Đại công trường trên dốc Cun "tử thần"
Quốc lộ 6, đoạn qua dốc Cun, tỉnh Hòa Bình được mệnh danh là "cung đường tử thần". Con dốc dài nguy hiểm này một bên là núi cao, một bên là vực sâu (nối thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong), có nhiều khúc cua nguy hiểm nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Nằm trên tuyến đường huyết mạch từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên... từ năm 2022 đến nay, trên quốc lộ 6 đoạn qua dốc Cun xảy ra hơn 10 vụ tai nạn giao thông làm 2 người chết, hơn 10 phương tiện bị hư hỏng.
Vì thế, Cục Đường bộ Việt Nam đã đưa dốc Cun là điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông cần xử lý để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trước thực trạng trên, mới đây Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình đã khởi công dự án "Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn dốc Cun trên quốc lộ 6". Công trình có tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 80 tỷ, giải phóng mặt bằng 30 tỷ, còn lại là chi phí khác.
Đây là dự án trọng điểm của tỉnh Hòa Bình, với mục tiêu đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn.
Dự án được khởi công đầu tháng 8, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý 1 năm 2024. Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông tỉnh Hòa Bình được giao quản lý dự án.
Công trình sẽ xử lý các "điểm đen" trên dốc Cun, quốc lộ 6, đoạn qua địa phận các phường Thái Bình, Thống Nhất (thành phố Hòa Bình) và các xã Bắc Phong, Thu Phong, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong).
Sau lễ khởi công, hàng chục phương tiện máy móc, công nhân được các nhà thầu huy động đến công trường. Hàng nghìn khối đất đá tại các khúc cua tử thần trên dốc Cun đã được san gạt để mở rộng tuyến đường huyết mạch từ Hà Nội đi các tỉnh Tây Bắc.
Ông Đặng Trung Kiên, Trưởng phòng Dự án 1 - Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông Hòa Bình cho biết, nhiều tháng qua, chủ đầu tư đã tập trung chỉ đạo các nhà thầu nhanh chóng thi công để đảm bảo tiến độ.
"Quá trình thi công, chúng tôi yêu cầu nhà thầu phải đảm bảo giao thông thông suốt, không gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông qua lại", ông Kiên nói.
Cuối tháng 9 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng tại khu vực dốc Cun - nơi đang thi công dự án. Hàng nghìn khối đất đá phía taluy dương sạt lở xuống gây ách tắc giao thông, người và phương tiện qua lại gặp nhiều khó khăn. Sự cố sau đó được khắc phục, giao thông trở lại bình thường.
Ghi nhận của phóng viên tại đại công trường bạt núi xóa "điểm đen" trên dốc Cun tử thần, nhà thầu tập trung xử lý các khúc cua hẹp, nguy hiểm trước để mở rộng đường. Khu vực nền đường được mở rộng chủ yếu về phía taluy dương. Vì thế khối lượng đất đá phải di chuyển đi nơi khác rất nhiều.
Nhiều khu vực phải thi công trên địa hình núi cao hiểm trở. Đất đá từ trên cao được máy xúc san gạt xuống, sau đó để gọn vào sát lề đường, tránh gây ách tắc giao thông, không gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.
Quá trình thi công, nhà thầu cử công nhân túc trực để chỉ dẫn cho các phương tiện qua lại an toàn. Thường xuyên qua lại trên dốc Cun, anh Trần Trọng Kim chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn dự án sớm hoàn thành để giao thông trên tuyến đường này được thông suốt, không còn chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm trên con dốc "tử thần" này nữa".
Theo Dân trí
-
Quảng Nam: Các hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn để chủ động điều tiết nước
-
Thú sưu tầm đồ bằng bạc lên ngôi
-
Hơn 5.000 vé máy bay, ô tô hỗ trợ người khó khăn về quê ăn Tết
-
Quảng Nam: Một huyện ban bố dịch bệnh dại
-
Chuyển biến tích cực trong công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tại TP Hải Phòng