Da giày, dệt may được mùa xuất khẩu nhưng “đói” đơn đặt hàng
Ngành Da giày đang gặp khó do thiếu đơn đặt hàng.
Sản lượng giày, dép, ủng giả da cho người lớn 11 tháng ước đạt 49,9 triệu đôi, tăng 17,8% so với cùng kỳ; sản lượng giày thể thao ước đạt 376,5 triệu đôi, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã sụt giảm khoảng 25 - 30%.
Ngoài nguyên nhân chủ yếu là sức mua giảm sút từ các thị trường nhập khẩu, ngành Da giày Việt Nam còn gặp khó khăn do các chính sách bảo hộ, chống bán phá giá từ thị trường nhập khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Bên cạnh đó, những khó khăn do sự lệ thuộc vào máy móc nhập khẩu, việc tăng lương tối thiểu và các chi phí đầu vào khác khiến giá thành tăng cao, vẫn đang giảm sức cạnh tranh thu hút đơn hàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành da giày cho biết vẫn đang bị ảnh hưởng nhiều từ việc áp dụng thuế môi trường đối với sản phẩm túi nilông dùng đóng gói hàng xuất khẩu, đã làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
Khó khăn về đơn hàng khiến cho không ít các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp sản xuất và tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí để tồn tại.
Trước những chuyển biến không mấy khả quan từ thị trường EU cùng với chi phí đầu vào tăng nên giải pháp chủ yếu được các doanh nghiệp lựa chọn là điều chỉnh sản xuất, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, chấp nhận hòa vốn đối với những đơn hàng nhỏ lẻ để giữ chân khách hàng, ổn định được đơn hàng.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết, mặc dù sản xuất sụt giảm, lượng tiêu thụ thấp, tồn kho 6 tháng đầu năm khá cao nhưng đến tháng 10, nhờ điều chỉnh sản xuất và nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu, lượng tồn kho được giải quyết.
Năm 2013, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu da giày, túi xách đạt khoảng 9,5 tỉ USD.
Về ngành Dệt may, tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục dẫn đầu, tháng 11 ước đạt 1,3 tỉ USD; tính chung 11 tháng ước đạt gần 13,8 tỉ USD.
Khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam bị sụt giảm đơn hàng tại các thị trường truyền thống. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU có dấu hiệu giảm sút so với cùng kỳ không chỉ tác động đến việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2012 của ngành Dệt may mà còn lo ngại về khả năng đơn hàng tiếp tục giảm trong năm 2013.
Bên cạnh sự giảm sút về kim ngạch xuất khẩu, khủng hoảng khu vực EU khiến đồng euro biến động và mất giá liên tục mà hàng dệt may của Việt Nam xuất đi EU giao dịch bằng Euro nhưng đa số doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan... phải thanh toán bằng USD. Chính sự chênh lệch từ phương thức thanh toán tỷ giá khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sụt giảm lợi nhuận.
PV
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?