Dấu ấn ngành Giao thông Vận tải 2013: Phải quyết liệt hơn nữa
Vượt khó khăn để cán đích
Năm 2013 được coi là năm đầy thách thức với việc triển khai nhiệm vụ, kế hoạch của ngành GTVT. Công tác triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn rất nhiều khó khăn, khủng hoảng nợ công, tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế phục hồi chậm, thiên tai liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nặng nề cho ngành Giao thông. Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản thiếu trầm trọng, nhất là từ ngân sách Nhà nước.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015 ngành GTVT cần 480 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, vốn ngân sách dành cho ngành năm 2011-2013 lại chỉ đạt 20% so với nhu cầu vốn cho giai đoạn 2011-2015. Khó khăn về vốn buộc ngành phải huy động tối đa mọi nguồn lực. Tổng số vốn huy động ngoài ngân sách đến năm 2013 đạt khoảng 117.000 tỉ đồng của 47 dự án BOT. Hơn 80.000 tỉ đồng cho 26 dự án, trong đó huy động cho các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên khoảng 50.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng.
Năm 2013, ngành GTVT đã khởi công 78 công trình, dự án và hoàn thành 46 công trình, dự án khác. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng cao, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Công tác quản lý tiến độ, chất lượng các công trình đã có chuyển biến tích cực. Hiện nay, không còn tình trạng công trình chậm tiến độ… Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã rà soát, điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu tư các công trình giao thông cho phù hợp với điều kiện về vốn và nhu cầu thực tiễn, tránh đầu tư dàn trải, thất thoát vốn.
Năm qua, Bộ GTVT cũng chú trọng đến công tác quản lý vận tải và trật tự an toàn giao thông. Hoạt động kinh doanh vận tải từng bước đi vào nề nếp và ổn định mang tính bền vững. Lần đầu tiên, đích thân 7 Thứ trưởng Bộ GTVT “vi hành” thanh tra vận tải ở các tỉnh, thành, lập trạm cân lưu động để siết tải trọng xe quá tải trên Quốc lộ. Năm 2013 là năm thứ hai liên tiếp tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí và số người chết do tai nạn giao thông dưới 10.000 người. Việc giao trọng trách để tai nạn gia tăng thì Chủ tịch tỉnh, thành phải từ chức đã khiến việc giữ gìn an toàn và kiếm chế tai nạn giao thông là trách nhiệm không chỉ người đi đường mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.
Mặc dù khó khăn còn nhiều, nhưng bằng sự nỗ không ngừng của cán bộ, công nhân viên, toàn ngành GTVT đã hoàn thành nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tựu nội bật. Đạt được những thành công đó, không chỉ có sự nỗ lực chung tay của cán bộ, công nhân viên ngành GTVT, mà phải nhấn mạnh đến sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Từ nghị trường đến công trường, đâu đâu cũng thấy rõ dấu ấn của vị tư lệnh ngành GTVT.
Tiến độ công trình được đột phá sau vụ “trảm” tướng ở Dự án xây dựng nhà ga hành khách Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ngân sách được tiết kiệm qua lời kêu gọi lãnh đạo đi máy bay giá rẻ. Tai nạn giao thông được kiềm chế qua công tác siết chặt hoạt động vận tải, điều động các Thứ trưởng Bộ GTVT đi vi hành. Không chỉ dừng lại ở những việc lớn mà cả những việc nhỏ bé của ngành, như xử lý niêm yết bảng giá bát mì tôm, chai nước ở dịch vụ hàng không... cũng được Bộ trưởng chỉ đạo.
Dấu ấn mang tính quyết đoán
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Bộ GTVT năm 2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá: “Năm qua, ngành GTVT đã quyết liệt, nhưng Chính phủ yêu cầu phải quyết liệt hơn nữa. Tất cả các đơn vị phải triển khai và có kế hoạch hành động ngay từ những ngày đầu năm 2014 để hoàn thành tốt tất cả các mục tiêu đề ra”. Khẩu quyết của vị tư lệnh ngành giao thông thể hiện rõ tính cách của một Bộ trưởng “quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
3 năm ngồi trên ghế nóng, Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn và đang giữ lửa cho ngành Giao thông vận tải trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tính quyết đoán, thẳng tay xử lý nghiêm minh sai phạm trong ngành, cũng như các chủ trương, đường lối của Bộ trưởng Đinh La Thăng được đông đảo người dân ủng hộ, tán thành.
Mọi công trình giao thông đều để lại dấu ấn sau những chuyến vi hành.
Ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, ý chí quyết tâm, hành động quyết liệt của ngành Giao thông Vận tải, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ của Bộ GTVT năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Công tác quản lý Nhà nước của ngành có nhiều kết quả nổi bật, mang tính đột phá cao. Trong đó, phải kể tới hoạt động vận tải đã có chuyển biến rõ rệt, người dân đi lại thuận lợi hơn, giảm phiền hà. Nhiều chính sách trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai để nâng cao tiến độ, chất lượng công trình, thu hút vốn đầu tư, tiết giảm chi phí. Ùn tắc và tai nạn giao thông đều giảm. Nếu các đồng chí ở Bộ GTVT không quyết liệt thì không thể có hàng chục dự án BOT với hàng chục nghìn tỉ đồng vốn xã hội hóa triển khai được. Để có được kết quả đó là sự nỗ lực, quyết tâm hành động lớn của tập thể lãnh đạo và cán bộ viên chức ngành. Những đóng góp và kết quả của ngành nhân dân đều cảm nhận được. Quản lý nhà nước phải bằng pháp luật, bằng cơ chế chính sách, chứ không thể chỉ dừng ở mỗi việc giải quyết các sự vụ. Chỉ như thế người dân mới ghi nhận".
Thiên Minh
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên