Đắc nhân tâm
Năng lượng Mới số 411
Trong Kỳ họp thứ 8, cuối năm 2014, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), chỉ có 71,43% số đại biểu tán thành vì vẫn có ý kiến đề nghị chưa thông qua nhằm bổ sung một số điều khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động. Luật BHXH (sửa đổi) đến 1/1/2016 mới có hiệu lực nhưng đã có những kiến nghị về bất cập của Điều 60.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 3/2015, Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi) có quy định việc không cho người tham gia BHXH được hưởng BHXH một lần như luật hiện hành. Không chỉ Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mà UBND TP HCM cũng đã kiến nghị việc sửa đổi luật dù mới sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân.
Công nhân TP HCM kiến nghị sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014
Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH năm 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, những ngày qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và TP HCM làm hết sức mình để vận động, thuyết phục bà con, người lao động đang có những phản ứng về Điều 60 của Luật BHXH sắp có hiệu lực.
Vì lẽ đó Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại Điều 60, sửa một phần của Điều 60 để cho người công nhân được chọn lựa giải quyết hưởng bảo hiểm một lần như hiện nay. Từ nay đến ngày 31/12/2015, mọi chế độ đang thực hiện không có gì thay đổi. Chính phủ đã thống nhất sẽ kiến nghị Quốc hội để xem xét lại điều này và không có gì thay đổi thì khoảng ngày 20/5, Chính phủ sẽ nhóm họp giữa năm, kiến nghị để Quốc hội xem xét và tái sửa đổi Điều 60.
Có thể nói đây là một việc chưa có tiền lệ vì luật mới sửa đổi, ban hành chưa kịp có hiệu lực nhưng vì quyền lợi của người dân nên vẫn có thể sửa đổi.
So với việc xử lý kiến nghị tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện sử dụng rượu bia của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Chính phủ cũng có chỉ đạo đắc nhân tâm. Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các bộ Công an, Tư pháp nghiên cứu đề xuất này, sớm báo cáo Thủ tướng.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171.
Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Đề xuất của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia là có cơ sở pháp lý, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp 2013 và được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, các bộ đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm này; giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP, Nghị định 107/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định này cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, trình Chính phủ trong năm 2015. Đồng thời, cho phép tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục xe ôtô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 nghị định có hiệu lực.
Qua hai việc nêu trên cho thấy, các văn bản pháp quy kể cả các bộ luật cần rà soát kỹ càng, cẩn trọng, lắng nghe ý kiến của người dân chắc chắn sẽ không phải sửa đổi ngay sau khi ban hành như Điều 60 của Luật BHXH. Dư luận càng hoan nghênh Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu và ứng xử đắc nhân tâm.
Thọ Vinh
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường