Đã nhường tài sản cho vợ con, ông Trần Quí Thanh còn gì để thành ‘tỷ phú Forbes’?
Việt Nam đã có 4 tỷ phú USD là bà Nguyễn Phương Thảo, ông Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Trần Đình Long. Thời điểm hiện tại, danh sách tỷ phú USD của Forbes 3 người, không ghi nhận ông Trần Đình Long. Nguyên nhân do giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm mạnh vào tháng 6 và 7 vừa qua.
Ứng viên tiếp theo cho danh hiệu này là ông Trần Quí Thanh. Ông Trần Quí Thanh là người sáng lập Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát, hiện đang được đánh giá là “doanh nghiệp tỷ đô”, có nguồn doanh thu khổng lồ và cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp FDI là CocaCola và Pepsi.
Ông Thanh còn được cho là đang sở hữu rất nhiều bất động sản khắp cả nước. Điều đặc biệt là trong khi nhiều đại gia khác phải đi vay thì ông Thanh lại có rất nhiều tiền mặt gửi ở các ngân hàng. Việc này được hé lộ một phần trong vụ Ngân hàng Xây dựng, khi các sổ tiết kiệm trị giá gần 300 triệu USD của gia đình ông bị siêu lừa Phạm Công Danh biển thủ.
Cơ cấu sở hữu tại Tân Hiệp Phát |
Tuy nhiên, xét trên cơ cấu sở hữu, khá ngạc nhiên là ông Thanh đang có không nhiều cổ phần ở Tân Hiệp Phát.
Cổ đông lớn nhất của Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Thanh, sở hữu 54,4% vốn điều lệ. Phần còn lại thuộc về hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.
Bên cạnh nhà máy sản xuất chính tại Bình Dương, các sản phẩm đồ uống của Tân Hiệp Phát còn được sản xuất tại các công ty thành viên như Number 1 Hà Nam, Number 1 Chu Lai, Number 1 Hậu Giang.
Các công ty này đều do gia đình ông Trần Quí Thanh trực tiếp sở hữu thay vì do Tân Hiệp Phát góp vốn.
Trong khi không sở hữu phần vốn tại Tân Hiệp Phát thì ông Thanh lại sở hữu 60% vốn của Number 1 Hà Nam.
Ông Thanh cũng từng sở hữu 60% vốn của Number 1 Chu Lai nhưng đến đầu năm 2015 đã chuyển nhượng phần lớn vốn sang cho 2 con gái của mình nắm giữ, giảm sở hữu xuống còn 5% vốn điều lệ.
Hiện bà Trần Uyên Phương là giám đốc của Number 1 Chu Lai còn bà Trần Ngọc Bích là giám đốc của Number 1 Hà Nam.
Hình ảnh bà Trần Uyên Phương ở Forbes và lời chúc của một doanh nhân nước ngoài |
Bên ngoài hệ thống Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh còn tham gia vào Hội đồng quản trị của CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres), một công ty nhỏ trong lĩnh vực bất động sản có CTCP Cơ điện lạnh (REE) là cổ đông lớn nhất. Ông Trần Quí Thanh sở hữu 1,2% cổ phần của Saigonres.
Các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hiệp Phát do ông Thanh sáng lập chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty gia đình với sở hữu 100% là các thành viên trong gia đình.
Tân Hiệp Phát hiện không huy động cổ phần từ bên ngoài, không niêm yết huy động vốn trên các sàn chứng khoán. Các dữ liệu kinh doanh của Tân Hiệp Phát không nhất thiết phải công khai.
Để đánh giá được khối tài sản của ông Trần Quí Thanh là vô cùng khó. Ngay cả việc Tân Hiệp Phát sở hữu 4 nhà máy (Bình Dương, Hà Nam, Chu Lai, Hậu Giang) với hàng chục dây chuyền Aseptic tân tiến, cùng gần 200.000 điểm phân phối sản phẩm, hệ thống Logistic và hàng chục doanh nghiệp phụ trợ khác… thì cũng rất khó để định giá.
Với cơ cấu sở hữu gia đình tưởng đơn giản nhưng rất phức tạp kể trên, ông Trần Quí Thanh sẽ phải thống nhất sở hữu về cá nhân mình. Vì với các nhà xếp hạng quốc tế, việc định danh cá nhân sở hữu tài sản rất quan trọng và rõ ràng. Điều này khác với tư duy của người Việt “của con cũng là của bố mẹ, của bố mẹ cũng là của con”.
Vấn đề còn lại và lớn nhất là việc ông Trần Quí Thanh có sẵn sàng công bố thông tin tài sản, cung cấp đầy đủ các dữ liệu cho tổ chức xếp hạng tỷ phú thế giới Forbes hay không.
Việc bà Trần Uyên Phương làm việc với Forbes, rất có thể là để giải quyết những vấn đề này.
Theo Dân trí