Đâu là lợi ích thực sự của ngành gỗ thông qua kênh đầu tư FDI?
Doanh nghiệp nội “lép vế”
Số liệu nghiên cứu do Tổ chức Forest Trends phụ trách cho thấy, trong năm 2018, trong tổng số 3.200 doanh nghiệp ngành gỗ trực tiếp có các hoạt động xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 8,47 tỷ USD, số doanh nghiệp FDI là 529, chiếm gần 20% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu và kim ngạch gần 4 tỷ USD, chiếm gần 47% trong tổng kim ngạch. Trong khi đó, trên 80% số doanh nghiệp Việt Nam lại chỉ chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp gỗ FDI đến Việt Nam nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại |
Từ những con số trên cho thấy rõ ràng có sự chênh lệch đáng kể giữa 2 nhóm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Sự chênh lệch này theo đánh giá của các nhà nghiên cứu đã phản ánh những khác biệt về một số khía cạnh giữa 2 nhóm, bao gồm quy mô vốn đầu tư, trình độ khoa học công nghệ, chất lượng lao động và tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm.
Một điều dễ thấy ở khối doanh nghiệp ngành gỗ là các kết nối giữa các doanh nghiệp khối FDI và doanh nghiệp nội địa rất hạn chế. Đến nay hầu như không có sự chuyển dịch về khoa học công nghệ, vốn, trình độ sản xuất, quản lý, tiếp cận thị trường giữa 2 khối này.
Điều đáng lo ngại nhất là mục đích của nhiều doanh nghiệp gỗ FDI khi nhảy vào thị thường Việt Nam. Một thống kê gần đây của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho thấy trong năm 2018 có khoảng 65 doanh nghiệp gỗ nước ngoài đã đầu tư chính thức vào Việt Nam, trong đó có tới 23 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc diễn ra gần hai năm nay được cho là nhằm hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do VN - EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam chính thức mở ra các thị trường mới mà lâu nay mức thuế nhập khẩu đồ gỗ từ Việt Nam còn khá cao như Canada, Mexico, Peru…
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được thì nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, chính những lợi thế này cũng có nguy cơ biến Việt Nam trở thành nơi tiếp tay cho hành vi lẩn tránh thuế của doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt.
Lo ngại về vấn đề lợi ích thực sự của các doanh nghiệp gỗ FDI, mới đây, tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam ngày 21/2 nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, số lượng, quy mô vốn đầu tư và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ sở hữu bởi các nền kinh tế thiên đường thuế như British Virgin Islands, Hồng Kông, Singapore và Samoa có thể là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng và ngành gỗ cần có sự quan tâm sát sao hơn. “Đầu tư FDI vào Việt Nam thông qua các thiên đường thuế đã làm phát sinh một số nghi ngại về lợi ích thực sự của hình thức đầu tư FDI theo kênh này”, nhóm nghiên cứu tại Hội thảo đưa ra khuyến cáo.
Phải có những thay đổi về các cơ chế chính sách
Dễ dàng nhận thấy rằng, một trong những kỳ vọng quan trọng nhất của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung là thông qua môi trường thể chế và chính sách cởi mở, khối doanh nghiệp nội địa sẽ có được sự kết nối với khối doanh nghiệp FDI. Kết nối này trong môi trường thông thoáng sẽ tạo ra luồng dịch chuyển chất lượng về trình độ khoa học công nghệ, năng lực quản lý, tiếp cận thị trường từ khối doanh nghiệp FDI sang khối doanh nghiệp nội địa, tạo đà cho các doanh nghiệp nội địa phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, doanh nghiệp gỗ nội địa đã bị các doanh nghiệp FDI “vượt mặt”. Không chỉ khó tìm kiếm sự kết nối trong việc chuyển giao công nghệ mà còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía.
Bài toán về nguyên liệu vẫn luôn khiến hầu hết các doanh nghiệp gỗ trong nước phải đau đầu. Hiện nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nên hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao, nhưng lợi nhuận thu được rất thấp.
Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp gỗ trong thời gian tới, nhiều chuyên gia nhận định, động lực mở rộng đầu tư FDI trong ngành gỗ vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, trong thời gian tới, kỳ vọng đặt ra là Chính phủ sẽ thực sự có những thay đổi về các cơ chế chính sách về thu hút vốn đầu tư FDI, nhằm thu hút đầu tư về công nghệ cao, lao động chất lượng, nhấn mạnh vào hiệu quả giá trị gia tăng của vốn đầu tư… Chỉ như vậy mới có được sự phát triển công bằng cho các doanh nghiệp trong ngành gỗ.
Minh Lê
-
Tin tức kinh tế ngày 28/7: Tín dụng đổ vào bất động sản tăng mạnh
-
3 yếu tố cốt lõi để Việt Nam giữ nhịp độ thu hút FDI
-
Tin tức kinh tế ngày 10/7: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực
-
Thêm góc nhìn để hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam và hợp tác với BIDV
-
Tin tức kinh tế ngày 5/5: Giá cà phê “rơi tự do”
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3