Đại biểu Quốc hội đề xuất cơ chế đặc thù cho 2 năm phục hồi kinh tế
Hôm nay (29/10), Quốc hội sẽ nghe và thảo luận tờ trình của Chính phủ về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm. Nền kinh tế vừa trải qua một thời kỳ biến động trước tác động lớn từ đại dịch Covid-19.
Tại đầu kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Một số chỉ tiêu dự kiến đáng chú ý trong năm 2022 đưa ra đó là tốc độ tăng GDP đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%...
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng kế hoạch đạt mức tăng trưởng 6,5% cho năm tới có thể khả thi. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết theo đại biểu Lộc, đó là phải kiểm soát được dịch bệnh.
"Sau cú sốc kinh tế do dịch bệnh, quý III GDP đã âm tới 6,17%. Cũng thời điểm này, nhiều quốc gia trên thế giới đang trong đà phục hồi, các chuỗi cung ứng kết nối lại. Chúng đang đứng trước nguy cơ lỡ nhịp phục hồi tăng trường cũng như quá trình kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Lộc nói.
Tuy nhiên "rất may" theo ông Lộc, cuối tháng 9, chúng ta đã kiểm soát cơ bản được dịch bệnh. Với đà tái khởi động đang triển khai thì việc phục hồi kinh tế, đạt tăng trưởng mức 6,5% trong năm tới không quá khó nếu không có diễn biến bất thường của dịch bệnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) (Ảnh: QH). |
Để mau chóng tăng trưởng trở lại, phục hồi kinh tế, đại biểu Lộc cũng đưa ra một loạt những điểm đáng chú ý. Trong đó, theo đại biểu, cần có cơ chế đặc thù cho phục hồi nền kinh tế 2 năm tới.
Một số nội dung cụ thể cũng được đại biểu Quốc hội gợi mở như công tác kiểm soát Nhà nước chuyển mạnh sang hậu kiểm. Nếu "đẻ" ra thêm bất kỳ thủ tục, tăng chi phí cho doanh nghiệp thì nên dừng lại. Thay vào đó, dồn lực, yểm trợ cho các doanh nghiệp để chuyển từ trạng thái "kiệt quệ" hiện nay sang "phục hồi", đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.
Đại biểu Lộc cũng cho rằng, chúng ta đã có Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn với Covid-19, bây giờ làm sao nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Chúng ta đang có lộ trình phục hồi, bây giờ làm sao cần gỡ bỏ mọi rào cản trong lưu thông hàng hóa.
"Nghị quyết có rồi, giờ là hành động của chúng ta. Phải yểm trợ cao nhất cho người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra "ngăn sông cấm chợ", "phép vua thua lệ làng", cả nền kinh tế là sự kết nối. Thực hiện kiên định sự thống nhất trong việc sống chung với dịch", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đề nghị cần nỗ lực triển khai hiệu quả các giải pháp tài khóa tiền tệ, an sinh xã hội đã đề ra. Đặt ra các gói hỗ trợ quy mô lớn hơn, đảm bảo vừa cứu được các doanh nghiệp, kích thích được động lực tăng trưởng mới.
Quá trình tái khởi động kinh tế, theo ông Lộc, phải được đặt ra trong chiến lược tổng thể dài hạn. Đồng thời cũng như phải có một chương trình ngắn hạn hơn là phục hồi kinh tế trong giai đoạn 2022-2023. "Không chỉ là giải cứu doanh nghiệp mà còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn tạm thời tăng năng lực cạnh tranh nhưng cũng xác định đây là quá trình đào thải tự nhiên đối với những doanh nghiệp quá yếu kém", đại biểu Lộc nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng băn khoăn về bài toán tăng trưởng đối mặt với không ít khó khăn. Bởi sau 4 tháng đóng cửa thì có hiện tượng doanh nghiệp "ra đi", bây giờ cho phép cũng không hoạt động được, rồi lao động cũng về quê. Ông cho rằng đây là sự thiếu hụt các yếu tố tạo ra tăng trưởng và cần phải có các gói kích thích kinh tế để tạo nguồn lực tự nhiên, trong đó có vấn đề về vốn. Gói chính sách lãi suất là hợp lý và cần thiết trong năm 2022...
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính - cũng cho biết Bộ Tài chính đang tính toán gói kích cầu, kích thích kinh tế theo hướng đề xuất đưa ra một số chính sách tài khóa. Cụ thể như gói kích cầu như là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm, có thể từ 10.000 đến 20.000 tỷ đồng…
"Tổng các gói vẫn đang thiết kế nên chưa có số lượng cụ thể, còn cơ quan tham mưu đưa ra nhiều phương án để trình các cấp", ông Phớc thông tin.
Theo Dân trí
Dự kiến để lại cho ngân sách TP HCM hơn 21% trong năm sau |
Xăng dầu tăng sốc: Làm thế nào để kìm giá, hạ nhiệt? |
Người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid được miễn, giảm thuế ra sao? |
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa khoản 3 Điều 15 dự thảo về hoàn thuế giá trị gia tăng
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
Đại biểu Quốc hội: Có dấu hiệu đầu cơ, thao túng thị trường bất động sản