Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 1)

19:00 | 10/11/2022

10,282 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực” được coi là Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX của Daniel Yergin – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, giảng viên Đại học Harvard. Nội dung cuốn sách thuật lại chi tiết toàn cảnh lịch sử của ngành dầu mỏ, mô tả các cuộc đấu tranh giành tiền bạc và quyền lực xung quanh ngành công nghiệp dầu mỏ, làm rung chuyển kinh tế thế giới, làm thay đổi vận mệnh của nhiều quốc gia, dân tộc, gây ra nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu. Petrotimes sẽ lần lượt đăng tải nội dung tác phẩm nổi tiếng này để phục vụ bạn đọc.
dau mo tien bac va quyen luc ky 1

LỜI GIỚI THIỆU ẤN PHẨM CỦA TS. TRẦN NGỌC CẢNH

Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng như hiện nay thì dầu mỏ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Giá dầu ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế toàn cầu và hầu như mọi ngành công nghiệp đều chịu tác động rất lớn bởi những biến động của nguồn tài nguyên quý giá này. Chỉ trong vài tháng qua, giá dầu đã tăng đột ngột, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Tháng 7 năm 2008, giá dầu lần đầu tiên đạt kỷ lục trong lịch sử với mức giá 150 đô-la/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng vừa công bố báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ thế giới. Nhu cầu tăng mạnh ở các nước đang phát triển và những căng thẳng về nguồn cung hiện nay dự báo "một bức tranh thị trường dầu mỏ u ám trong trung hạn". Dầu mỏ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng có nhiều biến động khiến giá dầu không ngừng leo thang.

Thực tế đang chứng minh rằng thế giới sẽ dần dần được vận hành bởi động lực là dầu mỏ cho đến khi nhân loại tìm ra được một loại nhiên liệu khác đủ sức thay thế hoàn toàn, mà con đường đó dường như còn xa... Nằm trong sự ảnh hưởng chung đó, Việt Nam cũng không tránh khỏi những biến động và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động trong ngành dầu mỏ. Giá xăng và nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia và đời sống của người dân.

Nhận thấy tầm quan trọng của dầu mỏ trong đời sống kinh tế, chính trị quốc tế, PetroVietnam đã hợp tác với Alpha Books, Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách mang tên Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực – Thiên sử thi vĩ đại nhất thế kỷ XX. Như cuốn sách cho thấy, đằng sau rất nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, va chạm, liên kết, liên minh, có một nguyên nhân luôn thường trực, đó là dầu mỏ. Dầu mỏ không còn giới hạn là một thứ nhiên liệu lỏng đơn thuần mà đã trở thành một thứ vũ khí mang màu sắc chính trị, kinh tế, dĩ nhiên là cả tôn giáo, văn hóa…

dau mo tien bac va quyen luc ky 1
Daniel Yergin

Đây là một cuốn sách trên 1.200 trang khắc họa sâu sắc toàn cảnh lịch sử phát triển và vai trò của ngành dầu và các sản phẩm lọc hoá dầu. Tác giả của cuốn sách, Daniel Yergin là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu và dầu mỏ. Ông là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, một cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế. Ông cũng là đồng tác giả cuốn Energy Future (Năng lượng tương lai). Một cuốn sách được giải của ông là Shattered Peace (Nền hòa bình bị phá bỏ) đã trở thành tác phẩm lịch sử kinh điển về những nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh. Cuốn The Commanding Heights (Những đỉnh cao chỉ huy) của ông đã được xuất bản tại Việt Nam và được độc giả đánh giá cao.

Chúng tôi tin rằng, tác phẩm đầy giá trị này của Daniel Yergin – Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực sẽ giúp độc giả Việt Nam, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng hiểu biết sâu sắc hơn về các cuộc giao tranh quyền lực nóng bỏng, sự giàu có của các cường quốc, nguyên nhân cội rễ của các cuộc xung đột Trung Đông, vai trò của các quốc gia Vùng Vịnh trong nền kinh tế toàn cầu và những biến động chính trị trong khu vực ảnh hưởng đến toàn thế giới...

dau mo tien bac va quyen luc ky 1
Ấn bản bằng tiếng Việt

LỜI TỰA CỦA GS.TSKH. HỒ SĨ THOẢNG

Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam – Petro Việt Nam

Bạn đang cầm trong tay một cuốn sách rất đặc biệt; có thể coi đây là cuốn biên niên sử hết sức lý thú của hành tinh chúng ta trong hơn một thế kỷ nay, xoay quanh một tài nguyên có tầm quan trọng sống còn đối với hầu hết các quốc gia muốn đặt chân lên con đường công nghiệp hóa và đi tới phồn vinh, đó là DẦU MỎ. Tác giả cuốn sách, DANIEL YERGIN, người đã được trao giải thưởng Pulitzer, là một chuyên gia về các vấn đề toàn cầu và dầu mỏ. Ông là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu năng lượng Cambridge, một cơ quan tư vấn hàng đầu về năng lượng quốc tế. Ông cũng từng là giảng viên trường Đại học Harvard và trường John F. Kennedy Harvard.

Một tác phẩm lớn khác của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam là cuốn Những đỉnh cao chỉ huy, được độc giả đánh giá rất cao Ngay từ đầu bạn đọc chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của cuốn sách. Dù bạn là người đã từng hoặc đang làm việc trong lĩnh vực dầu khí đi nữa thì khi bắt đầu đọc cuốn sách này, bạn vẫn có thể cảm thấy hiểu biết của mình về tầm vóc và ảnh hưởng của các hoạt động dầu khí đối với xã hội loài người còn quá khiêm tốn; rằng hóa ra gần cả thế kỷ nay dầu mỏ và sau này là khí thiên nhiên (còn gọi là khí đốt) đã đóng một vai quan trọng đến mức khó hình dung nổi đối với sự phát triển của lịch sử thế giới; rằng số phận của không ít những quốc gia, dân tộc, tập đoàn kinh tế, nguyên thủ quốc gia và chính khách… lẽ ra đã khác đi nếu dầu mỏ không được dùng làm vũ khí trong các cuộc đối đầu giữa các quốc gia và các thế lực chính trị, xã hội đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại.

Nhưng lịch sử đã sang trang và thế giới đang như bạn thấy chứ không phải như thế khác. Nhưng điều hết sức lý thú là tác giả cuốn sách sẽ đưa bạn trở về với những sự kiện lịch sử có thể bạn đã biết, tuy nhiên lại cung cấp cho bạn những thông tin, phân tích, đánh giá khá độc đáo và đầy sức thuyết phục để minh chứng cho vai trò quyết định của dầu mỏ đến chiều hướng phát triển của những sự kiện đó.

Trong phần mở đầu cuốn sách, tác giả viết: "Dầu mỏ là ngành kinh doanh lớn nhất và toàn diện nhất thế giới, là ngành công nghiệp vĩ đại nhất trong số các ngành công nghiệp vĩ đại từng xuất hiện trong mấy thập kỷ cuối thế kỷ XIX… Ngành kinh doanh này, trong thế kỷ XX, đã mở rộng tới mọi đối tượng, từ các nhà khoan dầu mạo hiểm, các nhà thúc đẩy kinh doanh hoạt ngôn, các ông chủ doanh nghiệp độc đoán, tới các bộ máy doanh nghiệp quan liêu lớn và các công ty nhà nước. Sự bành trướng của nó là hiện thân cho sự phát triển của thương mại, thị trường, chiến lược kinh doanh, những thay đổi về công nghệ, và các nền kinh tế quốc gia và quốc tế của thế kỷ XX.

Lịch sử dầu mỏ đã chứng kiến sự ra đời của nhiều hợp đồng và nhiều quyết định quan trọng – do các cá nhân, công ty và các quốc gia thực hiện. Đôi khi, chúng ra đời dựa trên những suy tính kỹ càng, và đôi khi, chúng lại chỉ đơn giản là kết quả của một sự tình cờ. Không ngành kinh doanh nào có thể định nghĩa rõ ràng và chính xác ý nghĩa của rủi ro và phần thưởng cũng như tầm quan trọng của cơ hội và số phận như ngành dầu mỏ". Có thể coi đó là sự mô tả khá chính xác vóc dáng và bản chất của ngành công nghiệp dầu khí. Từ địa vị chưa mấy được chú ý vào đầu thế kỷ XX, dầu mỏ, với tư cách một nhân tố tạo nên sức mạnh quốc gia, đã khẳng định tầm quan trọng của nó ngay trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi những chiếc máy bay chạy bằng động cơ đốt trong soán ngôi của các phương tiện di chuyển dùng ngựa và than.

Đến giữa thế kỷ XX, rất ít người còn hoài nghi về vai trò quan trọng không thể thiếu của dầu mỏ trong cán cân năng lượng toàn cầu. Nửa cuối của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự bứt phá và chiếm lĩnh vị trí thống soái của dầu mỏ và khí thiên nhiên với nền công nghiệp và dịch vụ xã hội, bỏ xa nhiên liệu hóa thạch truyền thống là than đá. Những năm đầu của thế kỷ XXI này đang đánh dấu sự vươn lên ngoạn mục của dầu mỏ và khí đốt khi các quốc gia giàu hai nguồn tài nguyên này dường như đang có khả năng khuynh đảo ít nhất là một phần của thế giới văn minh bằng cách đóng hay mở các giếng dầu hoặc các đường ống dẫn khí. Mấy năm nay, Iran vẫn bướng bỉnh với các nghị quyết của Liên hợp quốc và các cường quốc Âu - Mỹ về vấn đề hạt nhân chắc cũng dựa vào thế có trữ lượng dầu gần 20 tỷ tấn, chỉ đứng sau Arập Xêút.

Venezuela, một trong những nước có trữ lượng dầu khổng lồ, cũng tỏ ra hết sức ngang ngạnh trong quan hệ với Mỹ. Quan hệ Nga - Ukraine, Nga - Belarus lúc ấm (thậm chí đã quyết định thành lập Liên bang với nhau), lúc lạnh cũng vì khí đốt. Rồi Trung Quốc, quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế cùng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới (trong khi nguồn tài nguyên trong nước có hạn), đã có những hoạt động hết sức mạnh mẽ để đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với hầu hết các nước châu Phi có lẽ cũng nhằm vào nguồn tài nguyên dầu khí từ lục địa này.

Có thể nói, sự tồn vong và phát triển của thế giới hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các nguồn tài nguyên, chủ yếu là dầu mỏ, khí đốt và than đá. Ngay cả nguồn lương thực của chúng ta, dù là sản phẩm của ngành nông nghiệp, cũng phụ thuộc không ít vào các nguồn tài nguyên này với tư cách là nguyên liệu (ví dụ để sản xuất phân đạm từ dầu, khí và than đá) hoặc nhiên liệu cho máy móc.

Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu năng lượng thế giới, trữ lượng dầu được xác minh của toàn thế giới (số liệu năm 2005) nằm trong khoảng từ 2.050 cho đến 2.390 tỷ thùng, tương đương từ 270 đến 323 tỷ tấn, và đến bây giờ chúng ta đã sử dụng khoảng 45 cho đến 70% trữ lượng đó. Các nước ở vùng Trung Đông chiếm khoảng một nửa trữ lượng dầu xác minh của thế giới, trong đó riêng Saudi Arabia chiếm một phần tư.

Nếu tính cả vùng Bắc Phi và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Trong khi đó, trữ lượng dầu ở các nước G7 khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá ít (trừ Canađa có trữ lượng dầu trong cát lớn, nhưng có lẽ còn lâu mới có thể khai thác hiệu quả được do giá thành khai thác cao). Cho nên, điều dễ hiểu là vùng Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi và cả Mỹ Latinh, hiện có nhiều điểm nhạy cảm nhất, tiềm ẩn những bất ổn về an ninh chính trị của thế giới.

Không ai có thể dự đoán được nguy cơ mất ổn định ở những vùng này bao giờ mới có hồi kết chừng nào dầu mỏ vẫn còn là đối tượng, cũng là công cụ hết sức nhạy cảm và hữu hiệu trong các tranh chấp quốc tế dù dưới bất kỳ màu áo gì: sắc tộc, tôn giáo hay hệ tư tưởng, chế độ chính trị. Nhưng liệu thế giới còn sử dụng dầu được bao nhiêu năm nữa? Liệu có phải thời gian để sử dụng lượng dầu dự trữ đã được xác minh có thể còn ngắn hơn 40 năm? Vậy các kịch bản có thể xảy ra với bức tranh dầu khí cũng như thế giới trong thế kỷ này sẽ như thế nào? Liệu nhân loại còn có khả năng tìm thấy dầu (và khí) nữa không? Giải pháp nào sẽ được tiến hành để bảo đảm nguồn năng lượng cho tương lai nếu dầu cạn kiệt? Đó là những câu hỏi luôn luôn làm đau đầu nhà lãnh đạo các quốc gia và gánh nặng đó lại được đặt lên vai các nhà khoa học, các nhà quản lý. Câu hỏi đầu tiên cần trả lời là dưới lòng đất còn bao nhiêu dầu nữa?

Theo đánh giá của các nhà khoa học thì trong tương lai còn có thể tìm thêm được khoảng từ 275 đến 1.469 tỷ thùng dầu nữa. Nếu lấy con số lạc quan nhất thì lượng dầu sẽ được phát hiện và xác minh sẽ bằng với trữ lượng xác minh mà chúng ta đang có trong tay. Nghĩa là kỷ nguyên dầu mỏ còn có thể kéo dài thêm 40 – 50 năm hoặc dài hơn, ngắn hơn, tùy mức sử dụng hàng năm tăng hay giảm. Tuy nhiên, triển vọng này lạc quan đến mức độ nào là điều không dễ dự báo.

Song các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới vẫn tỏ ra tin tưởng, bởi hiện tại đang có một số khả năng chứng tỏ việc tăng trữ lượng dầu toàn cầu là điều có thể xảy ra. Thứ nhất, đó là việc tăng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ đang và sẽ đưa vào khai thác. Điều này đạt được là nhờ các công ty khai thác dầu đưa vào sử dụng những công nghệ và kỹ thuật hiện đại, tiết kiệm chi phí cho việc thăm dò và khai thác dầu, làm giảm giá thành. Thứ hai, trữ lượng dầu được công bố của các quốc gia chưa phải là trữ lượng thật sự người ta có. Thứ ba, trữ lượng được xem xét hiện nay chưa bao gồm các dạng hóa thạch có chứa dầu như cát dầu (tar sands) và bitum (bitumen).

Một tiềm năng chưa được tính đến nữa là trữ lượng có thể có ở Nam Cực đang bị cấm thăm dò, khai thác vì mục đích bảo vệ môi trường. Nói chung, các nguồn dầu này, nếu khai thác được, sẽ cho sản lượng không nhỏ trong cán cân năng lượng hóa thạch. Thứ tư, các vùng nước sâu, vùng gần Bắc Cực đang là thử thách cũng là cơ hội lớn đối với các công ty dầu khí thế giới.

Trong những năm gần đây, nhiều mỏ dầu nước sâu ở vịnh Mexico, ở Angola và ở Đông Thái Bình Dương đã được phát hiện và đưa vào khai thác. Ở Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục tìm kiếm dầu khí ở những vùng gần bờ, các công việc chuẩn bị cho việc ra xa bờ, nhất là vùng thềm lục địa phía nam, đang được xúc tiến tích cực.

Theo đánh giá của các cơ quan năng lượng quốc tế, Việt Nam đang ở trong giai đoạn tăng trưởng sản lượng dầu, trong khi Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã đi qua giai đoạn đỉnh cao của sản lượng. Triển vọng lạc quan của ngành dầu khí sẽ còn được nâng cao hơn nữa nhờ một hướng đi đang được mở ra để gia tăng nguồn nhiên liệu cho giao thông vận tải, công nghiệp và sinh hoạt. Đó là nguồn nhiên liệu sinh học, mà chủ yếu là cồn sinh học (gasohol) và diesel sinh học (biodiesel). Cồn sinh học, mà thực chất là etanol được sản xuất từ ngũ cốc, sắn, mía, củ cải, kể cả xác các loại thực vật..., đang được nhiều nước như Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... sản xuất với quy mô không nhỏ để thay thế hoặc pha lẫn với xăng. Trong khi đó, biodiesel sản xuất từ các loại dầu thực vật, chủ yếu là dầu hạt cải (rape oil) và dầu hướng dương (sunflower oil) thì lại được nhiều nước châu Âu chú trọng.

Năm 2005, EU đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn biodiesel. Và để đón đầu và tiếp cận sự "ra đi" của kỷ nguyên dầu khí có khả năng xảy ra vào nửa cuối thế kỷ này, các nhà khoa học trên thế giới còn có những kịch bản hấp dẫn và lãng mạn hơn nữa. Đó là năng lượng nhiệt hạch (năng lượng phát ra khi tổng hợp hạt nhân chứ không phải năng lượng phân rã hạt nhân như trong các nhà máy điện nguyên tử hiện nay), năng lượng mặt trời, các dạng năng lượng tái tạo khác và nhất là năng lượng hydro lấy từ nước thông qua phản ứng quang - xúc tác.

Có thể nói, dầu mỏ đã trở thành động lực phát triển của thế giới trên con đường tiến tới văn minh, đồng thời cũng là nguyên nhân gây ra biết bao biến động xã hội để tàn phá nền văn minh đó. Nhưng đó là định mệnh chăng? Năng lượng nguyên tử, thậm chí lúc mới được phát hiện, chưa mang lại lợi ích gì cho nhân loại thì đã gây tai họa, nhưng rồi nó cũng phải thuần phục để phục vụ lợi ích con người. Và chúng ta hy vọng khi phải chia tay với kỷ nguyên dầu khí, thì loài người đã có trong tay những nguồn năng lượng thay thế dồi dào và sạch hơn.

Đúng như lời của tác giả cuốn sách này, dầu mỏ (và khí thiên nhiên) đã tạo nên "những thay đổi vĩ đại" trong hơn một thế kỷ nay của lịch sử nhân loại. Qua những trang sách, độc giả sẽ nhận rõ, một mặt, những "cống hiến" to lớn của dầu mỏ đối với sự phát triển thần kỳ của thế giới, mặt khác, những "tội lỗi" tày trời trong việc tiếp tay cho những kẻ tham tiền bạc và những thế lực tham quyền lực gây ra chết chóc, bất công xã hội và những cuộc tàn phá kìm hãm nền văn minh nhân loại. Đó là chưa kể "tội" của dầu mỏ đang cùng với các nhiên liệu hóa thạch khác gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và sự nóng lên của toàn cầu.

Và, khi gấp cuốn sách lại, chắc chắn độc giả sẽ đồng ý với tác giả Daniel Yergin rằng, biên niên sử mà tác giả đã trình bày hết sức sắc sảo và hấp dẫn trong cuốn sách này thật sự là "thiên sử thi về cuộc kiếm tìm dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực" trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.

Hà Nam (giới thiệu)

Cuộc chiến ổn định giá dầu không ngừng nghỉ của ông BidenCuộc chiến ổn định giá dầu không ngừng nghỉ của ông Biden
Giám đốc IEA: Nga sẽ thua trong cuộc chiến năng lượng với phương TâyGiám đốc IEA: Nga sẽ thua trong cuộc chiến năng lượng với phương Tây
Các nước Trung Á tận dụng cơ hội để vươn lên thành trung tâm trung chuyển năng lượngCác nước Trung Á tận dụng cơ hội để vươn lên thành trung tâm trung chuyển năng lượng