cảnh cáo trước Giáo hội Phật giáo tỉnh đối với nhà sư Thích Thanh Cường (trụ trì chùa Cương Xá, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương nhận định, việc làm của Đại đức Thích Thanh Cường là trái với đường lối tu tập của người tu hành, ảnh hưởng đến thanh danh của nhà Phật. Theo Hòa thượng Thích Quảng Tùng (Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự - Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương), do sư Cường cũng có những việc làm không tốt như vận động người khác chống đối, nói xấu lãnh đạo trong Giáo hội, không tuân theo Hiến chương của Giáo hội và luật pháp. Tuy nhiên, do nhà sư đã làm được nhiều việc tốt nên Ban Trị sự đã thống nhất vẫn để Đại đức Thích Thanh Cường tiếp tục giữ chức trụ trì chùa Cương Xá. |
Khánh An
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
-
Bộ Trưởng Bộ Công Thương: Điện phải đi trước một bước
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi